Xuống tàu ở thành phố biển Nha Trang, không một người quen biết, được bà con chỉ bảo, anh theo xe tải lên Đăk Lăk và quyết định gắn bó với Tây Nguyên. Anh bắt đầu cuộc sống bằng việc làm thuê, cuốc mướn cho các ông chủ trang trại cà phê, chủ vườn bơ. Khi mua được xe đạp, anh chuyển sang thu gom bơ nhập cho các thương lái.
22 tuổi, anh cưới vợ. Năm 2002, hai vợ chồng dồn góp vốn liếng mua được 1,3ha đất để trồng bơ. Vợ chồng anh đã chọn những quả bơ chín mọng đem về làm giống. Sau 7 năm chăm sóc cẩn thận, nhưng khi bơ chín, quả nhỏ, chất lượng không được như anh mong đợi. Anh đến Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, rồi gõ cửa các nhà vườn bán giống cây trồng học cách lai ghép giống bơ. Mặt khác anh tìm sách vở, tài liệu trồng bơ đọc thêm. Cuối cùng, anh đã tìm ra phương pháp lai tạo giống bơ theo cách ghép mắt chồi cây bơ giống tốt lên cây bơ địa phương.
Năm 2006 lứa quả bơ ghép đầu tiên cho thu hoạch, cây nào cũng trĩu quả, khi chín màu da trơn bóng, thơm ngon béo ngậy. Tháng 5.2010, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Bơ Xuân Mười”.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học -Công nghệ Nguyễn Văn Lạng và nhiều nhà khoa học đã đánh giá cao phát minh lai ghép bơ của anh. Các nhà khoa học tặng anh danh hiệu “Vua bơ”, “Nhà khoa học chân đất”, “Hiệp sĩ nhà nông”...
Giờ đây, anh sở hữu trang trại gồm 1,5ha cà phê, 1,3ha bơ và 4ha vườn ươm cây giống bơ. Giống bơ Xuân Mười giờ cung cấp cho nhiều tỉnh. Mỗi năm Công ty TNHH Trịnh Mười cung ứng ra thị trường trên dưới 200.000 cây giống thu về 8 tỷ đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.