Nguy cơ tái trồng cây anh túc

Thứ năm, ngày 28/07/2011 13:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cây anh túc còn gọi là cây thuốc phiện đã bị cấm gieo trồng từ lâu, nhưng hiện nay ở một số vùng rừng núi miền tây Nghệ An, đồng bào lại tái diễn trồng cây trong khi chính quyền địa phương không hay biết.
Bình luận 0

Cây anh túc trong vườn nhà

Khi đến xã Đồng Văn của huyện miền núi rẻo cao Quế Phong vào những ngày trung tuần tháng 7.2011, chúng tôi thật bất ngờ khi thấy trong vườn nhà của một số hộ dân, hoa anh túc đủ màu đang đua nhau khoe sắc. Loài hoa này thật đặc biệt bởi một thân cây nhưng lại có bông hoa với các màu khác nhau: Bông màu đỏ tím, màu vàng tím và bông màu tím, trắng…

img
Hoa anh túc nở rộ ở Quế Phong.

Ông Lương Văn H - một người dân nói: "Ở đây nhiều nhà trồng để làm rau sống và làm thuốc chữa bệnh". Quả thật khi chúng tôi đi đến nhiều nhà ở một số bản của xã này thấy bà con trồng cây anh túc xen lẫn với các loại rau trong vườn. Trên gác bếp của họ còn treo lủng lẳng từng chùm quả khô để giống. Hỏi trồng cây thuốc phiện không sợ công an à, ông H cười: "Sợ chứ, nhưng chỉ trồng có mấy cây làm rau sống. Họ mà biết thì nhổ, họ đi rồi thì trồng cây khác".

Không những ở Đồng Văn mà một số xã vùng cao khác như: Tiền Phong, Nậm Giải, Tri Lễ, Châu Kim, Mường Nọc, nhiều hộ dân tộc Mông vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện. Anh Vừ Giống D ở xã Tri Lễ cho biết: "Từ xưa đến nay, có cấm đi chăng nữa bà con vẫn giấu hạt giống để trồng. Vừa để làm rau sống, vừa làm thuốc chữa bệnh. Nhưng, một số hộ hám lợi đã lén lút trồng với số lượng lớn để lấy mủ, rồi cô lại bán.

img
Quả anh túc khô dùng đề làm giống ở Đồng Văn - Quế Phong.

Không những trồng trong vườn mà họ trồng trên nương rẫy, trên núi. Nơi đây núi rừng hiểm trở, có vùng đi bộ 3-4 ngày mới tới nơi nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện. Cây thuốc phiện có đặc tính nơi nào cao, có mây mù quanh năm là phát triển tốt, năng suất cao".

Cán bộ không hay biết (?)

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc người dân trên địa bàn còn trồng cây thuốc phiện, ông Lang Sinh Đàm - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn nói: “Trước đây, có một số hộ dân trồng cây để làm rau sống ăn, nhưng khi chúng tôi phát hiện đã cho nhổ hết. Không ngờ bây giờ là bà con còn lén lút cất giấu hạt giống để trồng. Việc này chúng tôi không nắm được, chứ nếu biết chúng tôi sẽ xử lý ngay".

Một cán bộ phòng chống ma tuý thuộc lực lượng Biên phòng Nghệ An cho biết: "Bà con dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An hiện chủ yếu trồng cây thuốc phiện xen kẽ với cây cải cúc để làm rau và làm thuốc. Do đó, rất khó phát hiện cây anh túc ngay từ đầu, phải nhìn thật kỹ mới thấy".

Còn ông Lương Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khá sửng sốt trước những hình ảnh và thông tin mà phóng viên cung cấp. Ông nhận định không có chuyện người dân trồng cây thuốc phiện với diện tích lớn để cạo lấy mủ. " Theo tôi thì dân trồng là chủ yếu để làm rau sống. Nó cũng giống như ma tuý, cứ len lỏi khắp nơi. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý những hộ dân và địa phương vi phạm” - ông Minh nói.

Không riêng gì huyện Quế Phong mà ở một số vùng của huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, người dân vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện trên núi để lấy mủ bán kiếm tiền. Ông Lương Văn Đình - một người dân ở xã Đồng Văn, Quế Phong nói: "Cứ đà này, nếu như không ngăn cấm một cách triệt để, thì tình trạng trồng cây thuốc phiện có nguy cơ phát triển trên diện rộng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem