Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công- nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt

Lương Kết Thứ bảy, ngày 06/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông Võ Chí Công được Bộ Chính trị điều động về Khu V - một chiến trường cực kỳ gian khổ, ác liệt. Đến giai đoạn xây dựng đất nước, thời kỳ đầu của đổi mới, ông là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên cương vị lãnh đạo nào ông đều để lại những dấu ấn.
Bình luận 0

Ông Võ Chí Công – nhà lãnh đạo tài năng, đạo đức trong sáng

Ngày mai (7/8) tròn 110 năm Ngày sinh của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công (7/8/1912-7/8/2022). Sinh thời ông được đánh giá là nhà lãnh đạo nhiều đóng góp lớn cho cách mạng cả trong kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công- nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt - Ảnh 1.

Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2006-2011 Nguyễn Minh Triết (trái) thăm nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh T. L

Trao đổi với PV Dân Việt, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã kể câu chuyện kỷ niệm với ông Võ Chí Công – một câu chuyện giản dị nhưng để lại ấn tượng sâu sắc.

Tướng Trung kể: "Vào năm 1969, tại Đại hội chiến sĩ thi đua của Quân khu V, tổ chức đã phân công tôi ra Bắc để học tập. Tôi từ chối không đi, xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Cấp trên nói nếu tôi không đi sẽ kỷ luật, tôi trả lời chấp nhận kỷ luật, vì xin ở lại tiếp tục chiến đấu đánh Mỹ nên chẳng việc gì phải sợ".

Sau đó, ông Võ Chí Công, lúc này đang trên cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy V, Chính ủy Quân khu V có gặp ông Võ Tiến Trung.

"Ông hỏi tôi: Vì sao cháu không đi ra Bắc học? Tôi bảo cháu xin ở lại để đánh Mỹ. Ông hỏi tiếp: Bây giờ cháu ở lại đánh Mỹ thì chỉ huy được bao nhiêu người. Tôi bảo cháu chỉ huy được một trung đội (hơn 30 người). Ông nói: Nếu cháu ra Bắc học khoảng 1-2 năm, cháu sẽ trưởng thành hơn, biết chiến thuật hơn, có cách đánh hay hơn, cháu sẽ chỉ huy được 1 đại đội (hơn 100 người), vậy cái nào có lợi cho cách mạng hơn. Dĩ nhiên đi học rồi sẽ có lợi hơn để phục vụ cách mạng, nếu cháu không đi chứng tỏ không có trách nhiệm với đất nước, với cách mạng. Nghe ông nói, tôi lập tức lên đường ra Bắc ngay", Thượng tướng Võ Tiến Trung kể.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công- nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt - Ảnh 2.

Ngày 30/10/1989, khi là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Võ Chí Công thăm huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Ông được mọi người vẫn gọi với biệt danh thân mật là anh Năm. Ảnh Tư liệu

Theo Tướng Võ Tiến Trung, ông Võ Chí Công là nhà lãnh đạo "văn võ song toàn", chỉ đạo đấu tranh cách mạng, chỉ đạo chiến dịch giỏi, có tầm nhìn sâu rộng, đạo đức trong sáng.

"Đặc biệt ông chỉ đạo Liên khu V trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có những đột phá về chiến lược, quan điểm về tổ chức lực lượng đánh Mỹ,chuẩn bị đánh Mỹ khi Mỹ vào miền Nam Việt Nam", Tướng Trung nói.

Trên cương vị lãnh đạo, ông Võ Chí Công đã có những chỉ đạo chuyển hướng chiến lược như tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tham gia chỉ đạo đánh mở màn vào Ban Ma Thuột, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên, làm cho quân địch choáng váng, tháo chạy về Đà Nẵng cố thủ. Nắm bắt thời cơ mới xuất hiện, ông đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, chớp thời cơ tiến công giải phóng Đà Nẵng sớm hơn kế hoạch đã định.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công- nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt - Ảnh 3.

Trong thời gian phụ trách Bộ Nông Nghiệp, ông Võ Chí Công thường xuyên về cơ sở thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con nông dân...Ảnh Tư liệu

Nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của quá trình đất nước đổi mới

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, ông Võ Chí Công có công lao rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1975, ông đã chỉ đạo việc huy động sức dân tại chỗ nổi dậy phối hợp với các đoàn tiến công của quân chủ lực để giải phóng khu vực miền Trung, tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngoài lãnh đạo Liên khu ủy Khu V, ông Võ Chí Công còn tham gia Mặt tộc Dân tộc giải phóng miền Nam, giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công- nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt - Ảnh 4.

Ngày 12/8/1991 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công gặp gỡ, trò chuyện các cán bộ phụ trách đội và các cháu thiếu nhi. Ảnh Tư liệu

Sau khi thống nhất đất nước, ông tham gia vào quá trình lãnh đạo Nhà nước, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng), rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 – 1991. Ông có công lớn cùng với Trung ương, Bộ Chính trị hoạch định và lãnh đạo đất nước bước vào giai đoạn đổi mới.

Năm 1978, ông giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Đây là thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn, ông đã ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn của hàng triệu nông dân trong các hợp tác xã.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công- nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn đặc biệt - Ảnh 5.

Ông Võ Chí Công họp mặt thân mật các đại biểu dự họp HĐND tỉnh Hà Tuyên ngày 23/9/1991. Ảnh Tư liệu

Ông đã trực tiếp đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên hỏi thăm công việc sản xuất và nhận rõ nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động đã đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho xã viên, như các hợp tác xã ở Vĩnh Phú, Hải Phòng.

Từ thực tế đó, ông đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp; phù hợp với lòng dân và được Nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở Chỉ thị 100-CT/TW, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để xuất khẩu.

Khi trên cương vị Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, ông cũng đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu, góp phần xây dựng, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306-NQTW (tháng 4/1986) về bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở (bao gồm các cơ sở kinh tế quốc doanh, kinh tế tiểu thủ công nghiệp; kinh tế gia đình và thành phần kinh tế cá thể, tư nhân trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất và kinh tế cá thể trong nông nghiệp).

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đã có những đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, ông Võ Chí Công đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân; tập trung được nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, được Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước…

Ông Võ Chí Công, bí danh Năm Công, sinh ngày 7/8/1912, quê Quảng Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V, VI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa V; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.

Các chức vụ lãnh đạo quan trọng ông từng đảm nhiệm sau ngày đất nước thống nhất: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức danh theo Hiến pháp năm 1980); Thường trực Ban Bí thư; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII. Ông qua đời ngày 8/9/2011, thọ 100 tuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem