Nguy cơ gia tăng hộ nghèo do tác động kép từ Covid-19, hạn hán: Nỗi lo tái nghèo sau thiên tai

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 05/06/2020 13:00 PM (GMT+7)
Cây thuốc lá ở huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) được kỳ vọng là cây giúp thoát nghèo, vậy nhưng 3 trận mưa đá từ đầu năm đến nay đã khiến nhiều hộ dân mất nguồn thu nhập. Nguy cơ tái nghèo tại một số thôn, bản của huyện này lại hiện hữu.
Bình luận 0

Hoa màu bị thiệt hại

Bản người Dao Phiêng Khít (xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn) khuất sau những rừng cây, dốc đèo xa xôi. Cuộc sống người dân nơi đây đặc biệt khó khăn, nhất là sau những trận mưa đá bất thường trút xuống các cánh đồng thuốc lá ở Phiêng Khít này.

Nguy cơ gia tăng hộ nghèo do tác động kép từ Covid-19, hạn hán: Nỗi lo tái nghèo sau thiên tai  - Ảnh 1.

Ông Bàn Văn Lỵ rớt nước mắt trước cánh đồng thuốc lá tan tành sau mưa đá. Ảnh: C.H

Nguy cơ gia tăng hộ nghèo do tác động kép từ Covid-19, hạn hán: Nỗi lo tái nghèo sau thiên tai  - Ảnh 2.

Cây thuốc lá tầm tháng 5 đã cao vượt đầu người, nhưng năm nay cây mới chỉ cao 50 - 70cm. Ảnh: C.H

Bàn Tiến Ân vốn là một chàng trai to khỏe của núi rừng Phiêng Khít, đi núi, đi nương không biết mỏi. Ấy vậy mà Ân nghèo, nghèo không ngóc lên nổi. Cũng bởi rừng sản xuất ít, ruộng trồng ngô, trồng lúa ở vùng này năng suất không cao, lại thêm diện tích 10.000m2 trồng cây thuốc lá bị hư hại đến 80% do mưa đá.

Ân buồn, cái buồn hiện hữu trên khuôn mặt, đeo bám vào cả dáng đi, giấc ngủ. Không chỉ Ân mà phần lớn những người dân Phiêng Khít của xã Thượng Ân này đều có nỗi buồn như Ân.

Anh Bàn Văn Hưng - người dân Phiêng Khít rầu rĩ cho hay, gia đình anh năm nay chắc lại tái nghèo rồi. Nhà có 4.000m2 đất trồng cây thuốc lá, 3 trận mưa đá năm nay đã làm hư hỏng đến 70% diện tích.

"Buồn lắm, chẳng biết phải nói thế nào nữa. Tất cả trông chờ hết vào cây thuốc lá, giờ nên nông nỗi này, nếu không có thiên tai thì năm nay chắc cũng được. Giá thuốc lá năm nay cao, lên đến 50.000 đồng/kg, tuy nhiên số lượng cũng như chất lượng năm nay lại rất thấp, chỉ được 1/3 của mọi năm thôi" - anh Hưng than.

Giảm nghèo chưa bền vững

Theo Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, giai đoạn 2012 - 2018, Nhà nước đã bố trí 630.764 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế, xã hội, vùng DTTS và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng DTTS và miền núi.

Kết quả 100% các xã đã có đường ôtô đến trung tâm; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn.

Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giảm trung bình khoảng 3,5%/năm), riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 5%/năm qua các giai đoạn.

Tuy nhiên, tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (bằng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ.

M.N

Giữa cái nắng gay gắt trên đỉnh Phiêng Khít, ông Triệu Văn Quý - Trưởng thôn, dẫn chúng tôi ra đồng. Chỉ cho phóng viên những vạt thuốc lá èo uột, cằn cỗi, ông Quý bảo, thông thường những năm trước, tầm này cây thuốc lá đã cao vượt đầu người rồi. 

Vậy nhưng năm nay, ngay từ khi mới gieo trồng, trận mưa đá đêm giao thừa đã khiến cây non hư hỏng, giờ chỉ cao được 50 -70cm thôi.

"Sau trận mưa đá đêm giao thừa, cây mới hồi phục, người dân chưa kịp mừng thì trận mưa đá thứ 2 rồi thứ 3 đã khiến bà con thực sự bất lực, rớt nước mắt trước cảnh cây thuốc lá chỉ còn ít ngày là cho thu hoạch bị hủy hoại tan tành cả" - ông Quý nói.

Trưởng thôn Phiêng Khít thông tin, thôn có 24 hộ, thì hộ nghèo chiếm đến 15 hộ, cận nghèo 6 hộ, chỉ có 3 hộ thoát nghèo. Năm 2018, toàn thôn 100% số hộ là hộ nghèo. Hiện nay chưa rà soát, nhưng chắc chắn sẽ nhiều hộ của thôn tái nghèo sau 3 trận mưa đá năm nay.

Về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, ông Quý cho biết, ngay khi xảy ra mưa đá, chính quyền địa phương đã thực hiện kiểm đếm, thống kê thiệt hại, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa biết có được hỗ trợ không, hỗ trợ bằng hình thức nào. Nói chung nếu có hỗ trợ, dù ít dù nhiều cũng đỡ được phần nào cho bà con. Người dân ở đây khó khăn lắm.

Theo ông Quý, ngoài cây thuốc lá, hiện nay ở Phiêng Khít, cây dẻ trồng theo đề án của Hội đồng nhân dân huyện cũng đang phát triển tốt, hy vọng sẽ là một hướng đi mới cho bà con.

Hỗ trợ cả kỹ thuật, kinh phí...

Theo Chương trình 30a hỗ trợ các huyện nghèo, huyện Ngân Sơn được đầu tư 94,474 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để xây dựng cơ sở hạ tầng với 14 công trình và phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế.

Giống như Phiêng Khít, bản người Dao Nà Cà của xã Thượng Ân cũng bị mưa đá làm ảnh hưởng đến cây thuốc lá, mức độ thiệt hại đến 70% trên tổng diện tích. Ông Bàn Văn Cửu - Trưởng thôn Nà Cà cho biết, thôn có 11 hộ thì có 6 hộ nghèo, mưa đá khiến bà con thiệt hại cơ bản đối với diện tích cây thuốc lá.

"Việc kiểm đếm đã được thực hiện, còn được hỗ trợ hay không hiện nay chúng tôi cũng không nắm được" - ông Cửu cho hay.

Bà Chu Thị Huyền - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn khẳng định, việc mưa đá trên diện rộng ảnh hưởng đến cây thuốc lá ở Ngân Sơn chỉ tác động đến vụ đông xuân. Ngoài vụ đông xuân, người dân vẫn trồng ngô, lúa nên không ảnh hưởng nhiều.

Vậy nhưng, người dân tại những nơi phóng viên đã đến đều nhận định, cây thuốc lá cho thu nhập cao, góp phần giúp họ thoát nghèo, cây ngô, cây lúa chỉ mang tính chất đảm bảo an ninh lương thực. Việc mất mùa cây thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Sỹ Thắng - Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn cho biết, sau những đợt mưa đá, huyện đã phối hợp với các đơn vị tăng cường các biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn bà con khôi phục, chăm sóc, nhờ đó mà một số diện tích vẫn được thu hoạch do được phục hồi 60-70%.

"Phía công ty thuốc lá, đơn vị đầu tư cũng hỗ trợ bà con về phân bón, huyện đã chỉ đạo phối hợp với các đơn vị thống kê diện tích thiệt hại cụ thể, nếu cần hỗ trợ sẽ thực hiện theo nghị quyết hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, nguồn hỗ trợ lấy từ ngân sách dự phòng" - Bí thư Thắng cho hay.

Nói về thế mạnh của huyện Ngân Sơn, ông Thắng cho biết thêm, cùng với cây thuốc lá, cây hồng không hạt Ngân Sơn, cây dẻ và cây lúa nếp Khẩu nua lếch đang là những cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích trồng các loại cây đó cũng đang được mở rộng; thị trường của những sản phẩm cây trồng này hiện khá lớn.

Về công tác hỗ trợ, ông Phạm Kim Hiểu - Trưởng phòng NNPTNT huyện Ngân Sơn cho hay, sau mưa đá đầu năm, phòng đã kết hợp với các công ty xuống hướng dẫn bà con chăm sóc, nhờ đó cây trồng phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên các trận mưa đá ngày 17/3 và ngày 25 - 26/3 đã khiến một số diện tích cây thuốc lá của huyện bị ảnh hưởng từ 70-100% và từ 50-70%; tổng diện tích bị thiệt hại 119,5ha, số hộ bị thiệt hại là 370.

Ông Hiểu cho biết thêm: "Chúng tôi đã chỉ đạo các xã rà soát, thống kê đầy đủ và xây dựng phương án hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Với số diện tích còn lại, tiếp tục chỉ đạo bà con chăm sóc, đến nay cũng "gỡ" lại được một chút, cho bà con thu nhập. Thêm vào đó là phần hỗ trợ của nhà nước, từ ngân sách dự phòng của huyện (200 triệu đồng) cộng với ngân sách dự phòng của các xã, tổng cũng vào khoảng hơn 400 triệu đồng để giúp bà con".

Ông Đồng Phúc Hình - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2019, toàn tỉnh có 15.722 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,57% trong số hơn 80.000 hộ gia đình toàn tỉnh; 9.106 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,33%. Từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo là 9,83% (bình quân mỗi năm giảm 2,46%). Năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,5%. Mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2-2,5%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem