|
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý: “Cần bổ sung quy định xây dựng cảnh báo sớm đối với những hàng hoá, dịch vụ có nguy cơ gây hại với người tiêu dùng”. |
Phải quy rõ trách nhiệm các bộ, ngành
Trong số 12 ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận thì có tới 5 đại biểu đề cập đến thực trạng quảng cáo sai sự thật đang tràn lan hiện nay. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) khẳng định, sự nhập nhằng trong việc quảng cáo ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với công bố thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.
“Ví dụ như mặt hàng sữa, năm 2009 sản lượng sữa tươi Việt Nam là 270 triệu lít nhưng tổng số lượng sữa nước của các doanh nghiệp sản xuất gần 453 triệu lít, trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất hầu như là chỉ nhập khẩu sữa bột. Như vậy sẽ có ít nhất 40% sữa tươi tiệt trùng trên thị trường hiện nay không phải 100% sữa tươi nguyên chất, điều đó cho thấy các doanh nghiệp đã gian lận hoặc quảng cáo sai sự thật” - đại biểu Kim Anh nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) thẳng thắn đề nghị dự thảo luật cần có thêm điều khoản quy định về quảng cáo: “Thực tế vấn đề quảng cáo sai sự thật gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Người dân tin vào quảng cáo của báo, đài, các cơ quan thông tin và các hình thức quảng cáo khác, cuối cùng tiền mất tật mang. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào luật một số điều khoản quy định về vấn đề này để các tổ chức, cá nhân tham gia vào vấn đề quảng cáo có trách nhiệm với người tiêu dùng”.
Trong khi đó đại biểu Trần Đức Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặc biệt quan tâm đến vấn đề giá cả: “Người tiêu dùng cảm thấy đang bị móc túi ghê quá. Đây là một vấn đề khó vì kinh tế thị trường ở trong luật quy định là thuận mua, vừa bán, nhưng người tiêu dùng ở nước ta luôn cảm thấy là bị móc túi một cách quá đáng trong giá thuốc, giá sữa, giá hàng tiêu dùng thường xuyên”.
Nên cảnh báo sớm hàng hóa gây tác hại
Sáng 29-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Khiếu nại với đa số ý kiến tập trung vào thực trạng giải quyết khiếu nại và khiếu nại đông người. Không ít đại biểu cho rằng không nên cự tuyệt khiếu nại đông người, vì trên thực tế hình thức này vẫn đang tồn tại.
Trong bối cảnh vô số chủng loại hàng hóa tiêu dùng được sản xuất trong nước hoặc được nhập khẩu từ nước ngoài như hiện nay, người tiêu dùng rất khó trở nên “thông thái” khi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Câu hỏi đặt ra là vai trò quản lý của nhà nước như thế nào để hạn chế tình trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nhấn mạnh, để tránh việc phân công, phân cấp trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sơ hở trong quản lý, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, của UBND các cấp trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu: “Tôi đề nghị cần bổ sung quy định rõ trong luật là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với những hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây tác hại đối với người tiêu dùng”.
Một số ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình rằng dự luật chưa thống nhất về khái niệm “miễn trách nhiệm” đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo đó, nơi cung cấp hàng hóa khuyết tật chỉ được “miễn trách nhiệm” trong trường hợp trình độ khoa học kỹ thuật của họ chưa phát hiện được khuyết tật của hàng hóa tại thời điểm cung cấp.
Linh An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.