Người trộm 32 nắp cống trên cầu Thủ Thiêm 2 sẽ có thể đối mặt với hình phạt nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 20/05/2022 11:33 AM (GMT+7)
Người trộm 32 nắp cống trên cầu Thủ Thiêm 2 đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Với giá trị tài sản trộm cắp là 11 triệu đồng, đối tượng này có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Bắt tạm giam người trộm 32 nắp cống cầu Thủ Thiêm 2

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Thái (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) để xử lý tội trộm cắp tài sản.

Do không có việc làm, cần tiền tiêu xài nên Thái nảy sinh ý định và trộm cắp các nắp chắn rác bằng kim loại trên cầu Thủ Thiêm 2, bán lấy tiền tiêu xài.

Người trộm 32 nắp cống trên cầu Thủ Thiêm 2 sẽ có thể đối mặt với hình phạt nào? - Ảnh 1.

Thái đã lấy tổng cộng 32 nắp chắn rác (chưa thu hồi được). Kết quả thẩm định giá, tổng số nắp chắn rác mà Thái trộm có giá 11 triệu đồng. Ảnh: Đan Thuần

Cụ thể, lúc 4h sáng 3/5, Thái chuẩn bị bao tải đi từ đường Tôn Đức Thắng lên cầu. Khi đến khu vực có các cống thoát nước, Thái đi bộ và giật các nắp chắn rác (hình tròn, nặng 4,2kg) rồi bỏ vào bao.

Sau đó, Thái bán cho chị Nguyễn Thị M., chủ tiệm ve chai, tổng cộng 70kg với giá 700.000 đồng.

Ngày 5/5, Thái tiếp tục lấy thêm bán cho một người đi xe ba gác (không rõ lai lịch), người này đi thu mua ve chai trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh với giá 400.000 đồng.

Thái đã lấy tổng cộng 32 nắp chắn rác (chưa thu hồi được). Kết quả thẩm định giá, tổng số nắp chắn rác mà Thái trộm có giá 11 triệu đồng. Qua xác minh, Thái có 4 tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản.

Người trộm 32 nắp cống đối diện hình phạt 3 năm tù?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội danh Thái bị khởi tố được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Hòe cho biết, theo quy định tại Điều 173, nếu người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2 triệu phải kèm theo 1 trong 4 dấu hiệu là: đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh; tài sản là vật kiếm sống chính của chủ sở hữu; tài sản là di vật cổ vật thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Như vậy, với giá trị tài sản mà Nam trộm cắp là 11 triệu đồng, nếu kết thúc quá trình điều tra, Nam vẫn bị truy tố về tội trộm cắp tài sản, người này sẽ có thể đối mặt với mức án 3 năm tù vì đã có tiền án, tiền sự về tội danh này.

Theo vị luật sư, những tài sản thuộc đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải là vật có thực, có giá trị và đang ở trong sự chiếm hữu, quản lý của người khác. Tài sản này thông thường là những vật có thể dễ dàng di chuyển, lén lút lấy cắp như tiền, vàng, giấy tờ có giá…

Quan hệ sở hữu được xác lập giữa chủ tài sản, người khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền của chủ sở hữu tài sản. Hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu này phải kể đến là xâm hại đến quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản. Động cơ phạm tội là vì vụ lợi, với mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác.

Tội trộm cắp tài sản là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Do đó, khi định tội cần phải chứng minh hậu quả gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là kết quả của hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem