Người Việt duy nhất đỗ trạng nguyên rồi làm tể tướng Trung Hoa

Đại Dương Chủ nhật, ngày 10/06/2018 18:45 PM (GMT+7)
Khương Công Phụ đã vượt qua các thí sinh khác của Trung Quốc để trở thành trạng nguyên nơi đất khách quê người. Sau này, ông còn làm quan tới chức Tể tướng nhà Đại Đường.
Bình luận 0

Khương Công Phụ (731 – 805), tự Đức Văn, con của Huyện thừa Tiến sỹ Khương Văn Đĩnh, cháu của Thứ sử Ái Châu (thuộc Thanh Hoá ngày nay) Khương Thần Dực. Hai anh em trai là Khương Công Phụ và Khương Công Phục đều đỗ đại khoa khoa thi tiến sĩ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc.

img

Tranh vẽ hai anh em Khương Công Phụ. Nguồn: Báo Bình Phước.

Theo sách Giai thoại Lịch sử Việt Nam, Khương Công Phụ từ bé đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Tương truyền, lúc Khương Công Phụ còn nhỏ, bố ông là Khương Công Dĩnh thấy con sáng dạ nên mừng lắm. Ông tìm người giỏi chữ cùng mở cửa hàng thuốc bắc gần nhà gửi con theo học.

Khương Công Phụ tiến bộ rất nhanh khiến thầy  giáo phải ngạc nhiên, khen ngợi. Cậu thuộc sách Tứ thư, Ngũ kinh và thấu hiểu nghĩa lý trong Kinh thư, Kinh lễ...

Trước khi được tới kinh đô Tràng An của nhà Đường dự thi, Khương Công Phụ phải trải qua rất nhiều kỳ thi sát hạch. Dù về kinh sử hay thơ phú, bài làm của Công Phụ đều đạt xuất sắc. Khương Công Phụ được xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất Giao Châu về Tràng An dự thi, dưới triều vua Đường Đức Tông (780-803).

img

Chân dung Khương Công Phụ.

Tại kỳ thi này, ông đỗ đầu. Sau khi đỗ trạng nguyên, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức Hiệu thư lang (chức quan văn). Sau đó, ông dâng lên vua bài “kế sách trị nước” với nhiều ý tưởng xuất sắc. Vua Đường Đức Tông rất kính nể, phong cho ông những chức vụ cao.

Cụ thể, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức Hiệu thư lang, thăng dần đến chức Gián nghị đại phu, rồi Tể tướng. Trong lịch sử có ghi nhận một số vị Trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc, học vấn uyên bác, khi sang sứ Trung Quốc cũng được Hoàng đế Trung Quốc phong làm Trạng nguyên, nên người đời mệnh danh là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Đăng Đạo… Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì xưa nay có lẽ chỉ mình Khương Công Phụ.

img

Khoa thi Tiến sỹ năm Canh Tý, dưới triều Đường Đức Tông (784), có một sự kiện đặc biệt làm chấn động cả đất Tràng An – Trung Quốc: Hai anh em người Việt, đất Giao Châu cùng đỗ đại khoa, đó là Khương Công Phụ và Khương Công Phục. (Ảnh: ourjg.com).

La Sỹ Bằng, một học giả Trung Quốc nhận xét: ”Thời Đường, lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo đường lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm, lỗi lạc. Tiếc không còn tập nào truyền lại ở đời… Chỉ có trong Toàn Đường văn, quyển 446 có chép được hai thiên: “Bạch vân chiếu xuân hải” và “Đối cực ngôn trữ gián sách”. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta có thể đại khái thấy được bút văn, kiến thức của một bậc văn tài…”

Trong “Tân Đường thư”, Âu Dương Tu nói Khương Công Phụ là người “có tài cao, mỗi lần tiến tấu rất rõ ràng, Đức Tông rất xem trọng”. Ông vốn tính cương trực, thẳng thắn can gián vua, không sợ cường quyền.

img

Chân dung Khương Công Phụ.(Ảnh: pinterest.com).

Năm 784, khi binh loạn còn chưa dứt, thấy vua làm lễ hậu táng xây tháp cho công chúa Đường An, Khương Công Phụ đã viết văn can gián xây tháp mà nên chú trọng nuôi quân hưng thịnh để nước được yên. Nhưng Đường Đức Tông không bằng lòng, đã giáng chức ông xuống là Tả thứ tử, nhận việc trông dạy học cho Thái tử. Năm Trinh Nguyên thứ 8 – 792, ông lại bị biếm chức xuống là Tuyền Châu biệt giá. Khương Công Phụ mất vào năm 805, niên hiệu Vĩnh Trinh thời Đường Thuận Tông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem