Mấy hôm nay, mạng xã hội ầm ĩ trước tình hình rét kỷ lục, các bậc phụ huynh đột nhiên phải đóng vai người trông trẻ bất đắc dĩ đều leo lên facebook bày tỏ sự phẫn nộ trước việc các ngôi trường chuẩn chỉ quốc gia đồng loạt đẩy các em thơ về vòng tay tự quản của gia đình chỉ sau bản tin dự báo thời tiết vào lúc 6 giờ 15 phút sáng.
Có một sự đồng thuận rất cao là ngành giáo dục của chúng ta đang tiếp tay cho sự ì chệ yếu ớt ỏng eo của thế hệ kế cận, rằng nước ngoài trẻ nhỏ trẻ nhỡ trẻ lớn lội tuyết ì oành ném nhau chí chát có sao đâu mà mới có 6,7 độ ta đã cho trẻ ở nhà.
Nhưng tôi thì, các bạn ạ, tôi tin nếu nhiệt độ ở ta âm 3 độ chứ chưa cần âm 18, thì đất nước rừng vàng biển bạc con người phóng khoáng của ta sẽ đi về nơi xa lắm ít nhất một nửa dân số, không ít hơn!
Vì sao cơ ạ? Kể cả tuyết bòm bõm ngập đến ngang gối - gió thét gào và băng đóng cứng đanh nước bọt chỉ sau 1 phút, tôi vẫn không có cảm giác giống như anh chàng chiều hôm kia làm tôi giật bắn mình khi đang lưu thông một mình trên đường đột nhiên ngửa mặt lên trời rú lên thảm thiết: “Ôi trời ôi, rét không thể chịu được”.
Trẻ em Nhật Bản dù trời rét 2 độ vẫn đến trường trong đồng phục quần sooc.
“Vì sao trời rét 2 độ thì nhi đồng các nước bạn không phải ở nhà như nhi đồng ta rét dưới 10 độ?”
Đó là bởi hệ thống tường nhà và cao ốc, hệ thống sưởi, hệ thống giao thông công cộng và công trình công cộng - qua hàng triệu năm tiến hoá và sinh tồn cùng thiên nhiên dã man như kỷ băng hà, đã được huấn luyện theo kiểu "văn minh hay là chết" - xây dựng bá đạo, thiết bị sưởi ấm bá đạo, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, trường học, bệnh viện, nhà sách, ga tàu điện ngầm, xe bus ... tất tật đều ấm sực như bánh mì vừa ra lò.
Công chức lẫn học sinh vừa có thể chén một cái donut tròn vo đầy năng lượng, thêm cốc cafe thơm nghi ngút trong bộ dạng hết sức phởn phơ với một chiếc sơ mi mỏng mảnh thắt hờ hững cái caravat điệu đà. Hoàn toàn không giống các công chức bạn tôi: mặc hai quần tất, một quần bò, một áo giữ nhiệt, hai áo len, một áo khoác, một khăn, một mũ len, đeo găng tay gõ máy tính trong các biệt thự cổ (thật ra là cũ) hoặc nhà cấp 4 - được trưng dụng làm nhiệm sở, và thỉnh thoảng cũng - quên mất thân phận - ngửa cổ rít lên: “Ôi trời ơi, rét không thể chịu được”.
Và tôi tin là hàng triệu năm tiến hoá lẫn thích nghi đó rõ ràng có tác dụng với các sinh thể tồn tại trong môi trường đó - giống như việc tôi đã tin là bất cứ con vật nào đi lại lõm bõm trong nhiệt độ âm 17 thì dứt khoát là yêu tinh trường sinh bất lão. Dễ đến cả thập kỷ trôi qua tôi vẫn nhớ cái cảm giác ngượng ngùng tẽn tò khi phát hiện ra những vết cào cắn trên khay đùi gà công nghiệp đã vứt ngoài cửa sổ với một sự khoái chí vì có một cái tủ đông lạnh khổng lồ, bất chấp sự can gián của đứa bạn cùng phòng: "Nhỡ có con gì ăn thì sao", "Vớ vẩn? Âm 17 độ thì con gì sống được hả?".
Chưa đầy nửa buổi, Châu Âu vĩ đại và đông cứng đã phệt cho tôi một bài học sinh vật mang tính khai trí khi lơ ngơ ngồi bên cửa sổ ngó ra ngoài trời trắng xoá: "con gì" của tôi đi đi lại lại đầy mái nhà, không phải là MỘT, mà là một đàn - đến năm chục: Quạ! Và dáng đi lẫn quạt cánh hiên ngang của chúng làm tôi hiểu là không phải âm 17 độ mà âm nữa đi nữa thì những con yêu tinh này dứt khoát vẫn sống tốt. ...Hà Nội đông - trời tiếp tục mưa rét. Và bố tôi tiếp tục công cuộc thông não trường chinh khi (bị buộc) phải trông cháu do nhà trường cho nghỉ học: "Vấn đề không phải là ở trường rét, mà là trên đường đi nó ướt là cả ngày lạnh nó ốm, cho nên phải để ý".
Khi trời lạnh, chúng ta rét trên đường, rét ở trường, rét ở công sở và rét luôn cả ở nhà! Ngay cả khi chỉ với 5 độ, đâu là nơi một người Hà Nội tự tin mặc áo cộc tay và thản nhiên đi lại hung hăng trong phòng với một chai bia lạnh băng bốc khói?!
Bởi quan trọng không phải là trẻ con (hay người lớn) bị lạnh một lúc như thế nào, mà là khi đến trường hoặc công sở - cái cơ thể khốn khổ quen ấm áp 300 ngày/ năm của chúng ta được làm nóng lại như thế nào?! Điều này tuyệt đại đa số các trường học của chúng ta không đủ tự tin để nhận trách nhiệm trước cơ sở vật chất vốn không được chuẩn bị cho những trận đổ bộ khắc nghiệt của đông giá.
Còn các bậc cha mẹ, đôi khi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tròng lên mình và con chiếc áo mưa rồi tha theo nó đến nhiệm sở lạnh giá, nơi nhiệt độ rõ ràng chẳng có gì khá khẩm hơn so với ở trường.
Có lẽ, chỉ có một cách giải thích: cả cơ thể và vật chất xã hội của chúng ta đều chưa tiến hóa kịp với thời tiết.
Chắc vậy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.