Người “nhuộm” Hà Nội cho nhạc Trịnh

Thứ sáu, ngày 09/03/2012 13:04 PM (GMT+7)
Đến với nhạc Trịnh là một kẻ ngoại đạo nhưng Giang Trang lại khiến bao con tim rung động bởi sự thuần khiết và trong trẻo của một giọng ca đẹp.
Bình luận 0

Cô đã chuyển tải đến khán giả những sắc độ tinh tế và biểu cảm của nhạc Trịnh bằng tâm hồn và trái tim người nghệ sỹ.

Đến với nhạc Trịnh vì tâm hồn được cứu rỗi

Cuộc sống của Giang Trang có lẽ cứ bằng lặng trôi đi trong những tháng ngày êm đẹp và nhạc Trịnh chỉ là một thứ âm nhạc giống như bao thể loại khác nếu như không có những tối thứ tư đến quán Nhạc Tranh nghe ghi-ta cổ điển.

Nhạc Trịnh đã đến với cô như một người bạn tình cờ gặp để rồi gắn bó thân thiết theo cô suốt quãng đời tuổi trẻ. Những lúc buồn bã nhất thì chỉ cần mở một ca khúc nhạc Trịnh, Giang Trang sẽ lấy lại sinh lực và đưa một cô gái ở vào độ tuổi đôi mươi lúc đó không bị gục ngã trước những sóng gió đầu đời.

img
Nhạc Trịnh đã đến với cô như một người bạn tình cờ gặp để rồi gắn bó thân thiết theo cô suốt quãng đời tuổi trẻ.

Ca từ lạ, mang nhiều triết lý sống của nhạc Trịnh chính là không gian nâng đỡ và chia sẻ với Giang Trang. Nhờ đó, cái nhìn về cuộc sống của cô cũng trở nên tinh khôi và thánh thiện hơn. Và vì thế mà niềm tin và tình yêu cuộc sống được đong đầy theo thời gian.

Có một tuổi thơ đầy sóng gió với những biến cố của gia đình cô bé Giang Trang theo học ghi-ta cổ điển từ năm 13 tuổi. Ngày đó bố mẹ cô đều là công chức nhà nước ở Hải Dương.

Những năm đầu đời cuộc sống gia đình cô cũng không quá khó khăn nhưng đến năm Trang 8 tuổi, gia đình cô hoàn toàn mất phương hướng khi mẹ cô lâm bệnh nặng mọi thứ trong nhà cứ đội nón ra đi để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ.

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, Giang Trang đã không chọn âm nhạc mà thay vào đó, cô chọn thi vào khoa Kinh tế đối ngoại trường Đại học Ngoại thương. Giải thích cho thắc mắc đó của tôi, cô cười nhẹ:

“Ngày đó gia đình Trang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh tế nên bố mẹ mong muốn con cái có đường đi dễ hơn và bản thân mình lúc đó cũng không đủ dũng cảm để đi theo âm nhạc. Nên quyết tâm học văn hóa và làm kinh tế và điều đó luôn khiến mình canh cánh trong lòng”.

Chọn việc tiếp tục đi học thay cho học đàn bởi cô hiểu rằng, âm nhạc lúc đó là thứ quá xa xỉ với cô gái đang trong hoàn cảnh khó khăn. Nhưng cũng trong suốt những năm tháng đầy mộng mơ ấy, Giang Trang vẫn nặng lòng với âm nhạc cổ điển đầy sâu lắng và tạo điểm tựa về tinh thần cho cô.

Để rồi sau này những năm tháng sinh viên, cô tìm đến quán Nhạc Tranh nghe ghi-ta cổ điển như tìm về người bạn thân lâu ngày không gặp. Trong không gian âm nhạc ấy, Giang Trang đã tìm thấy nhạc Trịnh và đã tìm được người bạn tri kỷ của cuộc đời mình.

img
Sau mỗi cuộc chơi, cô đều rút kinh nghiệm để thoát khỏi cái bóng của các nghệ sỹ lớn mà tạo nên một hình ảnh thật trong trẻo và riêng biệt về một Giang Trang hát nhạc Trịnh.

Cô chia sẻ: “Suốt trong 4 năm sinh viên cứ thứ tư hàng tuần Trang lại tìm đến Nhạc Tranh và sau này gắn bó với quán như mái nhà tinh thần. Ngày đó mọi hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên không đa dạng như bây giờ, Nhạc Tranh đã đem lại sự ấm áp cho đám sinh viên nghèo ngày ấy.

Mỗi lần ban nhạc chơi, mọi người như bị chìm trong tiếng ghi-ta cổ điển cùng với những ca khúc của Trịnh không gian như lãng đãng trôi qua trong yên bình, mộc mạc”.

Trong kỷ niệm ngày thành lập Đoàn năm 2001, Đoàn trường Đại học Ngoại Thương tổ chức thi văn nghệ Trang tham gia và bất ngờ, hát bài Đàn chim Việt của Văn Cao của Trang đã đoạt giải Nhất. Sau buổi thi văn nghệ hôm đó ban nhạc của trường Ngoại Thương quyết định mời Trang hát nhạc Trịnh tại Nhạc Tranh.

Rất bất ngờ về lời mời nhưng Trang vẫn đến và hát hôm đó quán rất dông mọi người ngồi nghe như nuốt từng lòi Trang hát. Ngay sau đó vợ chồng anh Sơn chủ quán đã chính thức có lời mới Trang cộng tác.

Cô háo hức chờ đón những tối thứ tư ở Nhạc Tranh cô cùng với bạn diễn người đem ngón đàn ghi-ta điêu luyện, kẻ mang giọng ca trong trẻo truyền đến người nghe tính thiền định trong các tác phẩm của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn. Và chẳng biết tự bao giờ, tình yêu với nhạc Trịnh cứ ngày lớn dần lên trong cô.

Những lời khen ngợi động viên của bạn bè đã khích lệ Giang Trang tiếp tục dấn thân và tiếp tục niềm đam mê. Giọng ca chưa được tỉa tót và mộc mạc của cô có sức hấp dẫn rất lớn với khán giả.

Những ngày trời đổ mưa ào ạt hay những ngày đông buốt giá, những người hâm mộ Giang Trang vẫn lặn lội đến quán Nhạc Tranh ngồi nghe cô hát. Mọi người lặng yên để đón chờ giọng hát của Giang Trang vang lên và khi những ca từ đẹp được xướng lên, cô đã đưa người nghe trôi về miền sâu thẳm, lãng đãng trôi qua bao ký ức đẹp đẽ trong bình yên và mộc mạc.

Nhưng hồi đó, Giang Trang vẫn nghĩ cô đến với âm nhạc là sự tình cờ và không có ý định để bước chân vào con đường chuyên nghiệp.

Và tìm được hạnh phúc khi được chia sẻ tình yêu với mọi người

Đến khi đi làm, sự bộn bề và lo toan của cuộc sống lại một lần nữa chứng minh cho tình yêu của cô dành cho nhạc Trịnh là vẹn nguyên và bền vững. Có ai đó từng hỏi Trang rằng chấp nhận từ bỏ những công việc cũ lương cao để chuyên tâm hơn với nhạc Trịnh có phải sự đánh đổi không?

Trang cười và đáp: “Đó không phải là sự đánh đổi mà là sự lựa chọn. Cuộc sống là những sự lựa chọn và một khi Trang đã chọn rồi, Trang thấy thanh thản, Trang vui với nó có nghĩa là đó chính là con đường Trang theo”.

Suốt 10 năm gắn bó và đồng hành cùng nhạc Trịnh, Giang Trang nhận thấy cô thuộc về âm nhạc chứ không phải ngành nghề nào khác. Âm nhạc mới khiến cô cảm thấy thư thái và sống tích cực, đẹp hơn.

Có lẽ vì vậy sau khi xây dựng gia đình, cô vẫn tiếp tục lui tới quán Nhạc Tranh để hát và lại một lần nữa được thể hiện sự cảm thụ của cô dành cho nhạc Trịnh.

Đến năm thứ tư đại học, Trang không còn một mình đến quán hát nữa mà bên cạnh cô có một người đàn ông luôn động viên cô đến với nhạc Trịnh. Anh là một họa sĩ thiết kế họ gặp nhau nhờ chiếc cầu nhạc Trịnh.

Để rồi người đàn ông của cô sẵn sàng giúp cô những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để cô được toàn tâm toàn ý với cuộc chơi của mình. Với Giang Trang, anh là một người bạn đời mà số phận ưu ái dành cho cô.

Ngày cô về nói với anh sẽ thôi không giữ chức giám đốc tín dụng của một ngân hàng nước ngoài với mức lương tính bằng đô la để hát nhạc Trịnh, anh im lặng không nói câu nào.

Sự im lặng đó không phải là sự phản đối mà anh đang suy nghĩ để giúp cô vừa hoàn thành sứ mệnh của người vợ, người mẹ trong gia đình mà không phải từ bỏ đam mê của mình. Họ cùng nhau mở một quán bar trên phố Cao bá Quát.

Trang bảo chọn nơi đó vì nó là một biệt thự cổ không gian rất phù hợp với nhạc Trịnh và những người hoài cổ. Ngày mở quán, Trang lo nhân sự, còn anh giúp Trang trang trí quán tất tần tật mọi thứ từ chiếc radio cổ đến những poster phim cũ đều một tay anh chọn lựa và treo lên.

Hôm khai trương quán, cô rạng rỡ tay trong tay cùng anh dạo khắp quán. Có nằm mơ Trang cũng không nghĩ rằng cuộc đời lại cho cô nhiều may mắn như vậy.

Trang bắt đầu cùng chồng nghĩ đến chuyện thu âm những bản nháp, anh luôn là một khán giả khó tính giúp Trang nhận ra những thiếu sót khi hát và chính anh là người gợi mở cho cô và ban nhạc thêm chút nhạc Jazz vào nhạc Trịnh khiến nó lạ lẫm và gần gũi hơn với các bạn trẻ.

Dù Trang hát ở đâu và dù thời tiết hôm đó thế nào, anh vẫn luôn đưa cô đi, nhắc cô kéo khóa chiếc áo khoác cho đỡ lạnh để tránh bị viêm họng ảnh hưởng đến giọng hát.

Vốn là người kín đáo và luôn coi việc hát nhạc Trịnh như một cuộc chơi nên gần như những đồng nghiệp của cô không ai biết cô biết hát chỉ đến khi được mời đi nghe Trang hát họ mới ngỡ ngàng trước một Giang Trang trên sân khấu bằng hát bằng tất cả sự tinh tế và cảm nhận của một người yêu nhạc Trịnh.

Cô lặng lẽ và sâu lắng trong những ca khúc man mát buồn, trái ngược hoàn toàn với một Giang Trang cởi mở và sôi động ngoài đời. Cô đã trở thành một con người hoàn toàn khác khi hát nhạc Trịnh.

Với phong cách biểu diễn gần gũi và đầy cảm xúc, Giang Trang đã tạo ra 2 đêm diễn nhạc Trịnh đầy ấn tượng tại sân khấu L’espace. Áp lực với Giang Trang là rất lớn, khi cô là ca sỹ nghiệp dư nhưng ngoài sức tưởng tượng, đêm diễn cháy vé ngay sau khi có thông báo bán vé 2 ngày.

Suốt 2 đêm diễn, Giang Trang hát bằng một cảm xúc thông minh và văn minh. Cái văn minh ở sự trân trọng âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa, và tìm tòi cách để làm mới nó đi, như thêm một chút Jazz cho “Mưa hồng” và đủ bình tĩnh kiềm chế để bài hát không bị biến dạng.

Văn minh khi giữ cho nhạc Trịnh sự giản dị như vốn có, chứ không chạy theo trào lưu “sang hóa” của không ít ca sĩ bây giờ. Cái thông minh ở chỗ cô và những người bạn, biết cách để khỏa lấp hạn chế của giọng hát, bằng tiếng ghi-ta thay cho hai câu:

“Có khi mưa ngoài trời, là giọt nước mắt em” trong “Ru đời đi nhé”, hay tiếng nhạc và đọc lời thay thế cho những đoạn phải lên cao của “Xin mặt trời ngủ yên”. Thông minh khi cô đắm đuối bằng cảm xúc của mình, để nhạc Trịnh “buồn nhưng đẹp”.

Khán giả ngồi dưới, những người đa phần thuộc thế hệ của Giang Trang, họ cần tìm lại cảm xúc của những ngày đã qua, hơn là tìm một giọng ca chuyên nghiệp. Những tràng vỗ tay của khán giả chính là lời khen ngợi rõ nét nhất dành cho nữ ca sỹ “amateur” Giang Trang.

Đặc biệt, bố mẹ Giang Trang, những người đã tin vào sự lựa chọn mạo hiểm của cô đã thực sự là người hạnh phúc hơn cả. Bố mẹ cô đã được chứng kiến sự trưởng thành từng bước của cô con gái và thấy mãn nguyện khi Giang Trang làm được điều mà cô yêu thích và lựa chọn tới cùng.

Giang Trang luôn hiểu trên con đường sáng tạo đó, sự lao động đó thì sự thành công hay nổi tiếng thực chất là để cô được gặp những con người mà cô có thể chia sẻ các điều đã có và tìm được những giá trị cho đời sống tinh thần thêm phong phú.

Sau mỗi cuộc chơi, cô đều rút kinh nghiệm để thoát khỏi cái bóng của các nghệ sỹ lớn mà tạo nên một hình ảnh thật trong trẻo và riêng biệt về một Giang Trang hát nhạc Trịnh.

Theo PN&ĐS

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem