Nguyên Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu được đình chỉ vụ án, quy định cụ thể ra sao?
Nguyên Giám đốc Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu được đình chỉ vụ án, quy định cụ thể ra sao?
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 06/01/2024 19:05 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Hải được đình chỉ vụ án sau gần 2 tháng bị khởi tố do "người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội". Quy định cụ thể về việc này thế nào?
Đình chỉ vụ án đối với nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Nguyễn Văn Hải - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này.
Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Văn Hải được Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu căn cứ điểm a khoản 2 và 3 Điều 29 Bộ luật hình sự.
Lý do là hậu quả của hành vi phạm tội ông Hải gây ra đã được khắc phục, đến giai đoạn điều tra, truy tố do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Ngoài bãi bỏ các biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú và xuất cảnh, viện kiểm sát cũng chuyển hơn 983 triệu đồng (ông Hải đã nộp cho cơ quan điều tra) đến Cục thi hành án Dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đảm bảo giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Trước đó, ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hải để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Hành vi của ông Hải xảy ra từ năm 2014 - lúc còn giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có liên quan đến việc giao đất không thông qua đấu giá, không đúng trường hợp, gây thiệt hại cho nhà nước.
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đình chỉ vụ án hình sự là một tình huống pháp lý có thể diễn ra trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng hình sự, theo đó vụ án sẽ chấm dứt mà không được giải quyết nữa. Có nhiều căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án hình sự, trong đó có trường hợp bị can được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, hiện nay viện kiểm sát căn cứ vào Điều 29 Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Văn Hải.
Điều 29 Bộ luật hình sự quy định người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.
Khoản 2, Điều này cũng quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa…
Ngoài ra, điều luật này còn quy định trường hợp người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc trên, viện kiểm sát xác định bị can đã bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, và do chuyển biến tình hình hành vi không còn nguy hiểm nữa nên căn cứ vào Điều 29 Bộ luật hình sự để miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can.
Theo ông Cường, đây là 2 căn cứ theo quy định của pháp luật để bị can có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả chỉ có thể là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng mà bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Còn nếu trường hợp đình chỉ vụ án do "chuyển biến tình hình", cơ quan tố tụng cũng cần làm rõ chuyển biến tình hình ở đây là gì khiến cho hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa?
Bởi đây là quy định tùy nghi để cơ quan tố tụng có thể áp dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng, cần phải làm rõ chuyển biến tình hình là gì và chuyển biến tình hình này có tác động như thế nào khiến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm.
Còn đối với việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự.
Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng, hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án là vụ án chấm dứt.
Nếu đình chỉ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm, không đủ căn cứ để khởi tố, có sai lầm trong việc nhận định đánh giá áp dụng pháp luật hoặc những nguyên nhân khác do có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng (oan sai), ngoài việc đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn để phục hồi các quyền cơ bản của bị can, bị cáo, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Còn đình chỉ vụ án thuộc trường hợp mà pháp luật quy định phải không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, việc đình chỉ vụ án là căn cứ chấm dứt hoạt động tố tụng và trách nhiệm pháp lý sẽ không được đặt ra với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
"Việc đình chỉ vụ án hình sự phải rất thận trọng, tránh oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm. Nếu việc đình chỉ vụ án hình sự là do luật định, do sự lựa chọn của các đương sự, các tình huống mà pháp luật có quy định không có lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, vụ việc sẽ khép lại" – ông Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.