Người yêu thơ nhiều thế hệ đội mưa tới với Ngày Thơ Việt Nam 2024
Người yêu thơ nhiều thế hệ đội mưa tới với Ngày Thơ Việt Nam 2024
Yến Thanh
Thứ bảy, ngày 24/02/2024 19:51 PM (GMT+7)
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22, năm 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” được tổ chức vào ngày hôm nay (24/2) tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) với nhiều hoạt động sôi nổi.
Với chủ đề "Bản hòa âm đất nước", Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 thể hiện mong muốn tôn vinh những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca của 54 dân tộc Việt Nam, các tác phẩm tiêu biểu của những nhà thơ dân tộc hoặc tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S.
Không gian Ngày Thơ Việt Nam 2024 được thiết kế với hàng loạt đường nét hoa văn truyền thống. Phần Đường thơ mang đầy không khí mùa xuân với những mầm lá non cách điệu, các họa tiết trên trang phục của đồng bào các dân tộc Việt Nam. Trên mỗi mầm lá viết một câu thơ hay do ban tổ chức tuyển chọn. Tổng cộng gồm 54 câu thơ, tương ứng với con số 54 dân tộc.
Hội Nhà văn Việt Nam mời tới sự kiện các nhà thơ, nhà văn người DTTS như Thái, Mường, Dao, Tày, Khmer, Ê Đê, Chăm, Hoa… từ khắp mọi miền đất nước về Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) để cùng nhau cất lên những "bài ca" về con người, về đất nước.
Dù tiết trời mưa gió, buổi tọa đàm cũng như Quán thơ trẻ đều thu hút đông đảo thi sĩ, người yêu thơ tham gia. Ở đó, họ nhiệt tình đọc thơ cho nhau nghe, chia sẻ những tâm huyết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đưa văn hóa dân tộc tiếp cận với hiện đại, vươn ra thế giới.
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà thơ Văn Công Hùng (đến từ vùng đất Tây Nguyên) nhận định: "Ngày Thơ Việt Nam năm nay có nhiều đổi mới trong cách thể hiện. Với chủ đề Bản hòa âm đất nước, sự kiện mang lại nhiều sắc màu, thể hiện sự đa dạng, phong phú, dấu ấn vùng miền rõ rệt. Đi một vòng con đường thơ, tôi rất xúc động khi đọc các câu thơ được tuyển chọn. Ở đó có những nhà thơ lão thành như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, cả nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu như Lê Vi Thủy (Gia Lai).
Phần Nhà ký ức gồm chân dung của những nhà thơ tiêu biểu, đứng đầu là nhà thơ - Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 11 nhà thơ khác cũng là một dấu ấn thú vị, bởi văn học, văn chương được tạo nên từ những ký ức. Với sự xuất hiện của người yêu thơ nhiều thế hệ, đặc biệt là những người trẻ ở các sự kiện năm nay, tôi cho rằng có thể khẳng định Ngày thơ Việt Nam 2024 thành công về nhiều khía cạnh".
Trong khi đó, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim (sinh năm 1981, quê Nghệ An) bày tỏ niềm vui mừng khi Ngày thơ Việt Namnăm nay tiếp đón những cây viết từ khắp các địa phương trong cả nước. "Tại không gian Quán thơ trẻ có bàn thơ - nơi chúng tôi trưng bày tác phẩm của những nhà thơ trẻ được xuất bản trong thời gian qua. Ở đó, chúng tôi có những cuộc trò chuyện vui vẻ, đầm ấm bên ấm trà, hoa quả, bánh kẹo. Từ khắp nơi, những thi sĩ mang tới đây đặc sản của quê hương, thí dụ như bạn Tuyết Mai (Hòa Bình) mang cá suối, bạn Thi Nguyên (Hải Phòng) mang bánh mì que... Chúng tôi cũng được tiếp đón nhiều nhà văn lão thành ghé qua. Mọi người hồ hởi khi gặp gỡ, cùng truyền cho nhau sự hân hoan, cảm hứng sáng tạo, để tiếp tục có các tác phẩm mới trong thời gian tới".
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim cũng đánh giá cao nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc đổi mới Ngày Thơ, tạo nên sự gắn kết giữa các vùng miền, khiến những nhà thơ từ mọi miền tới đây đều có cảm giác gần gũi, gắn bó. "Dù trời mưa, mọi người vẫn không ngại tới đây từ mọi miền Tổ quốc, chứng minh tình yêu thơ, mạch nguồn thi ca không bao giờ vơi cạn. Với những người viết như chúng tôi, sự kiện này vô cùng giá trị và ý nghĩa" - chị bày tỏ.
Tối nay, đêm thơ Nguyên tiêu mang tên Bản hòa âm đất nước sẽ diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Các tác phẩm được trình diễn trong đêm thơ bao gồm các truyện thơ, sử thi và nhiều kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam như Bách điểu bách hoa của dân tộc Tày; Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường và Xống chụ xonxao (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.