Người nông dân phía sau “siêu” Dự án đường Vành đai 4: Khi địa phương muốn “xé rào” để có lợi cho dân (Bài 4)
Người nông dân phía sau “siêu” Dự án đường Vành đai 4: Khi địa phương muốn “xé rào” để có lợi cho dân (Bài 4)
Tố Loan - Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 22/04/2024 06:17 AM (GMT+7)
Một trong những "điểm nghẽn" khó nhất của Dự án đường Vành đai 4 mà hầu hết địa phương nào cũng gặp phải, đó là chưa thống nhất được mức bồi thường sao cho người dân đỡ thiệt thòi, nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật. Từ thực tế đó, nhiều huyện đã đề xuất cách làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Dự án đường Vành đai 4 qua huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km trên địa bàn 6 xã, tổng diện tích thu hồi 86,94 ha, liên quan đến 1.670 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Trong đó thu hồi đất nông nghiệp 73,96ha; đất ở 0,6ha; đất phi nông nghiệp 10,23ha; đất nghĩa trang, nghĩa địa 2,15ha với 503 ngôi mộ. Diện tích đất đã bàn giao mặt bằng là 84,21ha
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, 2 vấn đề huyện đang gặp vướng mắc lớn nhất, đó là giá tái định cư giữa đầu đi và đầu đến và giá đất phi nông nghiệp (đất vườn) đang có sự chênh lệch nhau rất lớn.
Ông Quảng lý giải: Do khu đất bồi thường nằm ở vị trí không thuận lợi, cơ sở hạ tầng kém, đường giao thông nhỏ mặt cắt từ 1-2m nên huyện đã phê duyệt giá bồi thường trên địa bàn xã Cự Khê là 29,5 triệu đồng/m2 và trên địa bàn xã Mỹ Hưng là 21,7 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, khu đất tái định cư cho người dân xã Cự Khê được bố trí nằm liền kề với khu đô thị Thanh Hà, hạ tầng chung với khu đô thị ThanhHà, qua kết quả điều tra, khảo sát xây dựng, có mức giá dao động từ 52,3 - 61,3 triệu đồng/m2. Do có chênh lệch lớn về giá đầu đi – đầu đến nên nhân dân chưa đồng thuận.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, huyện đã có văn bản đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND huyện Thanh Oai thực hiện việc xác định lại giá đất đã xây dựng để triển khai thực hiện trên địa bàn.
Trường hợp không có căn cứ để xác định lại giá đất, đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho các huyện nói chung và huyện Thanh Oai nói riêng thực hiện bốc thăm chọn vị trí tạm giao đất cho các hộ đủ điều kiện tái định cư và được ghi nợ nghĩa vụ tài chính khi giao đất theo quy định để các hộ có đất sử dụng ổn định đời sống và sớm bàn giao mặt bằng thi công dự án đường Vành đai 4, khi nào các hộ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các quyền của chủ sử dụng đất.
Cũng theo ông Quảng, với các giải pháp đưa ra, nếu người dân không đồng thuận thì "không còn cách nào khác", buộc phải thực hiện theo quy trình cưỡng chế.
Mê Linh kiến nghị xem xét cơ chế đặc thù
Ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho hay, hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn thành, riêng với những hộ chưa thống nhất được mức giá đền bù huyện cũng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm xử lý dứt điểm, "hợp tình, hợp lý" để bà con đồng thuận cao, sớm di dời bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Ông Thức chia sẻ: "Mới đây nhất UBND huyện Mê Linh đã ban hành các quyết định 1343, 1344 và 1345/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giá cụ thể (đất ở) làm căn cứ tính tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở tại các xã có diện tích đất bị thu hồi.
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn tuyến qua địa bàn huyện Mê Linh có chiều dài 11,2 km, diện tích đất cần thu hồi 141 ha, đi qua 5 xã, 12 thôn liên quan hơn 3.000 hộ dân. Trong đó, diện tích đất ở chiếm gần 7ha liên quan 438 hộ dân thuộc ba thôn: Nội Đồng (xã Đại Thịnh), Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê) và Tân Châu (xã Chu Phan).
Cũng theo đại diện của huyện Mê Linh, trong quá trình giải phóng mặt bằng huyện cũng gặp phải khó khăn như: Một số thửa đất sau khi thu hồi thì diện tích còn lại chỉ khoảng 30m2, không đủ điều kiện để xét tái định cư, hình dạng đất cũng không đảm bảo việc xây dựng nhà phù hợp với nếp sinh hoạt của các hộ gia đình khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, đa phần nguồn gốc đất là do cha ông để lại, có diện tích lớn nhưng hạn mức đất ở chỉ được tối đa 200m2 (theo quy định cũ từ khi huyện Mê Linh còn trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), trong quá trình sử dụng người dân tách, tặng cho thành nhiều thửa, có thửa là đất ao vườn nhưng vẫn xây nhà ở và công trình phụ trợ dẫn đến việc áp dụng giá bồi thường theo quy định thấp hoặc không được bồi thường cũng như không được xét tái định cư…
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, huyện Mê Linh cũng đã kiến nghị UBND TP. Hà Nội xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân. Cụ thể, UBND huyện Mê Linh kiến nghị thành phố cho phép xem xét tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất còn lại sau thu hồi bị méo mó như trình bày trên, xét giao 1 suất đất tái định cư diện tích tối thiểu 80m2. Đồng thời, cho phép huyện xem xét, công nhận lại hạn mức đất ở đối với các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ dự án Vành đai 4).
Huyện cũng đề nghị Thành phố cho phép tính chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao thành đất ở với diện tích 1 lần hạn mức giao đất ở tối đa 180m2 và khấu trừ tiền chuyển mục đích tại phương án bồi thường và xét giao 1 suất tái định cư tối thiểu diện tích 80m2.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, huyện đã nghiên cứu và vận dụng các quy định của pháp luật, tham khảo cách làm của các địa phương khác để xây dựng phương án sát thực tế, có tính khả thi trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa thể đáp ứng được mong muốn của tất cả các hộ. Vì vậy, mong người dân cùng với chính quyền đã đồng thuận rồi thì tới đây tiếp tục đồng lòng, ủng hộ, sẵn sàng bàn giao đất đai, nhà cửa, di dời tài sản để Nhà nước triển khai giải phóng mặt bằng dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.