Người văn minh, hội mới văn minh

Thứ bảy, ngày 11/02/2012 07:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cộng đồng nào, lễ hội ấy. Không thể đòi hỏi có những lễ hội văn minh nếu như chính những chủ nhân của lễ hội lại có những hành xử thiếu văn hóa. NTNN đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ của các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa và bạn đọc về mùa lễ hội 2012.
Bình luận 0

TS Nguyễn Văn Huy: Đừng lấy lễ hội để tăng thu ngân sách

Tình trạng thương mại hóa lễ hội là điều tất yếu sẽ xảy ra bởi địa phương nào cũng chăm chắm trông vào lễ hội để tăng thu ngân sách. Mà muốn thế thì hội phải đông, phải có nhiều “trò” để khuếch trương thanh thế, bởi vậy nên yếu tố văn hóa dân gian bị sai lệch, bị pha loãng hết cả.

img
Con cá chép trang trí ở cổng một ngôi chùa cũng được “thưởng” tiền lẻ.

Thường chỉ thấy ban tổ chức lễ hội quan tâm đến phương án quản lý hàng quán, tổ chức điểm trông xe, dịch vụ nhiều hơn việc tuyên truyền về ý nghĩa văn hóa lịch sử của lễ hội, nên du khách thấy người khác cúng cũng chen nhau vào cúng mà chẳng hiểu mình đang cúng ai. Người đi hội bây giờ chỉ có vai trò là một món hời để đủ thứ dịch vụ xúm vào “chặt chém”, vậy mà năm nào cũng vẫn cứ ùn ùn kéo nhau đi.

PGS Ngô Đức Thịnh: Trả lễ hội cho dân

Lễ hội là của chung một cộng đồng làng xã, trong lễ hội không có người trình diễn cho người khác xem mà mọi người cùng tham gia, cùng sáng tạo, cùng hưởng thụ. Thế nhưng giờ đây đang có xu hướng tổ chức lễ hội bằng cách đưa những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về sáng tạo, biểu diễn và đưa người dân trở thành người xem. Điều này không đúng với bản chất của lễ hội. Người ta cứ kêu gọi trả lễ hội về cho cộng đồng, nhưng làm thì lại sai bét cả.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Nhật Vương: Phản chiếu hành vi ứng xử

Dịp lễ hội năm nay, tôi đi chùa Hương, lạ một cái là các thùng rác mà Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị thì trống trơn, còn khắp nơi lại bạt ngàn rác thải. Nhưng điều lạ ấy cũng không phải là lạ, bởi vì nó phản chiếu thói quen xả rác bừa bãi khắp nơi của người dân mình hiện nay.

Những lễ hội ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đông tới hàng ngàn người nhưng vẫn thanh bình, sạch sẽ, bởi vì ý thức của người dân rất cao. Ở hội chùa Hương, người đi hội giẫm nát cả cây cỏ, đốt vàng mã khắp nơi làm tro bụi bẩn thỉu, đó là sự tàn ác với thiên nhiên, môi trường, chứng kiến việc đi lễ hội đầu năm như vậy thật là buồn.

Thượng tọa Thích Minh Hiền (trụ trì chùa Hương): Làm gì có hạnh phúc nhờ giành giật

Hiện nay có quá nhiều người đi chùa lại mang tâm thế bon chen, sẵn sàng đẩy người khác xuống dưới để mình được lên trên, được đi trước. Đây cũng là một phần lý do gây ra cảnh chen lấn ở hội. Tôi không rõ việc đốt vàng mã trong động có mang lại sự linh nghiệm nào không, nhưng rõ ràng nó làm mất mỹ quan và không khí thiền trong động. Còn việc xin lộc từ bầu sữa mẹ cũng chỉ là quan niệm. Làm gì có thứ hạnh phúc nào mà nhờ giành giật, bon chen!

Độc giả Nguyễn Trường Lưu: Không có văn hóa đi hội

Lễ hội thường tổ chức ở những nơi có di tích đền chùa miếu mạo, những nơi thắng cảnh đẹp, bởi vậy đi hội thường là để được bái vọng, được chiêm ngưỡng. Nhưng với người đi hội đông tới quá tải như hiện nay thì xem gì, ngắm gì được nữa?

Đi hội là để thưởng thức nét đẹp văn hóa của ông cha, nhưng đi theo kiểu giẫm đạp lên nhau, tranh cướp, móc túi trà trộn... xả rác bừa bãi cả ở chốn chùa chiền thì còn gì là văn hóa? Cần phải đưa việc giáo dục hành vi văn hóa ứng xử tại các điểm sinh hoạt cộng đồng vào nhà trường, có như vậy thì khoảng vài chục năm nữa, hy vọng chúng ta mới có những lễ hội đúng nghĩa.

TS Nguyễn Thị Trung Hậu (Viện KHoa học xã hội VN): Khó có lễ hội văn minh

Trong thời buổi như hiện nay, việc mong ước có một lễ hội văn minh là điều không tưởng, bởi ứng xử với cộng đồng của một bộ phận người dân chúng ta đâu có văn minh. Không chỉ ở các lễ hội cổ truyền mà cả lễ hội hiện đại như Lễ hội Hoa anh đào hay Lễ hội Phố hoa Hà Nội đều giống nhau cả. Phải đến khi nào những chủ nhân của những hành vi phản văn hóa ý thức được hành vi của họ là xấu xí, là đáng xấu hổ, bao giờ không gian lễ hội không bị quá tải để tạo được một môi trường đủ rộng rãi cho sự thong dong, bao giờ hàng quán hết chặt chém... thì mới có một mùa lễ hội như chúng ta mong muốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem