Người Việt dùng hàng Việt: Cản trở từ hệ thống phân phối

Thứ năm, ngày 29/12/2011 17:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đây là nhận định được đưa ra tại hội nghị sơ kết việc triển khai chương trình hành động hưởng ứng cuộc vận động "Người VN dùng hàng VN" năm 2011 do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (28.12).
Bình luận 0

Bị cạnh tranh bất bình đẳng

Ông Trương Quang Hoài Nam-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua hơn 2 năm triển khai cuộc vận động người VN dùng hàng VN, kết quả đáng khích lệ nhất là có tới 95% hàng VN đã được bày bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Người tiêu dùng đang ngày càng đánh giá cao hàng VN với 90% số người tiêu dùng được điều tra tại TP.HCM và 83% ở Hà Nội cho biết sẽ mua hàng VN nhiều hơn. Tại các vùng nông thôn, người dân cũng đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng Việt...

img
Người dân tham quan một phiên chợ hàng Việt ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, ông Nam cũng thẳng thắn cho rằng, người Việt Nam vẫn chưa thực sự mặn mà với hàng Việt. Nguyên nhân, theo ông Nam do các DN VN chưa có hệ thống phân phối bài bản. Nhiều DN VN còn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa, giá cả; do vậy chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập. Vẫn còn các DN lợi dụng cuộc vận động để tiêu thụ hàng tồn, nhái, hết hạn sử dụng, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng; từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động...

Ông Huỳnh Khánh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nêu thực tế: Hiện nay, hàng nhập lậu qua tiểu ngạch rất nhiều. Các cơ quan chức năng không kiểm tra kiểm soát chặt, xử lý hàng lậu, gian lận thương mại thì dù có vận động, tuyên truyền thì người tiêu dùng vẫn cứ dùng hàng lậu mà hàng VN thì không cạnh tranh được.

Theo ông Hiệp, hàng nhập khẩu phong phú, đa dạng nhiều chủng loại nhưng văn bản pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng thời gian qua lại được ban hành quá ít, do đó không ngăn chặn được hàng ngoại, đặc biệt là hàng kém chất lượng, giá rẻ. Nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu đã gây sức ép cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước. DN dù có "cố" cũng không "với" được tới người tiêu dùng.

Hàng Trung Quốc vẫn là chủ đạo

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN (BSA) cũng cho rằng, điểm yếu cơ bản cản trở người VN dùng hàng VN chính là do DN VN chưa thiết lập được hệ thống phân phối ổn định và đầy đủ để hàng Việt đến được với người tiêu dùng thuận tiện.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ VN cũng chia sẻ một thực tế tại sao người Việt vẫn chưa "mặn mà" với hàng Việt là do hàng Việt quá nghèo nàn, chất lượng lại chưa cao. Các DN VN chưa có sự liên kết trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng. Hàng Việt trong các siêu thị, trung tâm thương mại còn chiếm tỷ lệ khá, song tại các chợ truyền thống - nơi mà người tiêu dùng mua bán chủ yếu thì hàng ngoại (phần lớn là hàng Trung Quốc) lại là chủ đạo.

Năm 2011, 33 địa phương đã tổ chức 156 đợt bán hàng về nông thôn với 1.627 lượt DN tham gia, doanh thu 57 tỷ đồng. 35 tỉnh, thành phố cũng tổ chức được 32 đợt khuyến mãi với 3.649 DN tham gia, giá trị khuyến mãi hơn 100.000 tỷ đồng. 43 tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức được 128 hội chợ thu hút 11.026 DN tham gia, doanh thu bán hàng 1.495 tỉ đồng...

Ông Trần Xuân Tăng-một tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) nêu rằng: Hàng Trung Quốc (TQ) bán tại VN không phải rẻ nhưng thương nhân TQ biết len lỏi đưa hàng về các chợ, kể cả nông thôn, miền núi. Trong khi đó, những DN VN hiện không có cơ chế hay phương thức bán hàng nào hiệu quả tại các chợ.

Ông Nguyễn Văn Đồng -Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tại chợ Đồng Xuân hiện chỉ có gần 30% là kinh doanh giày dép nội, còn lại là hàng TQ. Ông Đồng cho rằng, thị trường cạnh tranh, DN muốn đưa hàng vào chợ thì phải tiếp thị, "chung lưng" với người buôn bán mới có thể phát triển được và hàng Việt mới có chỗ đứng trong các chợ truyền thống. Các DN muốn phát triển không thể bỏ qua chợ truyền thống. Nhiều chợ truyền thống đã trở thành nơi trung chuyển hàng cho cả nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thu nhập của phần lớn người dân VN thấp, do vậy kinh doanh gì tại chợ cũng phải rẻ. DN sản xuất, người kinh doanh phải tính giá thành, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm cho người Việt. Đạt được 3 yêu cầu này thì người Việt mới có hàng Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem