Nguy cơ H5N1 từ... chim yến

Thứ năm, ngày 25/03/2010 09:32 AM (GMT+7)
NTNN - Nhiều hộ dân ở TP Rạch Giá, Kiên Giang và Bạc Liêu đang đổ xô xây nhà mới để nuôi chim yến. Theo các nhà khoa học, việc nuôi tự phát này là nguy cơ lây lan của các dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm.
Bình luận 0

img
Một hộ dân ở khu vực nội ô TP. Rạch Giá xây nhà kiên cố nuôi chim yến.

Khổ vì chim yến

 

Theo một số người dân ở TP Rạch Giá, phong trào nuôi chim yến tại thành phố này khởi đầu một cách rất tình cờ.

Từ một đàn yến tụ về sinh sống và làm tổ ở nóc nhà biểu diễn của Trung tâm Văn hóa tỉnh cách đây hơn 1 năm, đầu năm 2009, một công ty chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm “yến sào” (tổ yến) ở tỉnh Khánh Hòa đến đặt vấn đề “hợp tác nuôi và khai thác tổ yến” với Ban giám đốc Trung tâm.

Vấn đề này được đưa ra bàn bạc tại một cuộc họp UBND tỉnh sau đó, và bị các cơ quan chuyên môn phản đối vì lo ngại về dịch bệnh cúm gia cầm, ô nhiễm khu dân cư…

Tuy nhiên, giữa năm 2009, một lãnh đạo tỉnh này đã cho xây một căn nhà cao 5 tầng với hàng trăm lỗ tròn như tổ ong tò vò nhà và lắp đặt cả thiết bị âm thanh phát ra tiếng kêu của loài yến để dẫn dụ chim yến về làm tổ.

Hiện nay, bầy yến đang lưu trú tại căn nhà này lên tới hàng ngàn con và mang lại lợi nhuận kinh tế cao (tổ yến có giá trung bình 40 – 60 triệu đồng/kg - PV). Thấy ngon ăn nên nhiều gia đình lân cận trong nội ô thành phố rộ lên phong trào nuôi chim yến, gây không ít phiền toái cho những người dân sống xung quanh…

Ông Lê Văn Trang, ngụ đường Tôn Thất Tùng bức xúc: “Phân chim rơi vãi khắp nơi trên nóc nhà, trong bồn nước, sân nhà… trong khi dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ quay trở lại. Nuôi chim cảnh còn bị mấy ông thú y bắt tiêu hủy, còn những bầy chim yến hoang dã này mới là nguồn phát tán virus cúm gia cầm cao nhất, tại sao các cơ quan chính quyền lại không ra tay…?”.

Bức xúc, các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại kiến nghị lên chính quyền các cấp. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn đâu vào đấy…

Lúng túng về pháp lý?

Nấm Cryptococcus neoformans có trong phân chim và các loài gia cầm phát tán trong không khí. Khi con người hít phải, nấm này sẽ vào phổi và theo máu lên não gây bệnh viêm màng não và biến chứng nặng nề là mù mắt hoặc tử vong.

Cuối tháng 2-1010, UBND tỉnh Kiên Giang đã có công văn khẳng định: Không khuyến khích nuôi chim yến trong khu dân cư, các hộ nuôi phải có cam kết bảo vệ môi trường, biện pháp khắc phục hạn chế tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh…” (?).

Theo những người dân (không nuôi) thì công văn trên quan điểm chưa rõ ràng: Không cấm hẳn mà có xu hướng “hợp thức hóa” cho việc nuôi chim yến hoang dã trong khu dân cư nên các hộ vẫn tiếp tục nuôi…

Trao đổi với NTNN, đại diện cơ quan thanh tra thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang giải thích:  Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “vướng mắc” nói trên là chim yến không được liệt vào danh sách “động vật hoang dã” theo Nghị định 32; cũng không được định nghĩa trong danh mục “động vật rừng” cần quản lý nuôi nhốt theo Nghị định 99.

Còn ông Đinh Công Thận - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hiện nay không một cơ sở nuôi chim yến nào xin phép và báo cáo ngành thú y. Tôi khẳng định, nuôi động vật hoang dã trong khu dân cư là không được phép, vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Lúc đó hậu quả sẽ nặng nề hơn hiệu quả kinh tế rất nhiều!”

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem