Thưa ông, báo chí những ngày qua đã phản ảnh hàng loạt những hình ảnh gây nhức mắt trong lễ hội như hiện tượng xô xát, ẩu đả khi tranh cướp lộc trong Hội đền Gióng- Sóc Sơn, Hà Nội; vung dao trong Lễ hội Phết cầu ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, hay tình trạng chen lấn xô đẩy đến ngất xỉu trong phiên chợ Viềng- cầu may ở Nam Định... Có ý kiến cho rằng việc cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa đã hơi “rộng cửa” trong việc cho phép phục dựng nhiều nghi lễ trong các lễ hội truyền thống nên xảy ra tình trạng này?
Thanh niên vung dao trong Lễ hội Phết cầu ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Ảnh: T.L
- Có người đổ lỗi cho việc phục dựng, nhưng không ai lại làm việc phục dựng những hành vi phản cảm, phi văn hóa như cướp lộc, chen lấn, đánh nhau như vậy cả. Đối với các lễ hội phục dựng khi trình lên cơ quan quản lý đều là nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa và hướng tới việc làm cho lễ hội ngày càng tốt đẹp lên. Hành vi biến tướng xảy ra trong các lễ hội phục dựng đều ngoài ý muốn, ngoài sự kiểm soát. Các lễ hội, các nghi lễ phải hướng tới các hành vi tốt đẹp thì các cơ quan quản lý mới đồng ý cho phục dựng.
Ngày xưa tôi nhớ múa lân, múa sư tử, các gia đình treo thưởng ở trên cao, các con lân, sư tử phải tìm cách khéo léo làm sao lấy được món thưởng đó và họ coi đó là lộc. Hay như việc treo thưởng ở trên các cây nêu rất cao và người nào leo lên lấy được thì cũng coi đó là món lộc đầu xuân. Đây là những kiểu “cướp” lộc lành mạnh, bằng trí tuệ, do bỏ công sức luyện tập mới có được chứ không phải là ẩu đả, tranh cướp nhau.
Ngay trước mùa lễ hội năm nay, hàng loạt chỉ thị văn bản như Chỉ thị 41 của Ban Bí thư Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các lễ hội vẫn còn nhiều mặt trái. Vậy ông bình luận gì về thực tế này?
Quan điểm
Cần phải có chế tài rất cụ thể đối với các nơi tổ chức lễ hội. Trong trường hợp để xảy ra biến tướng, các hành vi phản cảm trong lễ hội thì lãnh đạo của địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
- Trước hết phải khẳng định các văn bản ra đời đã góp phần tăng cường tiếng nói quản lý của Nhà nước đối với việc tổ chức các lễ hội nhưng vẫn một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc dẫn tới các hiện tượng báo động. Song trên quan điểm khách quan thì xu hướng bạo lực có chiều hướng gia tăng theo tôi là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là do thiếu sự chia sẻ, tình thương yêu, thiếu sự quan tâm, trách nhiệm thực sự trong cộng đồng dễ khiến người ta dẫn đến các bức xúc và tâm trạng này rất dễ bộc phát khi thiếu kiểm soát... Lễ hội chính là tấm gương phản chiếu của xã hội.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn loạn ấy là do người tổ chức chưa nhận thức đúng bản chất của các nghi lễ trong lễ hội. Cụ thể như việc chọn lựa người thực hiện các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội cũng không còn giữ được đúng các nguyên tắc, lề lối xưa kia về nhân cách, tính kỷ luật... vì thế uy tín cũng như độ uy nghiêm của đội ngũ hành lễ cũng giảm sút.
Vai trò của các ban quản lý lễ hội hiện nay đang tỏ ra khá mờ nhạt, thậm chí như ở Lễ hội đền Gióng ở Sóc Sơn, trong khi đã có những clip ghi lại làm bằng chứng về việc có ẩu đả xảy ra thì địa phương vẫn cho rằng chuyện “hỗn chiến” cướp hoa tre là không có. Theo ông nên có biện pháp gì?
- Cần phải có chế tài rất cụ thể đối với các nơi tổ chức lễ hội. Trong trường hợp để xảy ra các biến tướng, các hành vi phản cảm trong lễ hội thì lãnh đạo của địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cần có các hình thức kỷ luật cụ thể chứ không thể để kéo dài hơn tình trạng để biến tướng kéo dài từ năm này qua năm khác hay chỉ xin lỗi xong rồi thôi. Tùy theo sai phạm nặng nhẹ mà có các hình thức kỷ luật như cắt chức, luân chuyển công tác hay thậm chí là cấm hẳn không cho tổ chức lễ hội nếu các sai phạm còn tiếp tục tái diễn.
Với những hoạt động văn hóa mang tính dân gian mà điều chỉnh hay cấm thông qua các văn bản hành chính có phải là quá cứng nhắc?
- Theo tôi không hề cứng nhắc. Khi nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức các lễ hội thì trách nhiệm của người thực thi là không được để xảy ra sai sót. Không thể để các hiện tượng phản cảm, phi văn hóa như vậy tiếp tục tái diễn ở trong lễ hội. Không thể để chỉ một vài vi phạm ở một số địa phương, vùng miền mà ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia, dân tộc.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.