Tăng nguồn thu cho người trồng rừng
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, toàn bộ số tiền thu được từ DVMTR sẽ dùng để chi trả cho người dân tham gia bảo vệ và trồng rừng. Vì vậy, phí DVMTR có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo kinh tế, an sinh xã hội cho người nghèo.
Đánh giá về tính hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: "Chính sách chi trả DVMTR là thành tựu nổi bật trong 4 thành tựu của ngành lâm nghiệp trong năm 2012. Chính sách này đã tạo ra nguồn lực lớn để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần cải thiện đời sống những người gắn bó với rừng".
|
Việc kiểm kê các chủ rừng cũng là một trong những khó khăn khiến việc chi trả tiền cho người trồng rừng bị chậm trễ. |
Đến lúc này, tỉnh Lâm Đồng có hơn 336.702ha rừng được đưa vào giao khoán theo chương trình chi trả DVMTR thuộc các lưu vực Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận, Đồng Nai và Serépok. Ông Võ Đình Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lâm Đồng hồ hởi: "Năm 2012 tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xong việc chi trả. Có 16.131 hộ được hưởng lợi từ chính sách này, người dân trồng rừng rất phấn khởi khi họ có thêm nguồn thu từ việc trồng và bảo vệ rừng".
Tỉnh Lai Châu cũng đã cơ bản hoàn thành việc chi trả cho các hộ trồng rừng. Ông Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu cho biết: "Trong năm 2012, tỉnh Lai Châu đã thu được 166 tỷ đồng, hiện nay đã giải ngân được 98% số tiền trên. Toàn tỉnh đã lập 566 tổ xung kích dập cháy rừng, lập được 96 ha đường băng trắng chống cháy rừng".
Vẫn khó thu tiền
Tại hội nghị, nhiều địa phương cho rằng có nhiều nhà máy thủy điện và công ty nước sạch là đối tượng phải chi trả DVMTR chậm trễ, chây ì trong việc kí kết và chi trả. Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Yên Bái cho biết: "Kế hoạch năm 2013 của tình là thu 30 tỷ đồng, nhưng sẽ là rất khó khăn khi một số đơn vị đưa ra nhiều lý do để chây ì trong viêc ký hợp đồng chi trả. Riêng trong năm 2012 đã có 4 đơn vị (3 nhà máy thủy điện, 1 đơn vị cấp nước) chưa trả tổng cộng 5 tỷ đồng DVMTR". Đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh thành thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đại diện một số tỉnh đề xuất các biện pháp mạnh đối với những công ty chậm chi trả như xử lý phạt theo các điều khoản đã ký trong hợp đồng và phải chịu lãi phát sinh, thậm chí có thể kiện ra tòa.
Năm 2012 tiền DVMTR trên cả nước đã thu được hơn 1.172,4 tỷ đồng, tương đương vốn đầu tư của ngân sách T.Ư cả năm cho ngành lâm nghiệp.
Việc kiểm kê các chủ rừng, diện tích rừng cũng là một trong những khó khăn khiến cho việc chi trả tiền đến tận tay người trồng rừng bị chậm trễ. Theo ông Nguyễn Bá Ngãi:
"Ở các tỉnh phía Nam hay Tây Nguyên, trong 1 tỉnh chỉ có 4-5 chủ rừng bao hết toàn bộ rừng cả tỉnh nên công tác kiểm kê chủ rừng rất đơn giản. Nhưng các tỉnh phía Bắc như Sơn La có hàng chục nghìn chủ rừng (64.000 chủ rừng), có những chủ rừng chỉ có 700m2 rừng nên việc thống kê vô cùng khó khăn. Tỉnh Sơn La dù được cấp 13 tỷ để thống kê chủ rừng nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Không thực hiện được việc kiểm kê thì vấn đề chi trả DVMTR sẽ rất chậm vì vậy sắp tới tổng cục sẽ xử lý tháo gỡ khó khăn này".
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.