|
Giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao khiến sức ép lạm phát năm nay rất lớn. |
Thưa ông, sau 5 tháng liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 0,3%, tháng 9 này, CPI cả nước trở lại đà tăng mạnh với mức 1,31% so với tháng 8. Đây có phải là mức tăng đột biến, ngoài dự báo của chúng ta hay không?
- Đây là mức tăng khá đột biến khi mà những tháng trước, chỉ số CPI chỉ tăng quanh mức 0,2-0,3%. Bản thân tôi khi nghiên cứu vấn đề này cũng thấy bất ngờ và nhiều chuyên gia còn cho rằng, phải xem lại cách tính chỉ số CPI của chúng ta để có những con số và dự báo chính xác về hướng đi của nó. Tuy nhiên, mức tăng này lại có những cơ sở khá rõ. Đó là xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá mới đây cộng thêm việc các siêu thị đồng loạt tăng giá hàng trăm mặt hàng tiêu dùng và giá cả trên thị trường tự do của nhiều mặt hàng cũng tăng... nên tốc độ tăng giá của tháng 9 mới có thể tăng mạnh như vậy.
CPI tháng 9 tăng mạnh có báo hiệu chỉ số này sẽ tăng cao trong các tháng còn lại của năm không, thưa ông?
- Tôi cho là CPI sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm nay và nhiều khả năng CPI năm nay sẽ vượt kế hoạch của chúng ta, tức là tăng trên mức 8% mà Quốc hội đã phê duyệt. Từ nay tới cuối năm sẽ chỉ còn 3 tháng mà theo quy luật giá cả thường tăng cao dịp cuối năm nên nếu không có giải pháp hữu hiệu, chắc chắn mức tăng CPI các tháng sau đây sẽ còn mạnh hơn, hoặc cũng sẽ phải tăng từ trên 1% trở lên.
Từ tháng 10, nhiều mặt hàng sẽ bị kiểm soát giá chặtCục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ tiếp tục điều hành giá trong các tháng tiếp theo theo hướng giữ ổn định giá điện, giá than bán cho điện; đối với giá than bán cho ba hộ tiêu thụ lớn sẽ điều chỉnh theo giá thị trường vào thời điểm thích hợp nếu điều kiện cho phép. Từ tháng 10, một số mặt hàng nhạy cảm và thiết yếu sẽ phải chịu sự quản lý giá và sẽ bị kiểm soát giá cao hơn theo Thông tư 122 về Pháp lệnh giá của Bộ Tài chính.
Nhưng các cơ quan quản lý giá cả của chúng ta lại cho rằng, chỉ số giá tháng 10 có thể sẽ chỉ tăng nhẹ hoặc sẽ thấp hơn nhiều so với tháng 9, bởi tháng 10 không còn các nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ tăng CPI như yếu tố khai giảng năm học mới, điều chỉnh tỉ giá... như của tháng 9?
- Tôi cho dù nhận định thế nào thì chúng ta, nhất là các cơ quan quản lý giá không nên chủ quan. Bởi xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn hiện hữu. Từ tháng 10 là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị lực lượng hàng hóa cho nhu cầu lễ Tết. Do đó, nhu cầu thu mua, tạm trữ hàng hóa tăng cao là sức ép tăng giá hàng hóa. Ngoài ra, tháng 10 tiếp tục là mùa mưa bão, lũ nên khả năng giá lương thực, hàng hóa sinh hoạt trong mùa lũ tăng trên một số địa bàn.
Nếu như vậy thì nỗ lực kiềm chế lạm phát các tháng cuối năm có thể sẽ không thể thực hiện được, thưa ông?
- Đúng như vậy. Tôi cho rằng, ngành ngân hàng và các bộ ngành chịu trách nhiệm về quản lý giá phải cảnh giác cao hơn. Các giải pháp tổng thể khác phải được đẩy mạnh như quản lý giá của các mặt hàng nhạy cảm, dự trữ hàng hóa thiết yếu phải được chú ý; chống đầu cơ giá; giữ ổn định và cân bằng cho hoạt động tiền tệ, lãi suất.
Nhiều tổ chức cũng dự báo cuối năm VNĐ sẽ còn được nới lỏng thêm nữa, đây cũng là sức ép cho lạm phát. Theo ông chúng ta có quá lo lắng về điều này?
- Đây cũng là bài toán khó cho chúng ta hiện nay. Bởi nếu không nới lỏng tỉ giá thì sức ép sẽ bị dồn vào các tháng sau và năm sau, đến một lúc nào đó nếu sức ép này bị bùng lên và "vỡ ra" thì chúng ta còn khó khăn hơn. Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tính toán để điều chỉnh vào thời điểm phù hợp để làm sao giảm bớt sức ép cho lạm phát tăng không chỉ của năm nay mà cả năm sau.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.