Nguy hiểm khi trẻ em bị động kinh không được thăm khám định

Diệu Linh Thứ ba, ngày 28/12/2021 06:08 AM (GMT+7)
Ngại dịch, nhiều trẻ em có tiền sử động kinh đã không được đi khám định kỳ đúng hạn, cha mẹ tự mua thuốc về điều trị cho con. Điều này khiến nhiều trẻ lên cơn động kinh nghiêm trọng.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận không ít trẻ bị động kinh nghiêm trọng mà nguyên nhân do cha mẹ chậm chễ đưa con đi tái khám, tự mua thuốc điều trị tại nhà.

Nguyên nhân trẻ bị động kinh?

TS Cao Vũ Hùng – Giám đốc Trung tâm Thần Kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, động kinh bệnh lý thần kinh mãn tính hay gặp nhất ở trẻ, được hiểu là sự rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương.

Bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ nhóm tuổi nào. Tuy nhiên thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt trước 1 tuổi hoặc 3 tuổi.

Theo TS Hùng, số lượng các bệnh nhi động kinh chiếm khoảng hơn 50% trong tổng số trẻ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh trẻ em.

Nguy hiểm khi trẻ em bị động kinh không được thăm khám định  - Ảnh 1.

TS Cao Vũ Hùng – Giám đốc Trung tâm Thần Kinh (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang xem xét hình ảnh chiếu chụp của các một bệnh nhi bị động kinh. Ảnh BVCC

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh động kinh rất đa dạng. Những cơn động kinh thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu là các cơn co giật, có thể giật một phần cơ thể, co giật toàn thân, co giật mất hay không mất ý thức… Các cơn co giật động kinh thường lặp đi lặp lại.

Theo TS Hùng, nguyên nhân trẻ bị động kinh có thể do:

- Dị tật từ trong thời kì người mẹ mang thai như dị tật bẩm sinh của hệ thống thần kinh trung ương.

- Trẻ gặp những biến cố trong quá trình sinh nở, bị đẻ ngạt gây nên tình trạng thiếu oxy và suy hô hấp, phải thở máy.

- Các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh như viêm màng não nhiễm khuẩn, viêm não, nhiễm kí sinh trùng ở não…

- Động kinh cũng có thể xuất hiện ở trẻ bị sốt nhiều lần với một tỉ lệ nhất định.

- Động kinh sau chấn thương thần kinh hay ở các bệnh lý như xuất huyết não, u não, các vấn đề về chuyển hóa – di truyền…

Bệnh động kinh có chữa được không?

"Bệnh động kinh có nhiều mức độ khác nhau, ở mức độ bệnh nhẹ, trẻ chỉ lên một vài cơn động kinh. Khi được điều trị bằng các thuốc chống động kinh đúng và đầy đủ, bệnh sẽ không còn tái phát và khỏi bệnh.

Trẻ được coi là khỏi bệnh khi có ít nhất hai năm không tái phát bất cứ cơn co giật động kinh nào và không có các bất thường trên điện não đồ hay chẩn đoán hình ảnh.

Nguy hiểm khi trẻ em bị động kinh không được thăm khám định  - Ảnh 2.

Chứng động kinh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ, đặc biệt trước 1 tuổi hoặc 3 tuổi. (Thăm khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC)

Tuy nhiên, ở mức độ bệnh nặng, cơn giật xuất hiện nhiều kèm theo các bệnh khác như bại não, chậm phát triển, cần điều trị kéo dài thậm chí phụ thuộc hoàn toàn vào các thuốc chống động kinh, có một tỷ lệ bệnh không đáp ứng được thuốc (động kinh kháng thuốc)", TS Hùng chia sẻ.

Như vậy, bệnh động kinh có điều trị khỏi được hay không còn tùy thuộc vào mức độ bệnh nặng nhẹ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ đưa con đi khám muộn, điều trị muộn hoặc điều trị không kiên trì, bỏ thuốc thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

"Nếu không được phát hiện sớm và điều trị thì các cơn động kinh bất thường có thể khiến trẻ bị tai nạn, ngã, bỏng, đuối nước... Hoặc những cơn co giật kéo dài nếu không được xử trí đúng và kịp thời có thể gây suy hô hấp, thiếu oxy não, dẫn đến tử vong..

Ngoài ra, những cơn động kinh có thể ảnh hưởng đến trí tuệ và vận động của trẻ. Trẻ học tập sa sút, kiểm soát hành động kém, giao tiếp xã hội bị hạn chế… gây khó khăn đến học tập và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống và sự phát triển của trẻ sau này", TS Hùng phân tích.

Đừng sợ Covid-19 mà chậm điều trị bệnh động kinh cho trẻ

Động kinh là bệnh mãn tính, hầu hết các bệnh nhi đều được kê thuốc và điều trị tại nhà và hẹn tái khám. Khi tái khám, các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm, điện não đồ để đánh giá tình trạng bệnh của trẻ và điều chỉnh đơn thuốc phù hợp.

Nguy hiểm khi trẻ em bị động kinh không được thăm khám định  - Ảnh 3.

Trẻ có thể được điều trị khỏi chứng động kinh nếu ở thể nhẹ và được phát hiện điều trị sớm (Tư vấn cho phụ huynh về sức khỏe của trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC)

Nếu đến kỳ hẹn mà cha mẹ không đưa con đi tái khám, tự mua thuốc điều trị có thể sẽ không đúng với tình trạng bệnh của trẻ, dẫn đến bệnh nặng hơn, nhờn thuốc...

“Sự tuân thủ lịch tái khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố quyết định hàng đầu. Bên cạnh đó cần tập cho trẻ có thói quen sinh hoạt, ăn uống điều độ, học tập và nghỉ ngơi phù hợp. Cha mẹ cũng cần cho trẻ uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đúng liều, khi gần hết thuốc phải đưa trẻ tái khám hoặc mua thuốc bổ sung để đảm bảo quá trình điều trị không bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì.

Chú ý chăm sóc và theo dõi sức khoẻ cho trẻ cẩn thận, trong quá trình điều trị bằng thuốc nếu thấy có các dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa Thần kinh uy tín để trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời", TS Hùng khuyến cáo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem