Nông thôn khủng hoảng vì dịch tả lợn: Nỗi lo nhiều hộ tái nghèo

Hải Đăng - Thiên Hương Chủ nhật, ngày 02/06/2019 07:15 AM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi đã càn quét ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc và hiện đã lan vào các tỉnh từ miền Trung tới miền Nam; tại Tây Nguyên cũng có 2 tỉnh xuất hiện ổ dịch. Tại những nơi dịch tả châu Phi "quét" qua, tất cả những gì còn lại chỉ là màu trắng của vôi và nước mắt nghẹn ngào của người chăn nuôi...
Bình luận 0

Nông dân không thể cầm cự 

Trò chuyện với phóng viên ông Du Văn Dương, xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) chia sẻ: "Dịch bệnh liên tục tàn phá khiến chúng tôi không cầm cự nổi nữa. Nhìn đàn lợn của gia đình bị dịch chết chồng đống mà vợ chồng tôi đau xót vô cùng".

img

Trang trại của ông Lê Văn Bộ ở Yên Mỹ (Hưng Yên) tan hoang sau "bão" dịch.  Ảnh: Trần Quang

Hiện khu trang trại nhà ông Dương trắng xóa vôi bột. Ông Dương đang thuê người đến dỡ các mái chuồng, dọn dẹp. Ông  bày tỏ: "Bây giờ chúng tôi đang rất cần khoản tiền hỗ trợ tiêu hủy của Nhà nước để tái đàn, chăn nuôi trở lại, nhưng chưa biết bao giờ mới có".

Theo phản ánh của nhiều lãnh đạo địa phương các tỉnh vùng có dịch, hiện dịch tả lợn châu Phi đã ngừng lan rộng vì nhiều trang trại đã hết lợn, nhiều xã không còn lợn.

Ông Vũ Xuân Khu - Chủ tịch UBND xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho hay: Hiện, các trại lợn xung quanh đây đã sạch bóng lợn và cơ bản hết dịch. Riêng xã Lô Giang còn khoảng 500 con nhưng cũng đang cầm cự rất vất vả, khả năng khó giữ được lâu.

Dù Lô Giang đã cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 vừa qua, song do dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều gia đình chết cả đàn lợn, thiệt hại vô cùng lớn. "Chúng tôi đang lo ngại có thể sau đợt dịch này, thu nhập của người dân trên địa bàn xã sẽ giảm khoảng 50% (khoảng trên dưới 20 triệu đồng/năm/người), kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy mà chúng tôi phải chấp nhận" - ông Khu chia sẻ.

Hà Nội thiệt hại gần 500 tỷ đồng vì dịch tả lợn châu Phi 

Tại Hội nghị giao ban công tác UBND thành phố Hà Nội tháng 5/2019 diễn ra mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15.528 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, ở 1.820 thôn, tổ dân phố thuộc 425 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và phải tiêu hủy 249.878 con (chiếm 13,3 % tổng đàn). Dịch gần như đã phủ kín toàn thành phố. 

img

Cán bộ thú y TP.Hà Nội khiêng lợn cân trước khi đem đi tiêu hủy. Ảnh: Dương Đình Tường

Nếu như đầu tháng 5, TP.Hà Nội có khoảng 4.000-5.000 con lợn bị tiêu hủy mỗi ngày thì từ khoảng 20/5 trở lại đây, do dịch bùng lên dữ dội, lan rộng ra nhiều thôn xã nên mỗi ngày có trung bình 10.000 con lợn phải tiêu hủy, cao điểm nhất có ngày lên tới hơn 13.000 con phải tiêu hủy.

Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, đứng đầu cả nước, trong đó đàn lợn có gần 2 triệu con. Từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, huyện phải tiêu hủy nhiều lợn nhất là Sóc Sơn với khoảng 40.000 con, Đông Anh 20.000 con…

img

Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi vẫn được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp các tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa: I.T

Ước tính tổng thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn TP. Hà Nội đến nay khoảng 470 tỷ đồng (ước theo giá thị trường 30.500 đồng/kg). Tuy nhiên việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê nhanh, hiện, số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại đạt khoảng 32,5%. Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch khoảng 200 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%). Tuy nhiên việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ nhiều...

Hiện tại, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.

Tiêu hủy hơn 2 triệu con lợn

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện đã lan ra 48 tỉnh, với hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã, phải tiêu hủy 2 triệu con. Đây là thiệt hại vô cùng lớn. 

"Đây là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam", Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Ngành chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng hơn 50% trong cơ cấu nông nghiệp, thịt lợn vẫn chiếm tỉ trọng 70% trong mỗi bữa cơm của người Việt. 

Với tình hình thời tiết diễn ra vô cùng phức tạp như năm nay, cộng với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ (hiện nước ta còn khoảng 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, liền kề tại các khu dân cư, không gian chật hẹp) thì nếu không có biện pháp tích cực, bệnh sẽ tiếp tục lan tỏa ra các vùng còn lại, quay trở lại những nơi có ổ dịch.

Điều Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lo lắng nhất là nếu không làm tốt công tác phòng ngừa, khoanh dịch, bệnh sẽ lan vào những đàn lợn lớn thì cực kỳ nguy hiểm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem