Nguồn cung không thiếu tại sao giá phân bón tăng chóng mặt?
Nguồn cung không thiếu tại sao giá phân bón tăng chóng mặt?
Khương Lực
Thứ tư, ngày 11/08/2021 19:50 PM (GMT+7)
Sáng 11/5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì họp bàn giải pháp bình ổn giá phân bón. Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến cho rằng nguồn cung phân bón trong nước không thiếu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.
Từ quý I/2021, khi giá phân bón có dấu hiệu tăng giá, nhiều nhà máy đã chạy tối đa công suất, đồng thời hạn chế việc xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón cho bà con nông dân.
Vì thế, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng phân bón đạt trên 4 triệu tấn, tăng 284.000 tấn so với cùng kỳ. Lượng xuất khẩu giảm, trong đó tháng 5 giảm 25% so với tháng 4 và tháng 6 giảm 15,5% so với tháng 5.
Đủ phân bón, không có hiện tượng găm hàng, tích trữ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, về cơ bản, xét trên số liệu tổng thể, nguồn cung là không thiếu, kể cả trong trường hợp chúng ta xuất khẩu thì nguồn cung không thiếu và không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ để nâng giá.
Nói về cung – cầu phân bón, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2020 nhu cầu sử dụng phân bón các loại là 10,23 triệu tấn, trong đó có 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ, phần còn lại 2,63 phân bón hữu cơ và vi sinh.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) khẳng định nhu cầu sử dụng phân bón trong nước không tăng, thậm chí một số địa phương còn giảm khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thống kê mới nhất từ Bộ NNPTNT cho thấy, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy, công suất sản xuất của chúng ta gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.
Đáng chú ý, cùng với việc tăng sản xuất phân bón vô cơ của các nhà máy, lượng phân bón hữu cơ đã tăng mạnh trong 5 năm qua. Năm 2020, lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp đạt 2,63 triệu tấn. Cùng với đó, các nông hộ sử dụng gần 20 triệu tấn phân bón hữu cơ.
Về nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng tổng lượng phân bón 7 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã nhập khẩu 3,1 triệu tấn.
Các địa phương không vì thiếu cung về phân bón mà gián đoạn về sản xuất cả. Khía cạnh sản xuất và nhịp độ sản xuất vẫn đang thể hiện bình thường.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT)
Theo ông Trung, về cả nhu cầu sử dụng, năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng, cung vẫn dư khoảng 0,5 triệu tấn.
"Các địa phương không vì thiếu cung về phân bón mà gián đoạn về sản xuất cả. Khía cạnh sản xuất và nhịp độ sản xuất vẫn đang thể hiện bình thường" – ông Trung khẳng định.
Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem cho hay, về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phân bón DAP của công ty trong 7 tháng đầu năm tăng 191% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Bằng, giá phân bón do công ty bán ra thấp hơn so với giá thị trường, bình quân trên 10 triệu đồng/tấn. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cung vượt cầu.
"Nhiều đơn hàng ký hợp đồng nhưng không lấy hàng" – ông Bằng nói và cho biết nguyên nhân ngoài tác động do dịch Covid-19 thì nhu cầu tiêu thụ phân bón đã giảm đi.
Ông Bằng kiến nghị cho phép doanh nghiệp chủ động cân đối thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng tối đa công suất khi thị trường trong nước có nhu cầu, khi trong nước cung vượt cầu thì cho phép doanh nghiệp xuất khẩu.
"Năm nay với sản lượng 255.000 tấn, nếu không xuất khẩu rất khó đạt mục tiêu" - ông Bằng thông tin.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn đã sản xuất khoảng 2 triệu tấn, đều có mức tăng rất cao so với năm 2020 (từ 20,9-97,3%, tùy từng loại phân bón).
"Giá phân bón tăng do bất cập về cung cầu hoàn toàn không phải" – ông Chuyên nói.
Giải thích cho rõ sự tăng giá phân bón
Lý giải về hiện tượng giá phân bón tăng phí mã, ông Chuyên cho biết, chi phí sản xuất phân bón trong 7 tháng đầu năm tăng rất cao. Cụ thể, lưu huỳnh 130%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng.
Bên cạnh đó, thuế giá trị gia không được khấu trừ và chi phí vận chuyển cũng như việc triển khai "3 tại chỗ" để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến chi phí tăng cao.
Để bình ổn giá phân bón, ông Chuyên cho rằng, trước mắt cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển.
Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Quan trọng hơn cả là bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất Ure, amoniac cho sản xuất DAP…
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, trong nước đã hạn chế xuất khẩu, đồng thời các nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì nhà máy 100 - 110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới.
Theo ông Thanh, vào thời điểm tháng 6-7/2020, giá phân bón Ure xuống thấp nhất từ 207-265 USD/tấn, hiện nay giá có thời điểm chạm người 500 USD/tấn. Các loại phân bón, nguyên liệu tăng, ảnh hưởng giá đến thị trường trong nước hiển nhiên, không tránh được.
"Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng giá đến thị trường trong nước" - ông Thanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại điện Sở NNPTNT An Giang cho rằng, giá phân bón gia tăng có vấn đề, giá tăng quá nhanh, khi mình cần sự giải thích cho rõ sự tăng giá lại không ra được.
"Ví dụ phân ure, giá lên 11.000 đồng/kg, làm sao chiếm lĩnh con số 11.000 đồng thì chưa có cơ sở để giải thích với nông dân cũng như chất vất HĐND các cấp" – vị đại diện này nói.
Do giá phân bón tăng mạnh nên thu nhập của nông dân trồng lúa đã bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện chi phí cho phân bón đối với trồng lúa chiếm từ 20-30%, trong khi giá lúa bán chỉ được 5.000 - 5.300 đồng/kg nên lợi nhuận chỉ còn lại vài trăm đồng, không đảm bảo được lợi nhuận 30% cho người trồng lúa theo quy định.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ bày tỏ đồng tình khi tham gia thị trường, giá do thị trường quyết định, nhưng ở mức độ nào đó thị trường chấp nhận được, nhưng có những tác nhân đẩy giá cao quá.
"Trong điều kiện hiện nay, hầu hết các loại giá nông sản của bà con đang giảm mà giá phân bón tăng cao thì nó thực sự ảnh hưởng tâm lý tái đầu tư, tái sản xuất của bà con. Chính vì vậy, chúng tôi mong các đơn vị Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT rà soát chuỗi cung ứng để xác định tác nhân và có giải pháp phù hợp" – ông Nghiêm kiến nghị.
Sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét về thuế giá trị gia tăng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp, nông dân đang phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt là khó khăn do giá bán nông sản giảm trong khi giá phân bón lại tăng cao.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, trong năm 2021, một số mặt hàng nông sản đang phục hồi, được giá nên bà con đầu tư, chăm sóc kỹ hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón tăng.
Hiện nay, các tỉnh phía Bắc đang chăm sóc lúa mùa. Các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xuống giống vụ Thu Đông với diện tích 700.000 ha và vụ Đông khoảng 400.000 ha tại 31 tỉnh, thành phía Bắc. Cùng với đó là vụ Đông Xuân với khoảng 3 triệu ha. Vì thế, việc chuẩn bị vật tư phân bón cho sản xuất là rất quan trọng.
Để chia sẻ với bà con nông dân, Thứ trưởng Doanh đề nghị và yêu cầu, trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh yêu cầu, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất.
Về khâu lưu thông, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân phải chủ động các giải pháp đảm bảo lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ đông xuân sắp tới.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón" - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP, trong phiên rà soát tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các nhà sản xuất phân bón DAP và MAP cũng như các đơn vị kinh doanh nhập khẩu và sử dụng phân bón khác để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước và trên thế giới liên tục tăng. Cụ thể, phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).
Với phân bón nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.