Người tiêu dùng mua rau củ, thịt cá online, đại gia bán lẻ vào cuộc chiến mới
Người tiêu dùng mua rau củ, thịt cá online, đại gia bán lẻ vào cuộc chiến mới
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 29/05/2021 12:19 PM (GMT+7)
Không chỉ còn tập trung vào bán hàng trực tiếp, các đại gia bán lẻ Big C, Aeon, Co.opmart, Bách Hóa Xanh, VinMart đang đua nhau vào "cuộc chiến" bán rau củ, thịt cá online.
Covid-19 đã thay đổi mạnh mẽ hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến. Kể từ đợt Covid-19 lần đầu tiên trong nước bùng phát vào năm ngoái, các đại gia bán lẻ như Big C, Aeon, Co.opmart, Bách Hóa Xanh… từ thử nghiệm đã chuyển sang tích cực bán hàng qua mạng.
Một đại gia bán lẻ "chốt" hàng nghìn đơn online mỗi ngày
Vài ngày trở lại đây, chị Đặng Thị Huỳnh Như (quận Bình Thạnh, TP.HCM) tạm ngưng việc đến trực tiếp siêu thị để mua sắm hàng hóa vì dịch Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp. Trước đây, mỗi tuần, chị đi siêu thị khoảng 3 lần để tự tay chọn rau củ quả, thịt cá cho các bữa ăn.
"Giờ tôi đi siêu thị Big C trên Zalo. Siêu thị này tích hợp sẵn trên ứng dụng, cứ vào đó chọn Big C gần nhà nhất, sau đó mua rau củ quả, thịt cá, gạo, bún, miến. Hàng hóa đầy đủ hết. Giá cả hiện rõ. Siêu thị có trình khuyến mãi gì, trên này cũng có", chị Như nói.
Theo chị, việc đi đến siêu thị mua sắm trực tiếp lúc này khá bất tiện vì nguy cơ tiếp xúc nhiều người, nguồn lây Covid-19 tại TP.HCM vẫn chưa xác định được nên lỡ sau đó về nhà, HCDC truy tìm những người đến các địa điểm người bệnh đi qua, lại phải cách ly tại nhà.
"Mua online bây giờ là tiện nhất. Thực ra, các đợt dịch trước, tôi cũng đã đi chợ online nên quen rồi. Đi chợ online cũng rất tiện lợi, đặc biệt là tiết kiệm thời gian. Trước khi chuẩn bị từ cơ quan về, lên đặt hàng, về nhà một lát là shipper đến, không phải mất thời gian đi siêu thị", chị Như cho hay.
Một góc siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 11) những ngày này lỉnh kỉnh hàng hóa của khách đặt giao về tận nhà. Trước đây chủ yếu là khách mua hàng với số lượng lớn, yêu cầu giao tận nơi nhưng hiện nhiều người đặt online, đặt qua điện thoại nên số hàng cần giao tăng vọt.
Trung bình mỗi ngày Bách Hóa Xanh online có khoảng 7.000 đơn mua sắm và giá trị trung bình mỗi đơn khoảng 250.000 - 300.000 đồng. Đại diện doanh nghiệp cho biết chỉ riêng 4 tháng đầu năm, kênh Bách Hóa Xanh online tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng lẫn doanh thu. Cụ thể, số lượng giao dịch online tại Bách Hóa Xanh 4 tháng đầu năm tăng gấp 4,7 lần, giá trị giao dịch tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
"Cuộc chiến" thêm gay cấn khi có "gã khổng lồ" Lazada nhập cuộc
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 và giai đoạn đến năm 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bán lẻ như chuyển dịch và mở rộng kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Các siêu thị khác như Aeon, Lotte Mart, Emart… cũng đang khuyến khích tối đa khách hàng mua sắm online cả năm nay, kể từ khi Covid-19 bùng phát.
"Cuộc đua" của các "ông lớn" bán lẻ này cũng rất gay gắt, khi liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, mã giảm giá 50.000 - 100.000 đồng cho mỗi đơn. Đây được xem là "khuyến mãi" mồi để thu hút và giữ chân người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động từng nhận định người tiêu dùng sẽ không còn hứng thú với việc đi siêu thị như trước đây, thay vì vậy, họ sẽ chuyển sang mua sắm tại nhà. Khách hàng nói chung và các bà nội trợ nói riêng có thể đặt hàng và chọn khung giờ nhận rau củ quả, thịt cá. Đây cũng là cách Bách Hóa Xanh đang làm hiện nay.
Tham vọng của "đế chế" bán lẻ này là ngay trong năm 2021, mảng trực tuyến của Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu, tương tương 1.000 tỷ đồng.
Hay VinMart, ở thời điểm tiếp nhận hệ thống bán lẻ dẫn đầu về số lượng điểm bán từ tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, đã nhận định dịch bệnh Covid-19 là "thời" dành cho bán hàng online, bởi tâm lý người tiêu dùng ngại đến nơi đông người.
"Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn", ông Quang nhận định.
"Cuộc đua" càng thêm gay cấn khi mới đây, The CrownX (doanh nghiệp hợp nhất Vincommerce và Masan Consumer) đã được Alibaba và Baring Private Equity Asia đầu tư 400 triệu USD mua cổ phần phát hành mới.
Với sự tiếp sức của "gã khổng lồ" thương mại điện tử toàn cầu Alibaba, The CrownX kỳ vọng rất lớn vào kênh online. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, The CrownX đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% vào tổng doanh thu. Nhiều khả năng, người tiêu dùng sẽ được mua hàng hóa, hàng thiết yếu của Masan ngay chính trên Lazada - mảng hoạt động của Alibaba tại thị trường Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam nhận định: Hiện là cơ hội rất lớn cho ngành bán lẻ, nhà sản xuất và các công ty giao thực phẩm khi nhu cầu mua sắm qua mạng tăng nhanh trong mùa dịch. Nielsen cũng cho rằng xu hướng này sẽ được kéo dài hậu dịch bệnh và khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ được hưởng lợi.
Nielsen khuyến nghị các nhà bán lẻ cần khai thác sâu các kênh trực tuyến, suy nghĩ lại về việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh bởi đây là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.