Người Việt cần làm gì trước nguy cơ dịch Ebola?

Quốc Ngọc Thứ ba, ngày 12/08/2014 13:11 PM (GMT+7)
Virut gây bệnh Ebola chủ yếu lây qua dịch tiết cơ thể chứa vi rút, nó tồn tại trên các vật dụng, giường chiếu… và xuyên qua được vết thương ở da và niêm mạc.
Bình luận 0

Theo “hiệp sĩ chống dịch” bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - vi rút Ebola có nguồn gốc từ động vật. Trong khi các vi rút khác cũng có nguồn gốc từ động vật, như cúm gà H5N1, H7N9, khi lây sang người sẽ dừng lại ở chỗ gây bệnh và có thể làm người bệnh đó tử vong, chứ khó sinh sôi và phát tán vi rút từ người bệnh sang người lành. Vi rút Ebola lại không đơn giản như vậy, người bị nhiễm tiếp tục lây sang người khác qua dịch tiết. Thông thường các vi rút khác chọn lọc vài loại dịch tiết để phát tán ra môi trường như cúm thì qua hô hấp, HIV chủ yếu qua máu và dịch đường sinh dục, Rota qua đường tiêu hóa, còn Ebola thì ngay cả mồ hôi cũng có chứa vi rút.

Vi rút Ebola bám vào vật dụng sinh hoạt của người bệnh và lây mạnh cho người khác, mạnh hơn cả vi rút cúm, tay chân miệng... Theo nghiên cứu, Ebola xâm nhập vào người lành qua da bị tổn thương và cũng có thể tấn công qua đường niêm mạc (mắt, mũi, miệng...).

Một vấn đề cũng khá khó khăn là thời gian ủ bệnh Ebola từ 2 - 21 ngày và thời gian vi rút còn trong người bệnh có khi đến 60 ngày. Sự kiện làm lo lắng thêm là nhân viên y tế cũng sẽ bị lây do nếu điều kiện thực hiện chăm sóc điều trị bệnh nhân không được phòng bị chặt chẽ nhất.

Hiện cho đến nay, các nước Tây Phi như Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria là có bệnh lây do sự di chuyển qua đường hàng không. Còn các bệnh nhân ở Mỹ, Tây Ban Nha là do đã bị mắc ở vùng dịch rồi được đưa về chữa trị. Còn các nước khác cũng chỉ đang cách ly những ca nghi ngờ trở về từ vùng dịch, chứ chưa phát hiện bệnh.

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Khanh tâm sự: “Chắc chắn đội ngũ y tế sẽ chuẩn bị nhiều tình huống khác nhau. Khi chuẩn bị thì nghĩ đến cái xấu nhất nhưng khi làm thì hy vọng cái tốt nhất”.

Vậy người dân cần làm gì? Trả lời câu hỏi này, “hiệp sĩ chống dịch” cho biết Ebola chưa có ở Việt Nam. “Bây giờ chúng ta đang làm công tác kiểm soát dịch ở sân bay, đo nhiệt độ, lấy thông tin nơi khách đi, đến để theo dõi tiếp là tối đa rồi. Còn dân dự phòng và điều trị sẽ sẵn sàng chiến đấu”, bác sĩ nói. Ông kêu gọi người dân tăng cường vệ sinh cá nhân. Khi biết ai từ vùng dịch về thì nên báo ngay cho địa phương để phụ ngành y tế theo dõi.

Ngày mai, 12.8, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiến hành việc giám sát thân nhiệt hành khách, đặc biệt những người đến từ vùng dịch, tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem