Chuyện Đắk Sin phá thế độc canh chống tái nghèo

Duy Hậu Thứ hai, ngày 09/12/2019 13:38 PM (GMT+7)
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với việc áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả, người dân xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp (Đắk Nông) đã không còn lo tái nghèo, có của ăn của để.
Bình luận 0

Tái nghèo chỉ vì độc canh

Hơn 10 năm trước, khi cây hồ tiêu phát triển, giá bán cao và cho thu nhập ổn định, hầu hết người dân ở xã Đắk Sin đã vượt qua được cái nghèo vươn lên làm giàu.

"Những năm ấy, đất mới màu mỡ lắm, cây hồ tiêu bỏ xuống đâu cũng sum suê, cho nhiều trái, trồng kiểu gì cũng có ăn nên người dân không cần chú ý đến yếu tố kỹ thuật. Nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu, thoát nghèo nhanh chóng. Thế nhưng "trời" chỉ cho ăn vài năm thì cây tiêu bắt đầu bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Rộ nhất là những năm 2005-2006, đi đâu cũng thấy những vườn tiêu xác xơ, chết rũ, người dân từ đó rơi vào cảnh khốn cùng. Gia đình tôi cũng tái nghèo do "đại nạn" này"- anh Nguyễn Văn Bảy (thôn 2, xã Đắk Sin) kể với chúng tôi.

img

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh Nguyễn Văn Bảy đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ việc trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê 2ha. Ảnh: Duy Hậu

Cũng như anh Bảy, hàng loạt các gia đình khác ở Đắk Sin thấy hồ tiêu nhiễm bệnh thì cố bỏ thêm vốn mua các loại thuốc bảo vệ thực vật để cứu lấy vườn tiêu. Nhưng càng cứu, người dân càng thêm nợ mà không thể phục hồi vườn tiêu lại được.

"Chỉ vì độc canh nên khi cây tiêu chết, người dân chúng tôi không còn gì để thu hoạch, không biết bám víu vào đâu để có tiền trang trải sinh hoạt. Cùng vốn đầu tư, chúng tôi ngày ấy lại còn phải bỏ ra rất nhiều tiền để cứu cây tiêu. Nhưng loại cây này, khi đã bị bệnh thì gần như là vô phương cứu chữa. Chính vì vậy mà nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo khó, nợ nần. Thời điểm đó, gia đình tôi như mất phương hướng không biết cách nào để tháo gỡ khó khăn"- ông Lý Văn Mạnh (thôn 2, xã Đắk Sin) nói.

Phá thế độc canh, giảm nghèo bền vững

"Những năm sau, gia đình tôi chỉ quanh quẩn với những cây trồng ngắn ngày để kiếm cái ăn qua ngày. Đến năm 2012, được chính quyền địa phương tuyên truyền, cho thăm quan các mô hình làm ăn giỏi, trồng nhiều loại cây trên một diện tích đất, gia đình tôi mới tìm ra lối thoát"- anh Bảy nói.

Tiếp lời, anh Bảy kể, đi thăm quan về, gia đình anh bắt đầu trồng lại 2ha cà phê. Mỗi năm anh lại mua thêm ít giống sầu riêng trồng xen vào vườn cà phê. Ba năm sau, anh Bảy đã có một vườn cà phê xanh tốt cùng với 250 gốc sầu riêng.

“Cà phê là cây ưa bóng và cần chắn gió thì mới phát triển bền vững được, chính vì vậy khi áp dụng kĩ thuật trồng xen, sầu riêng vừa là cây che bóng, lại vừa cho sản phẩm có giá trị kinh tế cao”- anh Bảy phân tích với chúng tôi.

Nhờ mô hình này, sau 2 năm cần mẫn chăm sóc cà phê và sầu riêng, sau khi trừ hết các chi phí gia đình anh Bảy thu về được trên dưới 500 triệu đồng.Với mức thu nhập này, anh Bảy đủ điều kiện để đầu tư, quay vòng phát triển sản xuất.

Trưởng thôn 2, ông Nguyễn Trung Quang cho biết, những năm qua, để giúp người dân địa phương thoát nghèo, nhà nước đã có nhiều hình thức hỗ trợ qua các chương trình, dự án giảm nghèo. Ngoài cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trong thôn hiện có khoảng 85 hộ được vay các kênh vốn khác nhau như: Vốn giải quyết việc làm, vốn hộ nghèo, vốn cận nghèo, vốn vùng khó khăn…

Nhờ có vốn cùng với việc thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương mà người dân đã phát triển kinh tế ổn định. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu; nhiều năm liền ở thôn 2 không có hộ tái nghèo như trước đây.

Cũng theo ông Quang, đối với những hộ dân mới thoát nghèo, thời gian qua vẫn được các cấp, ngành chuyên môn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo và bền vững để họ tự tin phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định.

Ông Đỗ Ích Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sin cho biết, chính sách giảm nghèo tại địa phương đang được thực hiện đầy đủ và kịp thời bằng các dự án, mô hình đến người dân.Trong số đó phải kể đến việc triển khai có hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã như: Mô hình trồng xen canh cà phê, xen sầu riêng, bơ; mô hình trồng thuần cây ăn quả… giúp hộ nghèo vùng khó khăn, dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo thống kê của UBND xã Đắk Sin, năm 2018 số hộ nghèo của xã chỉ còn 172 hộ, chiếm tỉ lệ 9,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo của xã là 3,2 tỉ đồng, với 44 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo và 19 hộ thoát nghèo vay để phát triển kinh tế hộ. Hiện chính quyền địa phương cùng các cấp ngành vẫn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để giúp người dân thoát nghèo không bị tái nghèo.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem