Người nuôi lỗ - thịt vẫn nhập về ồ ạtAnh Trần Thanh Khôi ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, gần 1 tháng nay giá gà liên tục giảm, hiện gà công nghiệp còn sống bắt tại chuồng chỉ còn 26.000 - 27.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đang bị lỗ 5.000 - 6.000 đồng/kg. “Gà đã quá lứa, gia đình vừa buộc phải xuất chuồng 20.000 con, bị lỗ hơn 240 triệu đồng. Nuôi gà năm nào cũng lỗ, chắc qua Tết chúng tôi bỏ nghề quá” - anh Khôi xót xa.
Thịt nhập khẩu tràn ngập siêu thị đang là mối đe dọa cho ngành chăn nuôi trong nước (ảnh minh họa).
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm tỉnh Bình Phước cho hay, giá gà giảm là do cung nhiều hơn cầu. “Một lượng lớn thịt đang nhập về ồ ạt cạnh tranh với thịt trong nước, khiến giá cả dù đang sắp vào mùa Tết cũng không thể gượng dậy được. Tôi lo lắng nếu tình trạng này kéo dài, bà con sẽ giảm đàn, treo chuồng, ngành chăn nuôi trong nước sẽ đối mặt với nhiều khó khăn” – ông Ngọc âu lo.
Theo Chi cục Thú y TP.Hồ Chí Minh, thời gian gần đây lượng thịt, phụ phẩm nhập về tăng hẳn. Hiện mỗi tuần đơn vị này kiểm tra khoảng 2.000 tấn sản phẩm thịt và phụ phẩm đông lạnh các loại để đưa ra thị trường. Trong đó thịt gia cầm chiếm số lượng nhiều nhất với khoảng 1.000 tấn; thịt trâu bò từ 300 - 400 tấn; phụ phẩm gia cầm cũng khoảng vài trăm tấn mỗi tuần. So với cùng kỳ năm 2012 thì phụ phẩm gia cầm nhập khẩu tăng 10,813%, phụ phẩm trâu bò tăng 431%, phụ phẩm heo tăng 72%...
Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi lâu nay chỉ lấy công làm lãi, lợi nhuận chủ yếu dựa trên các phụ phẩm như đầu, lòng gia súc, gia cầm. Từ khi thịt nhập khẩu tràn về, phần lợi nhuận này biến mất, thay vào đó phải cạnh tranh về giá với thịt nhập khẩu, dẫn đến giá bán dưới giá thành.
Thịt nhập khẩu càng nhiều, chăn nuôi trong nước càng bi đát. Theo Trung tâm Thống kê Bộ NNPTNT, giá gà thịt công nghiệp tiếp tục xuống thấp trong khi chi phí đầu vào vẫn cao khiến người chăn nuôi thua lỗ, một số trang trại đã phải giảm đàn hoặc bỏ trống chuồng. Ước tính, tổng số gia cầm của cả nước đến tháng 6.2013 đạt 304,5 triệu con, giảm 2,01% so với cùng kỳ năm 2012, tổng số heo cũng có khoảng 26,5 triệu con, giảm 0,52% so với cùng kỳ năm 2012.
Thịt nhập chiếm lĩnh thị trường
Không chỉ thịt gà mà mấy tháng gần đây thịt bò Úc cũng nhập về với số lượng lớn. Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, đã có gần 40.000 con bò Úc nhập về Việt Nam để giết mổ. Thịt bò Úc đang bán tràn ngập ở siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn... với giá khá cạnh tranh.
Theo các doanh nghiệp, giá mua tại thị trường Úc là 2 USD/kg thịt bò hơi. Gánh thêm 5% thuế nhập khẩu, phí vận chuyển và các chi phí khác, khi về đến Việt Nam giá 1kg thịt bò hơi Úc chỉ có 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, bò Việt Nam có giá dao động khoảng 70.000 đồng/kg thịt bò hơi.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đã, đang và sẽ là đối tác của các hiệp định thương mại song phương, đa phương như WTO, AFTA, TPP, Hiệp định Kiểm dịch động thực vật nên việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước ta với các nước, các tổ chức quốc tế là một thông lệ trong thương mại. Một khi Việt Nam gỡ bỏ thuế quan theo lộ trình hội nhập , sản phẩm chăn nuôi các nước sẽ ồ ạt vào0 Việt Nam với giá rẻ hơn trong một vài năm tới. Vì thế, nếu ngành chăn nuôi trong nước không có chiến lược phát triển phù hợp thì sẽ khó cạnh tranh lại với thịt nhập.
|
Chính vì thế, từ đầu tháng 9 đến nay, tại các siêu thị, hệ thống các cửa hàng phân phối thịt ở TP.Hồ Chí Minh đã không còn thấy mặt hàng thịt bò có xuất xứ Việt Nam và thay vào đó là thịt bò Úc.
Chị Nguyễn Phương Nam ở quận 3, TP.HCM thẳng thắn: “Thịt bò Úc loại mắc nhất như thịt thăn phi lê giá cũng chỉ đắt hơn bò VN có 10 – 20 ngàn đồng, còn nhiều loại khác giá tương đương, thậm chí rẻ hơn. Trong khi thịt bò Úc lại ngon hơn, mềm hơn nên khi siêu thị lấy nguồn bò Úc về thay bò Việt thì chúng tôi mua ngay, không có lăn tăn gì”.
Do lợi thế đó, hiện thịt bò Úc đang được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường TP.HCM. Ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết hiện trung bình mỗi tháng Vissan giết mổ khoảng 1.500 con bò Úc (trọng lượng 500 kg/con) để tung ra thị trường. Do nguồn hàng trong nước thiếu nên lâu nay doanh nghiệp vẫn nhập bò từ Campuchia, Lào, Myanmar,… về theo đường mậu biên để bổ sung. Nhưng lượng hàng này gần đây thường xuyên bị thương lái bơm nước nên không bảo đảm chất lượng. Và việc chuyển sang nhập bò chính ngạch từ Úc thay thế dần bò nhập qua đường mậu biên là điều tất yếu.
“Bò Úc được nhập khẩu chính ngạch là bò sạch, lại trọng lượng lớn, khoảng 500 kg/con, tỷ lệ thịt sau giết mổ là 55% trong khi bò vàng trong nước trọng lượng chỉ khoảng 250kg và tỉ lệ thịt sau giết mổ chỉ 50%” – ông Mười chỉ ra.
Ngọc Minh (Ngọc Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.