Người Raglai giữ “hồn” mã la

Lê San Thứ ba, ngày 31/01/2017 06:10 AM (GMT+7)
Cũng giống như hầu hết các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đời sống văn hoá và tín ngưỡng của người Raglai tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (Khánh Hoà) luôn có sự gắn bó máu thịt với âm nhạc, trong đó âm nhạc cồng chiêng luôn giữ vị trí chủ đạo. Người Raglai không dùng cồng mà chỉ dùng chiêng và họ gọi nhạc cụ này là mã la.
Bình luận 0

Người Raglai xem dàn mã la không chỉ là nhạc cụ đơn thuần mà nó còn biểu thị sức mạnh tâm linh, là vật thiêng được từng gia đình giữ gìn như vật gia bảo. Họ tin rằng, mỗi chiếc mã la đều có một vị thần (Yang) trú ngụ.

img

 Để bảo tồn mã la, tại các xã, thị trấn của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đều thành lập
các đội mã la. (Ảnh: I.T).

Theo nhà nghiên cứu Hình Phước Liên, người có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá dân tộc Raglai, dàn mã la càng cổ xưa, âm sắc càng vang đẹp, sức mạnh của thần càng lớn. Vì vậy, với người Raglai, dàn mã la không chỉ biểu thị cho sự giàu có mà còn biểu thị sự giúp đỡ, bảo vệ của thần linh đối với gia đình người sở hữu.

Dàn mã la của người Raglai được diễn tấu theo hình thức tập thể. Mỗi nghệ nhân đảm trách một mặt mã la cùng hoà với nhau để thành một điệu và mỗi điệu lại được dành riêng cho một cuộc lễ: Lễ cưới đánh điệu Ru - Wơ; Lễ ăn đầu lúa mới chơi điệu Ato-pa-krúc, điệu Sa-va-lu-ơ; Lễ bỏ mả phải đánh điệu Tu-ma-ya… Có cả các điệu chơi theo tiếng chim rừng, chơi theo tiếng gà rừng gáy, chơi theo tiếng chim cu…

Các điệu chiêng của người Raglai thường có giai điệu khá rõ nét, tiết tấu vừa phải hoặc chậm cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng có pha chút man mác buồn chứ không rạo rực, bỏng cháy như các điệu chiêng của người anh em Êđê vốn cùng chung ngữ hệ.

Nếu người Êđê đánh chiêng trong tư thế ngồi, người Raglai lại diễn tấu mã la trong tư thế vừa đi vừa nhún nhảy rất độc đáo. Vì thế mà người Raglai còn gọi cách diễn tấu mã la là múa mã la. Khi diễn tấu họ không dung dùi mà phải đánh bằng tay để tạo âm thanh dịu dàng, mềm mại.  

Khi diễn tấu, bao giờ các nghệ nhân cũng đi vòng tròn theo chiều ngược vòng kim đồng hồ. Các điệu mã la là hình thức dâng cũng thần linh, ông bà chứ khổng phải là âm nhạc của đời thường. Chính vì vậy, khi cần sử dụng mã la, người ta phải làm lễ cúng Yang (Trời) và các nghệ nhân luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bài bản diễn tấu trong từng cuộc lễ.

“Ngày nay, những quy định truyền thống đã được nới rộng, các nghệ nhân có thể sử dụng mã la để phục vụ cho những cuộc hội hè và cả biểu diễn trên sân khấu. Nhưng về cơ bản, mã la vẫn luôn được người Raglai giữ gìn nghiêm ngặt. Hồn của mã la bao giờ cũng gắn liền với một không gian văn hoá cụ thể” – ông Liên cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem