Nguy cơ dư thừa và bùng phát dịch bệnh tôm

Thứ ba, ngày 27/05/2014 10:32 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, đến cuối tháng 3.2014, diện tích thả nuôi tôm ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều tăng. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát, mà còn dễ xảy ra tình trạng “bội thực” nguồn cung khi sản xuất tôm ở một số nước xuất khẩu lớn được hồi phục.
Bình luận 0
Tăng lạm dụng kháng sinh

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2013 tăng mạnh so với trước đó (lần đầu kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD) - là nguyên nhân khiến diện tích nuôi ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng nhanh chóng. Đơn cử như diện tích nuôi tôm tại Cà Mau đã đạt trên 266.700ha, tăng hơn 1.000ha so với cùng kỳ năm ngoái; Bạc Liêu đạt khoảng 108.500ha, tăng khoảng 6.000ha (gồm cả tôm thẻ và tôm sú)…

Tôm xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều nước cảnh báo về dư lượng kháng sinh (ảnh minh họa).
Tôm xuất khẩu của Việt Nam bị nhiều nước cảnh báo về dư lượng kháng sinh (ảnh minh họa).

Đáng lo ngại là cùng với việc tăng diện tích thì tình trạng lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi cũng tăng theo. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản CAFATEX (Hậu Giang) cho biết, khi diện tích nuôi tăng và nuôi liên tục sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường, làm dịch bệnh bùng phát. “Khi dịch bệnh phát sinh, nông dân sẽ sử dụng những loại thuốc để khống chế dịch bệnh và vô tình làm tình trạng lạm dụng kháng sinh tăng lên” - ông Kịch nói.

Ông Võ Hồng Ngoãn – “vua tôm” ở ĐBSCL, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, ở tỉnh này tình trạng nông dân lạm dụng kháng sinh diễn ra khá phổ biến, chiếm tới 80-90% diện tích thả nuôi. “Một số công ty bán thuốc kháng sinh, phòng ngừa bệnh tôm còn cho cả nhân viên tiếp thị xuống tận vùng nuôi để quáng cáo thuốc. Tình trạng lạm dụng kháng sinh đã đến lúc báo động rồi” – ông Ngoãn thẳng thắn nói.

Nguy cơ “bội thực” tôm

Việc lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân khiến sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu cảnh báo từ đầu năm đến nay. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm và Thủy sản (Bộ NNPTNT), gần đây đơn vị này liên tiếp nhận được cảnh báo từ Nhật Bản và EU về việc phát hiện dư lượng chất oxytetracycline vượt mức cho phép trong một số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, năm 2013, EU chỉ phát hiện 2 trường hợp tôm nhập từ Việt Nam bị cảnh báo dư lượng oxytetracycline thì trong 4 tháng đầu năm 2014 đã có ít nhất 5 lô tôm bị cảnh báo về chất này.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, việc tôm xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị cảnh báo như trên không chỉ khiến doanh nghiệp trực tiếp thực hiện lô hàng đó bị thiệt hại vì tôm bị trả về, mà uy tín, hình ảnh con tôm Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị xấu đi. “Hiện tại, tôm Việt Nam dù bị cảnh báo kháng sinh nhưng vẫn có thể tiêu thụ được bởi nguồn cung trên thế giới đang thiếu hụt, sản lượng tôm của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… bị sụt giảm mạnh do hội chứng hoại tử gan tụy gây ra. Tuy nhiên, khi sản xuất ở các nước này được khôi phục, nguy cơ tôm Việt Nam bị loại là rất dễ xảy ra” - ông Nguyễn Văn Nhiệm- Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) khẳng định.

Thực tế, năm 2013 xuất khẩu tôm Việt Nam thắng lớn một phần là nhờ nguồn cung của các nước xuất khẩu lớn sụt giảm. Chẳng hạn, theo báo cáo của Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA), năm ngoái sản lượng tôm của nước này chỉ đạt 250.000-300.000 tấn, giảm khoảng 240.000-290.000 tấn so với năm 2012. Tuy nhiên, TSA cho biết, năm 2014 nguồn cung tôm của Thái Lan sẽ ổn định hơn và sản lượng cả năm ước tăng khoảng 20% so với năm 2013.


Tôm Việt Nam bị nước ngoài “soi” kỹ hơn

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, trong vòng 4 tháng qua, đã có tổng cộng 11 lô tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng của EU và Nhật Bản phát hiện có dư lượng oxytetracycline (OTC). Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng OTC trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí có thể tạm đình chỉ nhập khẩu.

VASEP cũng cho biết, các nhà nhập khẩu Nhật đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Điển hình là nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam.

Sỹ Tuyên

Huỳnh Nguyễn (Huỳnh Nguyễn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem