Người phụ nữ đặc biệt đó là bà Nguyễn Thị Đối ở thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế.
Người nhặt rác đặc biệt
Trong cái rét tê tái của buổi sáng mùa đông tại cảng cá Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một bà già vận bộ quần áo cũ kỹ chăm chỉ nhặt những bao nylon người ta thải ra bỏ vào một bao tải lớn. Nhặt hết trên cầu cảng, bà xắn quần lội xuống nước để nhặt. Chỉ sau gần một giờ, bà đã gom được một lượng rác lớn và bắt đầu công đoạn giặt rác cho sạch sẽ trước khi chở về nhà.
|
Mỗi tháng, bà Đối nhặt được từ 2-3 tạ rác nylon để bán làm từ thiện. |
Tôi vẫn sẽ nghĩ bà là một người nhặt rác như hàng vạn người làm nghề này nếu anh bạn vong niên của tôi làm nghề kinh doanh nước đá ở cảng cá không cho biết bà là người nhặt rác đặc biệt. “Bà nhặt rác không phải để mưu sinh mà để kiếm tiền giúp đỡ những người hoạn nạn”- anh bạn tôi thông tin.
Thời bao cấp, bà Đối làm công nhân nhà máy thủy sản. Sau đó, nhà máy giải thể, bà mất việc nên chuyển sang mưu sinh bằng nghề buôn bán tôm tép ở chợ. Thường xuyên đi chợ, tiếp xúc với nhiều người nên bà nghe nhiều thông tin về những hoàn cảnh ngặt nghèo do ốm đau, bệnh tật cần được giúp sức. Vì thế, bà đi khắp nơi nhặt rác đem bán lấy tiền làm từ thiện.
Nhà bà Đối nằm cách Quốc lộ 49A vài chục mét, rác chất từ sân vào đến hiên. “Rác ni mới nhặt đó, được khoảng vài tạ, xe sắp về lấy”- bà vừa kể vừa đổ bao tải rác mới chở từ cảng Thuận An về ra giữa sân để rửa lại lần nữa cho sạch. Mấy người con trai, con dâu của bà cũng xắn tay giúp mẹ làm sạch rác để kịp nhập chung một đợt với số rác đã xử lý. “Chừ mỗi tạ rác nylon có giá 1,2 triệu đồng, nhập hết số rác ni, tui kiếm được gần 4 triệu để giúp những hoàn cảnh khó khăn”- bà tâm sự.
Mỗi lần bán rác, bà dùng tiền thu được giúp những người mù, bệnh nhân tâm thần, trẻ mồ côi, các gia đình có người bị bệnh tật. Đến nay, bà không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu người hoạn nạn bằng tiền bán rác.
Sứ giả môi trường
Biết bà Đối nhặt rác để làm việc nghĩa nên rất nhiều người hỗ trợ bà bằng việc báo cho những địa điểm đang có nhiều rác. Thậm chí nhiều người thỉnh thoảng còn thu gom sẵn rác rồi gọi điện báo cho bà đến chở. “Sự hỗ trợ của mọi người càng giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua mệt nhọc”- bà bộc bạch.
Bà bảo việc nhặt rác của mình là một công đôi việc, vừa có tiền giúp người hoạn nạn lại góp phần giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trong những chuyến nhặt rác, bà còn tuyên truyền cho nhiều người về ý thức bảo vệ môi trường sống bằng việc đổ rác đúng chỗ. Vì vậy, ngoài cái tên “bà Đối rác” thân thuộc, nhiều người còn gọi bà là “sứ giả môi trường” để ghi nhận công sức tuyên truyền của bà.
Bà bảo, tuổi bà đã gần đất xa trời nhưng bà sẽ bám việc cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng. Những người con của bà dù không ai nói ra nhưng ánh mắt của con cho bà biết chúng sẽ nối nghiệp nhặt rác giúp người khi bà nằm xuống.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.