Người phụ nữ “chèo lái” HTX thổ cẩm hồi sinh

Lê Kiến Thứ năm, ngày 01/02/2018 06:00 AM (GMT+7)
  Nhờ tình yêu nghề, bà M’lop – người dân tộc Ba Na chạy vạy nhiều nơi tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, làm hồi sinh cả làng nghề. Tuy nhiên, hướng đi cho sản phẩm này trong tương lai vẫn còn mờ mịt.
Bình luận 0

 Tình yêu đánh thức khung cửi

Cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng… thì trang phục truyền thống của người Jrai, Ba Na ở Tây Nguyên cũng được xem là “hồn cốt” của người dân nơi đây. Nhất là trong các ngày lễ lớn, trang phục truyền thống lại càng không thể thiếu. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển chung, nghề thổ cẩm ngày dần vắng bóng, có nơi còn bị “xóa sổ” và số người biết dệt vải, may áo lại càng ít đi.

Trước thực trạng này, từ hơn 10 năm trước, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm “tái sinh” các làng nghề để giữ nét truyền thống, vừa giúp người dân có thêm thu nhập. Kết quả, liên tục nhiều hợp tác xã (HTX), làng nghề ở các huyện Mang Yang, Đức Cơ, Chư Sê, Đắk Đoa… rầm rộ được thành lập, bà con gắng bó với nghề thêm phấn khởi. Thế nhưng, từ năm 2010 trở đi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều HTX được đầu tư tiền tỷ cũng lần lượt lâm cảnh “trùm mền”, rồi rơi vào bế tắc, phá sản.

img

Bà M'lop giới thiệu sản phẩm dệt do HTX mình sản xuất

Trong khi nhiều HTX thổ cẩm “chết yểu” thì ở huyện Đắk Đoa, HTX dệt thổ cẩm xã Glar vẫn sống khỏe với nghề và số thành viên không ngừng tăng lên theo từng năm, các hội viên luôn có thu nhập ổn định. Đến thời điểm này, HTX dệt thổ cẩm xã Glar là HTX về dệt thổ cẩm duy nhất ở Gia Lai còn tồn tại. Chủ nhiệm HTX chèo lái “con thuyền” này là một người dân tộc Ba Na - bà M’lop (53 tuổi, trú xã Glar).

Chia sẻ về bí quyết giữ nghề, bà M’lop chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã yêu thích dệt thổ cẩm nên lúc nào cũng theo mẹ học dệt cho bằng được. Hồi đó, dệt chủ yếu làm thủ công, từ lấy bông kéo sợi, tạo màu vải… phải tự mình làm ra, khó hơn bây giờ rất nhiều. Giờ chỉ việc lên phố mua chỉ về dệt thành phẩm là xong. Sau này thấy nhiều người bỏ nghề truyền thống, tôi thấy buồn lắm. Khi được nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng tôi mới mạnh dạn đứng ra mở HTX”.

Năm 2006, HTX dệt thổ cẩm xã Glar được thành lập với vài chục thành viên, nay đã có hơn 300 thành viên. Thời điểm kinh tế khó khăn không có ai tìm mua, HTX đứng bên bờ phá sản, đích thân bà M’lop một mình lặn lội đi sang các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk… liên hệ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, mở các lớp dạy dệt miễn phí cho chị em phụ nữ trong làng. Sự cố gắng không mệt của bà cũng được đền đáp, nghề dệt thổ cẩm Glar lại “hồi sinh”. Chính bà M'lop đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ đến với nghề dệt.

Nói về nghề truyền thống, chị Rachel (ở thôn 2, xã Glar) cho biết: “Dệt không khó lắm, nếu khéo tay thì sản phẩm càng đẹp. Hàng ngày, ngoài việc ở nhà nuôi heo thì em còn dệt vải và chạy chỉ giao cho các hội viên khác, thu nhập một tháng hơn 2 triệu đồng”.

img

Một làng nghề ở huyện Đắk Pơ đắp chiếu từ năm 2014

Chị A Nao (làng Ktu, xã Glar) nói: “Tôi cùng nhiều chị em khác cùng theo cô M’lop học nghề nay đã dệt thành thạo rồi, mỗi tháng làm được 3-4 sản phẩm. Tính ra, tiền bán được không nhiều nhưng lúc rỗi, làm thêm có tiền là mừng rồi. Trong xã, hàng năm cũng có nhiều chị em theo học dệt”.

 Hướng đi nào cho nghề thổ cẩm?

Theo bà M’lop, dệt thổ cẩm là chỉ nghề tay trái. Ngoài việc đồng án thì lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ tranh thủ ở nhà dệt, vừa giữ nghề tránh mai một, vừa có thêm thu nhập, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng. HTX đứng ra nhận các đơn đặt hàng, rồi giao nguyên vật liệu cho các thành viên làm, sau đó mua lại sản phẩm như: vải, áo, túi xách.

Nói về hướng đi của dệt thổ cẩm, bà chỉ trăn trở: “HTX duy trì đến hôm nay là nhờ các hội viên đồng lòng, không bỏ cuộc giữa chừng, chỉ cần mình cấp vốn đầy đủ thì họ làm thôi. Tôi chỉ sợ sau này tôi tuổi cao sức yếu, không kham nỗi, không có ai đứng ra hướng dẫn cho bà con. Hiện tại cũng mừng vì con gái theo nghề của mẹ”.

Ông Nguyễn Kim Anh – Chủ tịch UBND Glar, huyện Đắk Đoa cho biết: HTX Glar lâu nay vẫn hoạt động tốt. Do đây là công việc làm có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn nên được rất nhiều chị em vui vẻ tham gia, hầu hết các các xã viên ở đây đều nhận sản phẩm về nhà làm. Để duy trì nghề dệt tránh mai một, hàng năm địa phương đều mở lớp đào tạo cho 30-40 người do các nghệ nhân trong HTX đứng ra dạy.

img

Nhiều phụ nữ Ba Na đến với HTX, vừa giữ được nghề, vừa có thêm thu nhập

Nói về nghề dệt truyền thống, ông Nguyễn Văn Tiếp – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Gia Lai nói: Tính đến 31.12.2017, toàn tỉnh có 141 HTX nhưng HTX thổ cẩm tồn tại chỉ có 1 HTX Glar thôi. Trước kia có rất nhiều đơn vị nhưng do hoạt động không hiệu quả nên ngừng hết. Lý do hàng thổ cẩm “ế ẩm” là do mặt hàng này ít người ưa chuộng, trong khi giá thành sản xuất rất cao.

Theo ông Tiếp, việc “giải cứu” nghề thổ cẩm trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Lâu nay tỉnh có nhiều cơ chế ưu đãi về vay vốn, xây trụ sở, đào tạo bồ dưỡng nghề dệt… Đồng thời đưa đi tham gia các cuộc triển lãm 1 năm 1 lần trong nước hoặc ngoài nước, tổ chức cho HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm, gửi sản phẩm đi chào hàng ở các tỉnh bạn, các nhà hàng, khách sạn nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn bế tắc, người mua là khách nước ngoài, số lượng rất hạn chế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem