Gần 20 năm gắn bó với công tác tổ dân phố, ở tuổi 64, bà Nguyễn Thị Hảo (Tổ trưởng Tổ dân phố 5, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn “tay năm, tay mười” với nhiều công việc mà người đời gọi là “vác tù và hàng tổng”. Bà Hảo đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”
Mới xem qua một số thành tích của bà Hảo, tôi thật sự bất ngờ và không hiểu nổi người phụ nữ ở quê hương chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hoá) này đã sắp xếp công việc của mình ra sao. Bà đã cùng Chi hội tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom phế thải đổi thành tiền để quyên góp ủng hộ các em nhỏ ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu; bà còn tích cực vận động người dân xây dựng quỹ khuyến học, khen thưởng cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập, đồng thời cùng chị em hội phụ nữ tiết kiệm vay vốn cho con em học đại học, xây dựng công trình phụ, mở cửa hàng nhỏ. Không những thế, bà còn phát động phong trào “Bát gạo tình thương” gửi vào Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện đa khoa Hà Đông... để nấu cháo giúp đỡ bệnh nhân. Gần đây nhất, bà và tổ dân phố đã ủng hộ cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) số tiền 10 triệu đồng để xây nhà.
Khi gặp tôi, bà Hảo còn đang tất bật cầm một lá đơn đến nhà Bí thư, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố để cùng bàn bạc về việc xin hỗ trợ cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tổ dân phố. Bà Hảo chia sẻ, đây là hộ cận nghèo duy nhất của tổ dân phố. Hoàn cảnh rất đáng thương khi người con gái bị bệnh máu trắng, trong khi người cha lại đau ốm liên miên. Nhìn vào một số giấy khen treo trong nhà bà Hảo thì thấy Tổ dân phố 5 luôn đạt thành tích là tổ dân phố gương mẫu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, hoạt động phong trào thế, nhưng khi tôi hỏi về những thành tích này, bà lại xua tay bảo: “Thành tích ấy là thành tích chung của tập thể mà chúng tôi chỉ là những người khơi gợi, đề xướng mà thôi”. Khiêm tốn, giản dị khi nói về thành tích của bản thân nhưng ai cũng hiểu để có phong trào tập thể đi lên cần có những “con chim đầu đàn” năng nổ, nhiệt huyết, không ngại chịu thiệt về bản thân như bà Hảo.
Người “vác tù và hàng tổng”
Bà Nguyễn Thị Hảo vốn công tác trong ngành lâm nghiệp tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Sau khi nghỉ hưu bà cùng gia đình về sinh sống tại Hà Nội. Lẽ ra khi về hưu là thời gian để an nhàn tận hưởng cuộc sống thì bà lại chọn công việc mà người đời gọi là “vác tù và hàng tổng” năng nổ nhận công việc tại tổ dân phố. Ban đầu là Trưởng ban Công tác Mặt trận và hiện nay là Tổ trưởng Tổ dân phố, Phó bí thư Chi bộ. Chia sẻ về công việc, bà Hảo cho biết: “Làm công tác tổ dân phố thì lúc nào cũng bận rộn, toàn những việc không tên, thậm chí có đêm trên địa bàn xảy ra cháy nổ là chúng tôi có mặt ngay tại hiện trường. Nói vất vả cũng đúng nhưng chúng tôi coi đó là niềm vui thú của tuổi già”.
Để yên tâm hoàn thành công việc mà người đời gọi là “vác tù và hàng tổng”, bà Hảo đã nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện của người chồng và con trai. Xúc động với sự đồng cảm của gia đình, bà Hảo cho biết: “Nếu không có ông ấy khuyến khích, động viên thì tôi đã không thể đảm đương được công việc. Tôi cứ đi khỏi nhà tối ngày nên một tay ông ấy trông nom, cơm nước, vun vén nhà cửa”.
Đánh giá về bà Nguyễn Thị Hảo, bà Đào Thị Hẩu, Bí thư, Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố 5, phường Văn Quán cho biết: “Đồng hành cùng bà Hảo trong suốt gần 20 năm qua, tôi thấy ở bà có sự nhiệt tình, tâm huyết, không ngại khó, ngại khổ. Còn nhớ thời điểm Covid 19 đỉnh điểm, bà Hảo đã một mình đi đến từng nhà vận động gia đình có đám tang không được tổ chức đông người. Thiết nghĩ ở những tổ dân phố cần có những người như bà Hảo thì phong trào sẽ luôn đi lên, đời sống nhân dân sẽ được bảo đảm hơn”.
Chưa khi nào mảy may với đồng trợ cấp ít ỏi nhận được từ công việc tổ dân phố, bà Hảo cứ âm thầm, lặng lẽ với công việc không tên. Bà như một bông hoa đẹp bình dị mang lại hương thơm tỏa ngát phố phường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.