Liên quan đến vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mẹ Mười, hôm qua (22.5), đại tá Trần Thanh Hải, Trưởng Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang khẩn trương làm việc với phụ huynh của 14 trẻ được gửi tại nhóm trẻ Mẹ Mười để làm rõ hành vi bạo hành trẻ, đồng thời đề nghị được giám định thương tích đối với các em nhỏ bị bạo hành để xác định mức độ thương tật (nếu có).
Theo đại tá Hải, người cung cấp clip chính là một trong các bảo mẫu từng làm việc ở nhóm trẻ này, hiện đã nghỉ làm.
Cơ sở nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Dân Việt
Clip được quay vào tháng 4.2018, sau đó bảo mẫu này đã báo cho một số phụ huynh và tung lên mạng để cộng đồng, dư luận và chính quyền vào cuộc điều tra, ngăn chặn những hành vi bạo hành đối với trẻ em.
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao clip được quay từ tháng 4 mà tận cuối tháng 5 mới xuất hiện trên mạng xã hội. Tại sao người quay clip không báo luôn với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện sự việc? Liệu người quay clip có phải chịu trách nhiệm liên quan?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, cần xem xét và tìm hiểu thật rõ lý do vì sao người chứng kiến hành vi phạm tội đang diễn ra lại chọn cách quay clip, để hành vi phạm tội tiếp tục diễn ra mà không nhanh chóng ngăn cản, trình báo công an.
Bởi cần căn cứ bối cảnh diễn ra vụ việc, tính chất nghiêm trọng của vụ việc mới có thể kết luận hành vi trên có vi phạm pháp luật hay không, mức độ vi phạm và xử lý vi phạm tới đâu.
Trường hợp người quay clip không có khả năng và điều kiện để can thiệp, ngăn cản hành vi phạm tội và sau đó sử dụng video này để làm bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội thì người này không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên nếu người quay clip có khả năng ngăn chặn, cứu giúp nạn nhân nhưng không có hành động phù hợp, và để hậu quả nghiêm trọng xảy ra, gây chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự thì trường hợp người không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến năm năm.
Như vậy, nếu người quay clip chứng kiến hành vi bạo hành trẻ em đang diễn ra, gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ và có khả năng can thiệp, giải cứu nạn nhân nhưng không cứu giúp có thể bị truy cứu hình sự theo quy định trên.
Tuy nhiên, để xem xét trách nhiệm hình sự của người này thì cần rất thận trọng xem xét nhiều yếu tố cần thiết.
Trước hết hành vi này phải là cố ý không cứu người. Theo quy định trên, cố ý không cứu người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi thấy người đang ở trong tình trạng sắp chết, tuy có điều kiện cứu mà không cứu dẫn đến người đó bị chết.
Ở đây cũng cần lưu ý "có điều kiện cứu" không chỉ là có khả năng mà phải là có điều kiện hoàn toàn có thể cứu người được. Thêm vào đó, chỉ khi xảy ra hậu quả chết người và hậu quả chết người là do bị bỏ mặc không cứu giúp thì "người có điều kiện mà không cứu giúp" mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng cần lưu ý thêm, người có clip phản ánh hành vi phạm tội cần nhanh chóng gửi tới cơ quan có thẩm quyền để cơ quan chức năng điều tra vào cuộc xử lý vụ việc, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.