Nguồn vốn khó khăn, đường sắt vẫn đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá
Nguồn vốn khó khăn, đường sắt vẫn đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá
Thế Anh
Thứ ba, ngày 29/11/2022 07:45 AM (GMT+7)
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực tuyến đường sắt liên vận quốc tế đến năm 2030 nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Theo đó, sẽ nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hoá bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030. Hiện nay, vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu với Trung Quốc là Đồng Đăng và Lào Cai.
Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2017 - 2021 tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận tải hàng hóa vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm. Tính riêng năm 2017 tăng 26%, năm 2021 tăng 31% so với năm 2020, đạt 1,13 triệu tấn, chiếm gần 20% tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt cả nước.
"Vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt đang có xu hướng về Đồng Đăng đang tăng dần, hướng Lào Cai đang giảm dần", Bộ GTVT cho biết.
Cũng theo đánh giá của Bộ GTVT, đường sắt Việt Nam đã duy trì được hoạt động vận tải liên vận hàng hóa, hành khách trong điều kiện khó khăn về kết cấu hạ tầng, bước đầu đã khẳng định được lợi thế, tiềm năng phát triển hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt đi tới các nước Châu Âu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng thị trường như tàu container đông lạnh, tàu container chuyên tuyến đi Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc sang các nước thứ 3 ở Châu Âu, Nga, Mông Cổ, Trung Á...
Bên cạnh những lợi thế nêu trên, năng lực vận chuyển đường sắt còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga (hạn chế về diện tích bãi hàng, thiếu đường đón gửi, đường xếp dỡ trong ga).
Điểm hạn chế khác nữa là năng lực của tuyến và ga không đồng bộ; Mạng lưới đường sắt quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức tàu lớn, tốc độ khai thác hạn chế.
Cũng theo Bộ GTVT, hạn chế của đường sắt cũng đến từ việc kết nối đường bộ đến kho hàng và bãi hàng hạn chế (đường kết nối nhỏ, hẹp hoặc trong đô thị; xe tải và xe container bị giới hạn bởi tải trọng, tĩnh không).
"Quy mô, năng lực kho hàng và bãi hàng thấp hơn năng lực tuyến; một số ga thiếu diện tích làm bãi hàng; hầu hết toa xe trong nước không đạt chuẩn quốc tế, phải đi thuê nên không chủ động cung cấp dịch vụ; thiết bị xếp dỡ còn thiếu tại một số ga; chưa có nhà đầu tư tham gia cải tạo, nâng cấp kho bãi hàng", Bộ GTVT nêu ra những điểm hạn chế.
Nguồn vốn đầu tư còn khó khăn
Chỉ ra nguyên nhân, Bộ GTVT cho rằng: "Chủ yếu do nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt khó khăn, chưa huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước kho hàng, bãi hàng".
Song song đó là doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư toa xe mới đạt chuẩn; số lượng, năng lực ga liên vận quốc tế được công bố còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa gắn với các chân hàng mới; công tác quản lý còn hạn chế, chưa bắt kịp nhu cầu thị trường.
Để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá của đường sắt liên vận quốc tế, Bộ GTVT đề xuất 2 giai đoạn đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga đường sắt.
Giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT đã cơ bản cân đối đủ vốn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng các ga liên vận quốc tế hiện có để tăng năng lực thông quan, xếp dỡ hàng container. Trong đó ưu tiên đầu tư các hạng mục gắn với hạ tầng ga hàng hóa (đón gửi tàu, xếp dỡ và thông quan) ở mức tối đa có thể theo hiện trạng quỹ đất.
Cùng đó cải tạo, nâng cấp các ga có nhu cầu công bố thành ga liên vận quốc tế, ưu tiên cải tạo, nâng cấp hạ tầng hiện có để tăng năng lực ga tương ứng với năng lực của tuyến, đáp ứng sản lượng vận chuyển.
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các ga liên vận quốc tế trên 2 hành lang đường sắt Bắc - Nam và Đông - Tây theo quy hoạch, ưu tiên các ga Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Yên Viên, Trảng Bom.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.