Doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển, giá phân bón tăng vọt

Quốc Hải Thứ ba, ngày 03/08/2021 13:25 PM (GMT+7)
Dù đã được tạo “luồng xanh” để thông suốt nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) ngành phân bón vẫn gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển, lưu kho… dẫn đến tình trạng giá phân bón tăng mạnh.
Bình luận 0

Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) cho biết, việc vận chuyển khó khăn trong giai đoạn giãn cách này cũng là bình thường, vì theo quy định chung thì tài xế phải có test nhanh Covid-19, mỗi địa phương đòi hỏi có điểm đi - điểm đến… Nếu tuân thủ đầy đủ các quy định này thì việc giao nhận hàng vẫn diễn ra bình thường.

Doanh nghiệp phân bón gặp khó trong vận chuyển, giá phân tăng vọt - Ảnh 1.

Vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà máy sản xuất của PVFCCo (Ảnh: PVFCCo)

Tuy nhiên, theo ông Tâm dù hàng hóa vận chuyển được nhưng chi phí vận chuyển tăng mạnh, vì tài xế không có. 

Chi phí vận chuyển "đội" lên, giá phân bón tăng vọt

Theo ông Tâm, hiện những tài xế có tiền (chủ sở hữu phương tiện vận chuyển – PV) thì đa số là ở nhà trốn dịch, còn những người không có tiền (tài xế làm công - PV) chịu đi nhưng phải test nhanh Covid-19. Ví dụ như tài xế từ Đắk Lăk hay miền Trung vô, phải test xong rồi lấy hàng, về lại phải test lần nữa, có những nơi thậm chí bắt test xong âm tính mới cho vô tỉnh họ, nên chi phí tăng rất cao.

"Một vấn đề nữa là tài xế bị test nhiều lần cũng sợ đau nên việc tìm tài xế vận chuyển hàng lúc này khá căng", ông Tâm nói.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, cũng trăn trở: Giá phân bón hiện nay rất cao, giá nhập khẩu về cũng đang tăng nhưng nhờ Bình Điền đã chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu đầy đủ cho quý 3 nên cũng tạm ổn. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu nhập về đang tăng, cùng với công ty đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", công suất cũng chỉ được khoảng 50% do phải đảm bảo các quy định về giãn cách.

Doanh nghiệp phân bón gặp khó trong vận chuyển, giá phân tăng vọt - Ảnh 2.

"Ông lớn" Đạm Phú Mỹ áp dụng phương thức vận chuyển hàng hóa, tăng cường vận chuyển bằng đường biển, đường sông để bổ sung cho đường bộ có phần bị gián đoạn... (Ảnh: PVFCCo)

Trong khi đó, tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo; HoSE: DPM), đội ngũ vận hành của DN này đã cơ bản thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" từ tháng 6/2021 nên sản lượng của Nhà máy duy trì tối đa công suất thiết kế.

"Với các khâu bị ảnh hưởng lớn của dịch bệnh là làm hàng các tàu nhập khẩu nguyên liệu acid, kali, SA và vận chuyển, PVFCCo đã áp dụng nhiều biện pháp, phương thức vận chuyển hàng hóa, tăng cường vận chuyển bằng đường biển, đường sông để bổ sung cho đường bộ có phần bị gián đoạn, linh hoạt phối hợp giữa năng lực tồn trữ của hệ thống kho đầu mối, kho trung chuyển và giao hàng thẳng tới các nhà phân phối nên tình hình cơ bản cũng ổn định", đại diện PVFCCo cho hay.

Được biết, 7 tháng đầu năm 2021, PVFCCo đã cung ứng gần 670.000 tấn phân bón. Dự kiến trong tháng 8-9/2021, PVFCCo sẽ tiếp tục đưa khoảng 160.000 tấn ra thị trường. Theo chia sẻ của DN này, dù tình hình vận chuyển gặp khó khăn nhưng PVFCCo và các công ty vùng miền cơ bản đảm bảo nguồn cung phân bón cho thị trường.

Dù các DN cố gắng đẩy mạnh nguồn cung nhưng trên thực tế vẫn có hiện tượng khan hiếm cục bộ ở nhiều địa phương, dẫn đến giá phân bón có xu hướng tăng. 

Theo ghi nhận của Dân Việt, từ đầu năm đến nay, giá phân bón các loại đã tăng 3 lần và chưa có chiều hướng giảm, có loại tăng gần gấp đôi. Cụ thể, đạm ure từ 6.400 đồng/kg tăng lên 12.000 đồng/kg, phân NPK 16:16:8 trước có giá 9.500 đồng/kg giờ tăng lên 12.500 đồng/kg, kali từ 7.500 đồng/kg tăng lên 10.500 đồng/kg… Đặc biệt, ở một số tỉnh thành, do chi phí vận chuyển tăng cao trong thời gian nhiều tỉnh thành phía Nam triển khai giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nên nên giá phân bón đang có chiều hướng tăng thêm từ 500-700 đồng/kg mỗi loại.

"Hiện vận chuyển phân bón trong nước được Bộ GTVT và các tỉnh tạo điều kiện cho "luồng xanh". Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại cũng khó khăn nên dù được tạo điều kiện nhưng vẫn không thể như lúc bình thường được. Vì vậy có hiện tượng khan hàng cục bộ và tăng giá ở một số địa phương là điều khó tránh khỏi", ông Đông giải thích.

Nguy cơ dừng sản xuất

Trong khi đó, theo một số DN phân bón, nếu dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, nhiều khả năng sẽ phải tạm ngưng sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau; HoSE: DCM) cho biết, hiện nay tình hình sản xuất rất khó khăn. Nguyên nhân là vì các kho cảng không có nhân lực để huy động lao động phổ thông làm hàng, không đảm bảo được sản xuất "3 tại chỗ" phải đóng cửa hết, nên DCM cũng chưa biết sẽ chứa hàng vào đâu. "Trong khi nhà máy thì vẫn phải đảm bảo sản xuất liên tục, nên chắc bây giờ còn thoi thóp được chứ nếu một tuần nữa chắc là sẽ căng thẳng lắm", bà Hiền nói.

Doanh nghiệp phân bón gặp khó trong vận chuyển, giá phân tăng vọt - Ảnh 4.

Nhập nguyên liệu acid để sản xuất phân bón NPK (Ảnh: PVFCCo)

"Công suất tại Nhà máy của DCM vẫn đang bình thường nhưng vấn đề là hàng hóa không lưu thông được như mọi khi. Từ trước tới nay, DCM đã "set up" hệ thống hàng sản xuất ra là xuất tự động đi luôn, giờ hệ thống bên ngoài đóng băng nên không xuất được. Chúng tôi đang tính phương án chất hàng vào kho nhưng lại gặp vấn đề không thuê được lao động phổ thông nên rất kẹt", bà Hiền nói.

Về vấn đề nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng đang gặp khó khăn, theo bà Hiền, DCM có một tàu nguyên liệu nhập vào tháng 8 nhưng hiện chưa tìm được đơn vị nào nhận làm hàng cho.

"Khoảng cuối tháng 8 đến tháng 9 này là thời điểm tiêu thụ thấp vụ tại Việt Nam, nông dân không có nhu cầu bón phân xuống ruộng nên DN chúng tôi phải tìm chỗ chứa. Nhưng hiện nay các loại hệ thống đang bị ảnh hưởng sâu rộng bởi Covid-19. Nếu cứ tiếp tục "đóng băng" kinh tế thế này, không có chỗ để làm hàng thì có thể DCM cũng như các DN khác cũng phải dừng sản xuất… ", bà Hiền lo lắng.

Ở một góc độ khác, lãnh đạo một DN phân bón lớn tại TP.HCM cho rằng, tình thế giá nguyên liệu tăng cao sẽ là cơ hội để cho hàng giả, hàng kém chất lượng len chân vào thị trường. Thực tế thời gian qua, do giá phân bón tăng, một số nơi bà con đã có tâm lý dừng mua của các hãng phân bón lớn, uy tín có giá bán cao hơn, để lấy hàng của những hãng "cuốc xẻng", thương hiệu lạ trôi nổi có giá thấp hơn trên thị trường.

"Nếu không quản lý chặt thì sẽ rất nguy hiểm. Nông dân đang bị hai tác động kép. Giá phân bón tăng nếu người tiêu dùng thông thái sẽ dùng lượng ít đi nhưng mua phân bón tốt còn đỡ chứ nếu ham rẻ, mua vào hàng dỏm, kém phẩm chất sẽ trả giá đến tận vụ năm sau bởi cây trồng bị suy kiệt", vị này nói.

Cổ phiếu ngành phân bón bứt phá

Trên thị trường, giá cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP Vinachem (DDV), Phân bón Bình Điền (BFC), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đang tăng trưởng tốt nhờ sự cải thiện đến từ doanh thu lẫn biên lợi nhuận so với cùng kỳ.

Trong phiên giao dịch hôm nay 3/8, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ đứng mức 26.850 đồng/CP. Tính từ đầu năm, mã DPM tăng tới 42%, tức mỗi cổ phiếu thêm khoảng 8.000 đồng/CP.

Tương tự, mã DCM của Đạm Cà Mau trong phiên hôm nay đạt 20.550 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 47% so với đầu năm, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 6.600 đồng.

Cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền hôm nay tiếp tục tăng thêm khoảng 2%, lên 30.700 đồng/CP. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng tới gần 80%, giúp mỗi cổ phiếu có thêm 13.250 đồng/CP.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu phân bón tăng "bốc đầu" giữa đại dịch Covid-19, theo giới phân tích, sự gián đoạn sản xuất do dịch gây ra đã khiến giá lúa gạo tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Việc giá lúa tăng cao thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong khi nguồn cung phân bón từ các thị trường nhập khẩu truyền thống, đặc biệt là Trung Quốc giảm do đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá phân bón tăng.

Hiệu ứng kép giá tăng và sản lượng tiêu thụ tăng đã thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón và tác động tích cực này được phản ánh lên giá cổ phiếu ngành phân bón.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem