Nguy cơ “biến mất” di tích lịch sử 700 tuổi vì... trùng tu

Khắc Duẩn Thứ năm, ngày 04/09/2014 12:05 PM (GMT+7)
Dư luận đang xôn xao việc tu bổ đình Bồng Lai ở xã Vũ Tiến (Vũ Thư, Thái Bình) sai quy trình và một số kiến trúc bị thay đổi dẫn đến nguy cơ một di tích lịch sử 700 tuổi có thể sẽ “biến mất”. 
Bình luận 0

Di tích có nguy cơ thành phế tích

Theo những thông tin còn lưu giữ được, đình làng Bồng Lai có tuổi đời khoảng 700 năm, xây dựng vào khoảng cuối đời Trần, đầu đời Hậu Lê. Đình thờ Thành hoàng làng là danh tướng Yết Kiêu. Ngôi đình gồm 4 tòa kết cấu theo kiểu “tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Không chỉ tồn tại lâu đời, đình làng Bồng Lai đặc biệt bởi kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Hậu Lê trên các cột trụ, cột hoành, xà nóc… Các đồ thờ như ngai, mũ của danh tướng Yết Kiêu, kiệu, võng, chấp kích, cuốn thư, câu đối và 13 bài vị sắc phong của vua chúa các triều đại Lê, Nguyễn vẫn còn được lữu giữ nguyên vẹn.

Cụ Trần Văn Hơn năm nay gần 90 tuổi, ở làng Bồng Lai, kể: “Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình làng là nơi hoạt động của Ủy ban cách mạng lâm thời địa phương. Đây cũng là địa điểm sản xuất vũ khí, cung cấp hậu cần cho bộ đội đánh Pháp và tổ chức các lớp bình dân học vụ xóa mù chữ cho nhân dân. Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa và ý nghĩa lịch sử, đình làng Bồng Lai được UBND tỉnh Thái Bình cấp bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh ngày 8.10.2013.

Theo các cụ cao tuổi trong làng, để giữ được đình Bồng Lai như ngày hôm nay, đình đã trải qua hàng trăm lần tu bổ, tôn tạo nhỏ và có 3 đợt trùng tu lớn. Một lần vào thời triều Nguyễn, các thông tin vẫn còn được ghi trên xà nóc của đình. Lần thứ 2 trùng tu vào năm 1945. Lần thứ 3 vào năm 1990, sau khi đình bị xuống cấp trầm trọng do bão lớn năm 1986 tàn phá làm sập gẫy hai bên chái các tòa Trung đường và Hậu cung. Do không có kinh phí nên nhân dân làng Bồng Lai chỉ quyên góp tiền và thuê thợ dùng gỗ bạch đàn làm hoành, rui, mè, dùng gạch xây đỡ phần mái và có thu hẹp ngôi đình...

Ông Trần Ngọc Ngoan - một người dân tham gia ban khánh tiết đình làng Bồng Lai cho biết, sau gần 25 năm trùng tu, ngôi đình đã và đang hư hại nhanh và trầm trọng. Vào đầu năm 2014, khi nhân dân vào đình thắp hương làm lễ thì một phần mái ngói đổ sập khiến người dân hoảng sợ. Còn ông Trần Văn Hinh – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến, Tổ trưởng tổ tu sửa cấp thiết di tích đình Bồng Lai cho hay: Toàn bộ mái ngói bị vỡ và xô dạt; hệ thống khung cột, các bộ vì kèo, hoành rui và lá mái bị mối, mục, gãy mộng và lún nghiêng. Mặt bằng móng và sân đình hiện nay thấp hơn nhiều so với đường giao thông và mặt bằng xung quanh nên nền đình luôn bị ngập úng kéo dài sau mỗi trận mưa, càng làm cho đình xuống cấp nhanh hơn.

Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như vậy, nếu đình không được trùng tu khẩn cấp, không chỉ người dân, chính quyền xã Vũ Tiến cũng vô cùng lo lắng một di tích lịch sử sẽ trở thành một phế tích đổ nát và hoang tàn.

Dân tự tôn tạo

Khi chỉ cho chúng tôi công trình tòa Tiền tế đã hoàn thành, ông Trần Văn Đồng – Trưởng ban khánh tiết đình Bồng Lai cho biết, chỉ sau 3 tháng phát động nhân dân trong thôn và con em xa quê ủng hộ được hơn 1,5 tỷ đồng. Bà con tham gia hàng nghìn ngày công lao động để trùng tu lại ngôi đình. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ cuối năm nay (2014) nhân dân sẽ hoàn tất việc trùng tu ngôi đình này.

Bồng Lai là một thôn nghèo của xã Vũ Tiến, có hơn 210 hộ với trên 800 nhân khẩu. Thế nhưng, trước nguy cơ đổ đình, người dân thôn Bồng Lai vẫn quyết tâm chung sức để tu sửa. Câu chuyện về việc trùng tu di tích đình Bồng Lai của nhân dân có lẽ cũng chẳng có gì phải nói nhiều nếu như người dân nơi đây thực hiện việc trùng tu tuần tự theo từng bước được quy định trong Luật Di sản. Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và hướng dẫn thực hiện tu sửa cấp thiết di tích thì người dân đã tự ý tháo dỡ công trình và tiến hành tôn tạo. Đó là một việc làm không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên UBND xã Vũ Tiến đã kịp thời đình chỉ việc người dân hạ giải toà Tiền tế khi mới tháo dỡ được 7,5m2 ngói mái phía trước.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, quá trình trùng tu, người dân và các hiệp thợ đã thực hiện đúng phương châm: Bảo tồn tuyệt đối nguyên trạng di tích tại vị trí cũ, tận dụng cao nhất các cấu kiện gỗ, các mảng chạm trổ, khung kiến trúc gỗ của di tích. Chỉ thay thế các cấu kiện đã hỏng không sử dụng được bằng cấu kiện mới giống hệt chất liệu, kích thước, hoa văn và hình thức chạm khắc...

Một chi tiết mà nhiều người thắc mắc, việc tôn tạo tòa Tiền tế đã làm sai lệch theo nguyên mẫu cũ của nó. Đó là việc người dân đưa “Lưỡng long chầu nhật” vào chính giữa đỉnh nóc và đắp kìm nóc vuông vức. Trong khi, trước kia, giữa đỉnh nóc chỉ có đắp hình mặt nhật và kìm nóc đắp đầu rồng ngậm đại bờ. Là người cao tuổi trong làng, cụ Trần Văn Hơn chia sẻ: “Chính lần thay đổi này mới trả lại nguyên trạng cho kiến trúc tòa Tiền tế. Bởi những năm chống Pháp, đình bị giặc bắn phá hỏng nhiều phần. Đặc biệt cơn bão năm 1986 đã làm sập mái, gẫy toàn bộ đầu đao. Do không có tiền nên mãi đến năm 1990 nhân dân mới thuê thợ ở Nam Định sang xây dựng lại và đã làm sai nguyên mẫu hình họa trên nóc, kìm nóc, đầu đao và vách tòa Tiền tế. Bây giờ, khi đời sống kinh tế của bà con khá lên, con cháu làm ăn phát đạt có điều kiện về kinh phí nên các già trong làng mới bàn và quyết định làm lại cho đúng với kiến trúc cổ của các cụ ngày xưa để lại”.

    Trong khi chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và hướng dẫn thực hiện tu sửa cấp thiết di tích thì người dân đã tự ý tháo dỡ công trình và tiến hành tôn tạo. Đó là một việc làm không đúng với quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem