Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, ông Cự và chuyện vi phạm phải xử lý

Thanh Hằng Thứ bảy, ngày 15/04/2017 08:16 AM (GMT+7)
Vi phạm sẽ phải trả giá - không sớm thì muộn chính là một thông điệp truyền đi từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan tới nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và ông Võ Kim Cự.
Bình luận 0

Sau tròn một năm sau sự cố môi trường Formosa xảy ra, cuối cùng, điều đã tới phải tới, khi chiều qua 14.4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị kỷ luật một loạt quan chức vì những vi phạm khi để xảy ra vụ việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, dẫn đến những hậu quả khôn lường về an ninh - kinh tế và xã hội.

Trong đó, cái tên đầu tiên được nhắc tới là ông Võ Kim Cự - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp đó là ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng bị đề nghị kỷ luật là ông Nguyễn Minh Quang - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và 2 vị nguyên Thứ trưởng là ông Bùi Cách Tuyến và ông Nguyễn Thái Lai.

img

Ông Võ Kim Cự và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bị đề nghị kỷ luật

Có thể thấy kết luận này rất hợp lòng dân và chính là điều được mọi người trông chờ suốt một năm qua. Việc công bố đề nghị kỷ luật các quan chức cấp cao trong vụ việc rung động dư luận suốt thời gian qua, đã cho thấy tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm thực sự là “không có vùng cấm”, góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân.

Vi phạm sẽ phải trả giá - không sớm thì muộn - chính là một thông điệp truyền đi từ kết luận này. Chính việc xử lý này đã mang đến cho người dân sự tin tưởng hơn vào ngày mai, tương lai và những người dân bị mất mát, đau thương vì thảm họa Formosa cảm thấy được an ủi bởi sự công bằng.

Việc hàng loạt quan chức cấp cao bị đề nghị kỷ luật là bài học quá đau xót trong công tác quản lý và đặc biệt là về công tác cán bộ. Càng nắm giữ các vị trí có tính quyết định sinh mệnh đất nước, sinh mệnh người dân, càng đòi hỏi người lãnh đạo phải có trình độ lẫn đạo đức.

Sự cố môi trường sẽ không xảy ra, nếu những người chịu trách nhiệm thực sự vì dân, để không buộc người dân phải “chọn cá hay thép”!

img

Người dân 4 tỉnh miền Trung từng lao đao khi sự cố cá chết

Nếu những cán bộ làm việc có trách nhiệm, sẽ sớm phát hiện được vi phạm để ngăn chặn kịp thời, thay vì lúng túng, thậm chí đưa ra những lời giải thích thiếu thuyết phục, thậm chí mâu thuẫn. Do đó, cũng cần phải chấn chỉnh lại hệ thống các cơ quan chức năng để có trình độ năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, nhất là, có đạo đức.

Rõ ràng, việc mời gọi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá, chính là hành động “cõng rắn cắn gà nhà”. Bài học cay đắng trước những thiệt hại rất lớn về môi trường, về đời sống người dân và cả bất ổn xã hội chỉ ra rằng, không thể buông lỏng quản lý những dự án ở các vị trí hiểm yếu của đất nước. Đặc biệt, những dự án này phải được cân nhắc kỹ càng, phải lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học và đặc biệt là đừng bao giờ coi thường ý kiến người dân.

Vấn đề quan trọng lúc này không phải là chờ xem mức kỷ luật của những người vi phạm ra sao, mà là quản lý Formosa thế nào để nhà máy này không còn cơ hội xả thải gây độc cho môi trường, để tránh “dẫm vào vết xe đổ”, để không còn nước mắt rơi, để biển trở thành thế mạnh chứ không phải là nỗi ám ảnh của ngư dân như đã từng, và còn không phải kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao như vừa công bố.

Việc giám sát chặt chẽ nước thải, khí thải và chất thải rắn - các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của của nhà máy Formosa là cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống giám sát toàn bộ môi trường biển ở 4 địa phương mà Bộ Tài Nguyên - Môi trường thiết kế như Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết vào cuối 2016 đến nay đã hoàn thành chưa, để có thể đảm bảo an toàn ở cả 4 tỉnh trong thời gian tới?

Trong bước xử lý tiếp theo, với Formosa cũng như với các nhà máy khác, phải đặt môi trường lên hàng đầu. Tiêu chí này sẽ loại bỏ các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường. Việc nhập công nghệ lạc hậu dẫn đến sự cố, lại “chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa” như lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, là bài học rất lớn về công tác quản lý nhưng thiếu tầm nhìn xa.

Với những hậu quả đau lòng từ Formosa để lại, những nỗ lực của nhiều ngành, cấp trong việc khắc phục hậu quả, đặc biệt là thái độ kiên quyết yêu cầu Formosa chịu trách nhiệm trước vụ việc và cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, cũng như tiến hành kiểm soát chặt việc xả thải của Formosa thời gian qua, chúng ta có thể yên tâm về quyết tâm của Chính phủ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố: Nếu Formosa tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem