Niềm vui của những người nông dân khi góp đất thực hiện Dự án đường Vành đai 4

Nguyễn Đức- Trịnh Trọng Chủ nhật, ngày 25/06/2023 14:58 PM (GMT+7)
Người dân ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) phấn khởi vì đã góp sức nhỏ trong việc xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tuyến đường sẽ tạo nguồn lực mới để Thanh Oai phát triển không gian xanh, kinh tế xanh gắn với phát triển văn hóa, trở thành đô thị sinh thái của Thủ đô Hà Nội.
Bình luận 0

Người dân đội mưa đến dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4

8 giờ sáng 25/6, lời giới thiệu về lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 vang lên cũng là lúc ông Nguyễn Đức Mạnh (ở thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) cầm chiếc ô và di chuyển từ nhà ra địa điểm khởi công dự án. 

Nhà ông Mạnh cách địa điểm làm lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 chỉ chừng 150m.

Trời mưa lớn không làm ông Mạnh nản lòng. Với tinh thần háo hức, ông bước nhanh ra địa điểm khởi công Dự án đường Vành đai 4 - nơi gia đình ông góp 11m2 đất cho việc giải phóng mặt bằng, phục vụ dự án.

Niềm phấn khởi của nông dân góp 11m2 đất trong ngày khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 1.

Các địa phương đang hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho thi công Dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Dân Việt.

"Nghe thông tin Dự án đường Vành đai 4 được khởi công chúng tôi háo hức lắm. Trong thôn chúng tôi có hơn 100 hộ dân góp đất cho dự này, có những nhà góp hơn 5 sào đất, còn nhà tôi là ít nhất trong số này bởi dự án chỉ chạy qua một góc đất nhỏ", ông Mạnh nở nụ cười tươi nói.

Nhà ông Mạnh có hơn 2 sào đất trồng lúa. Vài năm về trước, gia đình ông đã góp hơn 1 sào vào việc thực án dự án Đường trục phía nam khu đô thị Thanh Hà Cienco 5. Đến nay, gia đình ông tiếp tục góp đất cho Dự án đường Vành đai 4.

Diện tích trồng lúa bị thu hẹp nhưng gia đình ông Mạnh vẫn phấn khởi vì đã góp sức nhỏ vào lợi ích chung, vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. 

Gần 1 sào đất còn lại, hiện nay ông Mạnh vẫn duy trì việc trồng lúa. Ngoài những lúc lo việc đồng áng, ông làm thêm nghề thợ mộc để kiếm thêm thu nhập. Vợ ông, cũng chọn công việc may vá để phụ giúp gia đình.

Hơn 8 triệu đồng được đền bù từ việc góp đất, ông Mạnh dành tiền vào việc sửa sang ngôi nhà. 

"Mong rằng Dự án đường Vành đai 4 đi qua xã chúng tôi sẽ tạo động lực để địa phương phát triển kinh tế. Có đường, hạ tầng giao thông tốt, bà con sẽ được hưởng lợi, đi lại thuận tiện và cái quan trọng nhất là thuận tiện cho việc đầu tư, xây dựng nông nghiệp xanh, sạch trong tương lai", ông Mạnh kỳ vọng.

Niềm phấn khởi của nông dân góp 11m2 đất trong ngày khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Mạnh (ảnh trái ) ở thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt. Ảnh: Trịnh Trọng.

9h sáng, những cơn mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống nhưng nhiều bà con ở thôn Phượng Mỹ vẫn "đội mưa" ra dự lễ khởi công dự án. 

Nhiều người háo hức, chờ đợi tuyến đường vành đai 4 sắp hình thành, chạy qua địa bàn huyện Thanh Oai.

Ông Lưu Bá Lương cầm trên tay chiếc ô lớn, khuôn mặt phấn khởi khi nghe những lời giới thiệu thông tin về dự án tại lễ khởi công. Ông Lương cũng là một trong số hơn 100 hộ ở trong thôn Phượng Mỹ tham gia góp hơn 200m2 đất cho dự án. 

Khu vực làm lễ khởi công dự án cũng có phần đất của gia đình ông Lương đã góp đất cho Nhà nước. 

Khi nghe tin dự án sẽ lấy một phần đất của gia đình, ông Lương cũng như nhiều thành viên khác trong gia đình đều đồng thuận. 

Bởi họ đều nghĩ rằng, Nhà nước lấy đất xây dựng đường giao thông, đồng nghĩa với việc bà con đi lại sẽ thuận lợi, nhanh chóng, giao thương buôn bán rộng mở, sầm uất hơn.

Nhà ông Lương có gần 1 sào đất trồng lúa. Trước khi góp đất, gia đình ông Lương vẫn trồng lúa, mỗi năm cho thu hoạch được vài tạ thóc.

"Sau khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng tuyến đường vành đai 4, trong đó có đoạn đi qua thôn Phượng Mỹ, chúng tôi rất phấn khởi khi dự án được khởi công, mọi người đều kỳ vọng dự án sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế, người dân có một cuộc sống ấm no hơn", ông Lương chia sẻ.

Trước khi về hưu, ông Lương từng là cán bộ của một Tập đoàn xăng dầu, làm việc ở địa bàn Hà Nội. Cũng bởi vậy, khi nghe thấy chủ trương của Nhà nước ông Lương ủng hộ, không đắn đo suy nghĩ thiệt hơn.

Niềm phấn khởi của nông dân góp 11m2 đất trong ngày khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 4.

Ông Lưu Bá Lương, thôn Phượng Mỹ chỉ tay về khu đất gia đình đã được giải phóng mặt bằng cho Dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Trịnh Trọng.

Đứng bên hàng cây xanh ven đường, bà Miên ở thôn Phượng Mỹ nhìn về phía cánh đồng, nơi sau này 6 làn đường tuyến đường vành đai 4. Gia đình bà Miên cũng tham gia góp hơn 300m2 đất vào dự án, được Nhà nước đền bù hơn 200 triệu đồng.

Khi biết tin lễ khởi công dự án, bà Miên phấn khởi, khoác áo mưa ra tham dự. Ở cái tuổi 65, bà Miên còn khá thanh thoát. Bà cũng như các con đều kỳ vọng rằng tuyến đường sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo thuận lợi cho bà con.

"Việc đền bù tiền đất cho các hộ dân hết sức kịp thời, thỏa đáng. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác đều vui vẻ, ủng hộ dự án này", bà Miên bộc bạch.

Dự án sẽ tạo đà cho địa phương phát triển

Phấn khởi hơn cả có lẽ là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phượng Mỹ (xã Mỹ Hưng) ông Nguyễn Bá Hà. 

Ông khoe rằng, đến nay người dân đã nhận tiền đền bù đất đạt hơn 95%, hiện giờ chỉ còn 20 hộ dân vướng mắc về nguồn gốc đất, đang kiểm đếm.

Tại thôn Phượng Mỹ, thực tế không ít hộ gia đình kinh tế còn khó khăn do địa phương không có nghề phụ, thu nhập chủ yếu từ canh tác nông nghiệp và đi làm thuê dịch vụ nhưng họ đều rất cố gắng lo kinh phí di dời mộ kịp thời, ủng hộ chủ trương của Nhà nước.

Niềm phấn khởi của nông dân góp 11m2 đất trong ngày khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 5.

Các đại biểu ấn nút khởi công Dự án đường Vành đai 4. Ảnh: Trịnh Trọng.

"Chúng tôi phải họp các ban ngành đoàn thể, vận động, gửi tài liệu tuyên truyền tới từng nhà cho người dân hiểu. Việc di chuyển mồ mả ban đầu người dân cũng không đồng tình sau rồi họ đã thay đổi và chủ động di dời ủng hộ dự án. 

Thôn có trên 7ha đất phải giải phóng mặt bằng của 292 hộ, trong đó có hơn 300 ngôi mộ", Trưởng thôn Phượng Mỹ thông tin.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng Lê Duy Trường cho biết thêm, huyện Thanh Oai là địa phương đầu tiên hoàn thành sớm công giải phóng mặt bằng.

"Đến thời điểm này công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã đạt trên 95%. Việc giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân, từ việc di chuyển phần mộ, cho đến công tác kiểm đếm, nhận tiền hỗ trợ, người dân hết sức ủng hộ", ông Trường nói.

Huyện Thanh Oai có diện tích 142,31km2. Đối với dự án, tuyến đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã Mỹ Hưng có tổng chiều dài 1,44 km. Tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng 14ha, trong đó có hơn 11ha đất nông nghiệp của 286 hộ và 297 phần mộ của 83 hộ dân.

Trong quá trình triển khai Dự án đường Vành đai 4, dự án chỉnh trang, mở rộng nghĩa trang thôn Phượng Mỹ được mở rộng gần 4.000m2, khuôn viên sạch đẹp với đường đi, cây xanh, hồ điều hòa và xây sẵn phần bể mộ (quy mô 18 dãy, mỗi dãy gồm 18 ngôi) cũng là một trong những điểm nhấn, mang lại sự phấn khởi cho bà con.

Niềm phấn khởi của nông dân góp 11m2 đất trong ngày khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Ảnh 6.

Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai. Ảnh Trịnh Trọng.

"Trước đây, xã Mỹ Hưng là một vùng khó khăn, người dân thuần nông, nay phát triển đường Vành đai 4 sẽ giúp việc liên kết người dân ở Mỹ Hưng, Thanh Oai với các địa phương khác và cũng là cơ hội mở ra để phát triển, thu hút đầu tư, đem lại sự phát triển của địa phương", Phó Chủ tịch xã Mỹ Hưng kỳ vọng.

Còn ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho hay, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để huyện Thanh Oai đạt tiêu chí quận giai đoạn 2025 – 2030.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai rất vui mừng khi dự án được khởi công. Khi hoàn thành dự án, Thanh Oai sẽ là điểm kết nối giao thông, liên kết vùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương đồng thời giảm áp lực giao thông cho nội đô.

"Các vướng mắc cơ bản đã tháo gỡ xong, công tác tái định cư cho người dân ở Thanh Oai có 2 điểm tái định cư, một là ở quận Hà Đông, hai là tái định cư cho nhân dân ở huyện Thanh Oai đến nay cũng cơ bản xong", ông Sáng nói.

Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027.

Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án GPMB, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.

Hạng mục cao tốc vành đai 4 sẽ có 39,86km đi dưới thấp (35% tổng chiều dài) và 73,66km đi trên cao (cầu cạn). Cầu cạn cao tốc được thiết kế với tĩnh không tối thiểu 7,5m. Mặt cắt ngang cao tốc có 4 làn xe (bề rộng đường 17-17,5m). Dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau 4-5km, không liền mạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem