Người người rủ nhau vào rừng bắt con "đinh tai nhức óc" về ăn

Quốc Định Thứ bảy, ngày 05/05/2018 08:05 AM (GMT+7)
Vào từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, tại khu rừng giáp ranh giữa xã Nặm Khắt (huyện Mùa Cang Chải, Yên Bái) và xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) lại xuất hiện những đàn ve sầu ken đặc trên các cành cây, ngọn lá trong rừng, kêu inh ỏi cả ngày đêm.
Bình luận 0

Năm nào cũng vậy, khi những cơn mưa đầu hè xuất hiện cũng là lúc những cánh rừng rậm ở Nậm Khắt thay lá, thời điểm ve sầu lột xác.

Lúc này ve đã thoát khỏi lớp màng bọc bên ngoài, bay lượn khắp khu rừng, kêu inh ỏi cả ngày lẫn đêm. Ve bám trên các cành cây, ngọn lá, bất cứ thứ gì trong rừng cả trên cây và dưới đất.

img

Người dân kéo nhau lên rừng bắt ve sầu 

Vợ chồng ông Lèo Văn Nghiến, ở bản Tiến Hài (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La) dậy từ sáng sớm, đi bộ hơn 4 cây số đến khu rừng này để bắt ve sầu.

Ông Nghiến cho hay: "Mùa này ve trong rừng nhiều lắm, chúng bay lượn như ong vỡ tổ, bám hết cây này đến cây khác. Chỗ nào ve đậu nhiều, trông xù lên một đám đen nghịt như lũ sâu róm.  Hơn 1 tháng nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng lên khu rừng này để bắt ve về làm món ăn. Loại ve này làm món ăn rất ngon, chỉ cần phi mỡ, rán giòn lên, thêm ít mắm, muối vào là ăn được, vừa ngon vừa ngậy".

img

Dụng cụ để bắt ve chỉ cần một cành trúc dài, đầu trúc bôi ít chất dính lấy từ nhựa cây

Dụng cụ bắt ve rất đơn giản, dùng một một cây cành trúc nhỏ dài khoảng 3 - 4 mét, đầu ngọn trúc bôi vào một ít chất dính lấy từ nhựa cây rừng.

Loại nhựa cây này dính như keo, chỉ cần đưa khẽ chạm vào ve là ve bị dính chặt vào que. Loại nhựa cây này ngoài chợ có bán nên nhiều người mua ngoài chợ thay vì phải lên rừng tìm.

Ông Nghiến nói rằng, mình tuổi già rồi không vào trong rừng sâu được nên đành bắt ve ở ngoài bìa rừng. Còn những người trẻ tuổi trong bản đều kéo hết vào rừng sâu, ở đó nhiều ve hơn, có người bắt được cả yến ve sầu.

Còn bắt ngoài này, ngày được nhiều 3 – 4 kg, ngày ít thì 1 – 2kg, hôm nào được nhiều ăn không hết đem ra chợ bán cho khách 100.000 đồng/kg, tính ra cũng được vài trăm nghìn mỗi ngày.

img

Ve bị dính vào phần chất nhựa ở ngọn trúc

Cách chỗ ông Nghiến vài mét, ông Lý Pháng Khài, người Mông ở bản Làng Minh (xã Nậm Khắt, huyện Mùa Cang Chải, Yên Bái) đang loay hoay tay cầm que dơ lên thân cây để dính ve.

Ông Khài kể: "Ve ở rừng này đã có từ rất lâu, tôi chỉ nhớ rằng hồi còn bé lên rừng chăn trâu đã thấy có ve rồi, nhưng ngày đó người bắt ve ít không nhiều như bây giờ.

Hơn tháng nay, rất nhiều người vào rừng bắt ve, bắt mãi mà không hết. Chính vì ve nhiều nên dễ bắt, nếu hôm nào nhiều cũng được 3 – 4 kg. Ngoài lấy về ăn, tôi còn đem bán cho khách qua đường cũng được ít tiền".

img

img

img

img

Ngoài bắt ve về làm món ăn, nhiều người còn bắt ve về để bán

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem