Người nghiện ma túy bị xử lý hình sự, nên hay không?

Bảo Linh Thứ tư, ngày 05/06/2019 14:54 PM (GMT+7)
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ngày 4/6, Bộ trưởng cho biết sẽ đề nghị sửa đổi, bổ sung luật Phòng chống tội phạm ma tuý, đề nghị khôi phục lại điều 199 bộ luật Hình sự về tội sử dụng ma tuý.
Bình luận 0

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ngày 4/6, Bộ trưởng đã dẫn ra rất nhiều hệ lụy từ việc sử dụng ma túy như: các vụ thảm án, tai nạn giao thông… do ảo giác ma túy.

Vì vậy cần phải quản lý, tránh gia tăng số người nghiện ma túy bởi từ nghiện ma túy có thể dẫn đến các loại hình tội phạm khác. Ngoài ra, làm giảm nhu cầu tiêu thụ chất ma túy là hướng đi tích cực để ngăn chặn nạn buôn lậu, mua bán trái phép chất kích thích.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết sẽ đề nghị xử lý hình sự đối với người sử dụng ma túy.

img

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết sẽ đề nghị xử lý hình sự đối với người sử dụng ma túy. Ảnh: Dân Việt

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Mấy năm gần đây, ngoài việc mua bán, tàng trữ các chất ma túy hiện tượng sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng lớn, số lượng người nghiện nhiều gây nên vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội”.

Về nguyên nhân sự việc luật sư Thơm chỉ ra: “Trước đây, pháp luật nước ta có quy định xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy, tuy nhiên đến Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 đã phá bỏ việc xử lý hình sự với người nghiện ma túy. Người nghiện ma túy không phải tội phạm mà được coi là người bệnh và bắt buộc phải chữa bệnh trên cơ sở các quy định y tế. Người nghiện chỉ bị xử phạt hành chính.

Điều nay dẫn tới việc họ sử dụng ma túy, gây nên tình trạng ngáo đá, mất trật tự an ninh xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Người sử dụng ma túy nhiều như thế là một hiểm họa đối với xã hội”.

“Tuy nhiên, tùy theo hậu quả người nghiện gây ra như thế nào sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng trước pháp luật. Ví dụ như: Tội giết người cố ý gây thương tích luật pháp đã quy định mất khả năng nhận thức về điều khiển hành vi và nhận thức do sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy vẫn phải chịu trách nhiệm, còn chịu trách nhiệm như thế nào dựa vào hậu quả xảy ra” – Luật sư nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra những vấn đề gây tranh cãi đối với việc xử lý hình sự người nghiện ma túy: “Có ý kiến cho rằng xử lý hình sự người sử dụng ma túy liên quan đến quyền con người và việc hội nhập với các nước trên thế giới trong việc phòng chống tác hại của ma túy … Vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu kỹ chế tài này để phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và trên thế giới. Bởi vì một số nước trên thế giới xem người nghiện ma túy không phải tội phạm mà đó là người bệnh và buộc phải chữa bệnh, cai nghiện. Việt Nam đã và đang thực hiện quy định đó”.

Theo luật sư, Thông tư 17/2007 và Thông tư 08/2015 sửa đổi bổ sung thông tư 17 quy định rõ: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”.

Nghĩa là ở đây người  nghiện cho người nghiện khác ma túy để sử dụng sẽ không bị xử lý hình sự. Bởi người nghiện mua ma túy cho người nghiện khác sử dụng không vì mục đích vụ lợi. Vì vậy, đối với hướng dẫn này cần phải xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Theo quy định của pháp luật hiện nay, người tổ chức sử dụng chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự, nhưng người sử dụng chất ma túy không bị xử lý hình sự. Trước tình hình thực tế hiện nay chúng ta có cần quay trở lại với việc xử lý hình sự người sử dụng ma túy hay không?

Ma túy là nguồn gốc phát sinh các tội phạm, đặc biệt tội giết người, cố ý gây thương tích, xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người, trộm cắp, cướp tài sản, … khi không có tiền mua thuốc. Nếu như trong trường hợp xét thấy người sử dụng ma túy gây bức xúc trong dư luận xã hội, tình trạng ma túy gây nhức nhối, quan điểm của tôi nên xem xét lại các quy định đó, theo hướng phân loại các trường hợp sử dụng ma túy cho cụ thể, rõ ràng rồi tính đến việc xử lý hình sự. Chẳng hạn như nếu như trường hợp sử dụng ma túy nhiều lần bị xử phạt hành chính thì phải xử lý bằng hình sự” – Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem