Nguyễn Hữu Thái, nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ Hà Tĩnh là một tỷ phú ươm giống cây ăn quả
Tỷ phú ươm giống cây ăn quả ở Hà Tĩnh trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Tập Thỏa
Thứ sáu, ngày 26/08/2022 19:04 PM (GMT+7)
Anh Nguyễn Hữu Thái, SN 1983, thôn Khe Giao 1, Ngọc Sơn, Thạch Hà (Hà Tĩnh), 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Từ đam mê với cây ăn quả, anh Thái “sở hữu” khu vườn rộng 6ha trồng cây ăn quả, khu ươm giống cây quả, cung cấp thị trường khoảng 20 vạn cây/năm, trừ chi phí mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng.
Clip: Chủ mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Hữu Thái , xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Khởi nghiệp nhận ngay "kết đắng"
Anh Nguyễn Hữu Thái, SN 1983) sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), cha là cán bộ Lâm nghiệp. Về hưu, cha anh tập trung phát triển kinh tế vườn đồi và trồng cây ăn quả tại địa phương.
Ngay từ nhỏ, anh Thái có niềm say mê với những loại cây, thích ngắm nhìn chúng đâm chồi nảy lộc từng ngày. Học đến lớp 9, anh Thái ở nhà cùng với cha chăm sóc, vun trồng trang trại của gia đình. Anh luôn hứng thú với những kiến thức về cây trồng, hơn nữa được cha mình truyền lại kỹ thuật chăm sóc cây nên anh Thái có vốn kinh nghiệm nhất định.
Năm 2007, anh Nguyễn Hữu Thái nên duyên với chị Trần Thị Vui, SN 1986, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2008, dám nghĩ dám đầu tư, vợ chồng anh quyết định dùng quỹ đất 6 ha của gia đình để phát triển kinh tế vườn đồi.
Anh Thái nhớ lại lúc mới khởi nghiệp: "Nguồn vốn eo hẹp, không thuê nhân công mà vợ chồng tôi tự cáng đáng hết mọi việc như: phát quang bụi rậm, san lấp mặt bằng, đào hố trồng và chăm sóc cây. Cây cam chanh, cam bù được vợ chồng tôi đưa vào trồng trên diện tích chưa tới 1 ha. Hàng ngày vợ chồng cần mẫn chăm, sóc, vun xới, hy vọng về một tương lai tươi sáng".
Đầu năm 2010, khi nhập cây cam giống về trồng thì hàng xóm ngỏ ý muốn mua lại cây giống. Lúc này trong đầu anh đã lóe lên 1 ý tưởng làm giàu mới là kinh doanh các loại cây giống.
Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, anh Thái đã mạnh dạn vay mượn hơn 40 triệu đồng để mua 2.000 cây giống (chủ yếu là: mít Thái, bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù…) mở vườn ươm để bán cây giống.
Mới đầu, trang trại cây ăn quả của gia đình anh phát triển tốt, vườn ươm được bà con ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, niềm vui chưa được trọn vẹn khi giữa năm 2010, một cơn bão lớn ập đến, tàn phá vườn cây, khiến vợ chồng anh trở về "trắng tay".
Cơn bão lịch sử kèm theo mưa lớn trong nhiều ngày khiến 1 ha cam gần đến thời kỳ thu hoạch úng nước, rụng gần hết; gió lớn cũng khiến cây giống trong vườn ươm của gia đình gãy đổ, hư hỏng nặng, tổng thiệt hại gần 200 triệu đồng.
Thất bại lớn từng khiến chị Trần Thị Vui (vợ anh Thái) có ý định bỏ cuộc, nhưng nhờ sự động viên của chồng, chị Thái đã lấy lại tinh thần, quyết tâm làm lại.
Chị Vui, nhớ lại: "Thời gian đầu thuận lợi khiến vợ chồng chúng tôi rất vui. Anh Thái có niềm đam mê với cây, thời gian cả ngày dùng để làm việc, chăm sóc cây mà không thấy mệt mỏi mà trái lại rất vui. Cơn bão lớn giữa 2010, khiến bao công sức, tiền bạc, hy vọng của vợ chồng tôi trong 2 năm đã "rơi rụng" theo những trái cam.
Anh Thái đã nói với chi Vui rằng: "Vườn cây là hy vọng của anh, thất bại ở đâu chúng ta sẽ đứng dậy ở đó. Vợ đừng lo, dù khó khăn như thế nào, với 2 đôi tay này chúng ta sẽ làm được nếu có sự quyết tâm".
Thất bại là khởi đầu của thành công
Thất bại đầu tiên, anh Thái cho rằng nguyên nhân không phải lỗi thiên tai, mà bản thân chưa trang bị đủ kiến thức, nắm vững kỹ thuật.
Theo anh Thái: "Nguyên nhân chủ yếu cam rụng nhiều là do ngập úng rễ, mưa axit. Khi đó nếu tôi khơi thông rãnh thoát nước, vun cao gốc cây, phun thuốc hỗ trợ sẽ giảm thiểu tình trạng rụng quả gây thiệt hại nặng về kinh tế".
Để thất bại biến thành công, anh Thái đã không ngừng đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc các các giống cây, anh thường xuyên học hỏi kiến thức từ các kỹ sư nông nghiệp ở Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh nhằm tránh những sai lầm không đáng có.
Năm 2017, gia đình anh Nguyễn Hữu Thái đã thực hiện trồng cây ăn quả theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng lên, được khách hàng đánh giá cao.
Với tinh thần ham học hỏi, không ngại khó khăn, hiện nay vợ chồng anh Thái có trang trại tổng hợp rộng 6 ha được trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Hơn 1.000 gốc cam chanh, cam bù đạt tiêu chuẩn VietGap, mỗi năm cho thu hoạch gần 15 tấn/năm; hơn 100 gốc hồng vuông cho năng suất 10 tấn/ năm; gần 100 gốc bưởi phúc trạch mang lại hơn 6 tấn quả/năm và hàng chục lít mật ong/năm được sản xuất từ hơn 10 tổ ong của gia đình.
Gia đình anh Thái "sở hữu" vườn ươm rộng khoảng 1.500m2, hơn 500 giống cây khác nhau. Mỗi năm vườn ươm cho ra thị trường hơn 20 vạn gốc, giá giao động từ 20.000-30.000đồng/gốc (tùy cây giống), trừ mọi chi phí anh Thái còn bỏ túi gần 800 triệu đồng/năm.
Nhờ chất lượng cây giống tốt, hiện nay vườn ươm của gia đình anh Thái đã được nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận và đánh giá cao.
Bà Trần Thị Hoa (công nhân tại vườn ươm gia đình anh Thái), chia sẻ : "Tôi làm cho anh Thái đến nay 7 năm. Lương ổn định, từ 6-7 triệu đồng/ tháng, nhờ đó mà tôi có thể chăm lo cho gia đình và nuôi các con ăn học. Giá cả các giống cây hợp lý, cho quả mau, hình thức đẹp nên ngày nào cũng có khách hàng ngoại tỉnh đến mua hàng".
Anh Phạm Văn Giáp (một người mua giống cây trú tại Thanh Hóa), cho biết: "Được bạn bè giới thiệu, đánh giá tốt về cây giống của anh Thái. Tôi đã đi gần 200 km đến đây để lựa chọn cây giống cho mình. Lần đầu tiên tới đây, qua cảm quan tôi thấy vườn ươm này quy mô lớn, chất lượng cây tốt. Chúng tôi sẽ lấy 300 gốc cam về trồng thử nghiệm, nếu sau cây phát triển tốt chúng tôi sẽ quay lại lấy thêm".
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Nguyễn Hữu Thái còn nhiệt tình hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây ăn quả. Ngoài ra, trang trại vợ chồng anh còn tạo công việc cho 2 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ với mức lương từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Bật mí, bí quyết thành nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
"Học hết lớp 9, tôi nghỉ học để phụ giúp cha mẹ. Tôi không hiểu rõ về chiến lược, hay marketing mà chỉ cố gắng hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất. Vốn ít nên tôi chỉ làm theo hình thức lấy ngắn nuôi dài, dùng sản phẩm chất lượng để cạnh tranh với những vườn ươm khác.
Trước đây trại và vườn ươm của tôi nằm trong khu vực đồi núi, ít người biết đến nhưng do tiếng lành đồn xa, đã có nhiều người tìm đến tôi để mua hoa quả cũng như cây giống. Có nhiều người từ xa đến mua giống không biết đường sau đó đi lạc, phải gọi điện cho tôi để chỉ lại đường.
Được lọt vào 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 sẽ được vinh danh tại Chương trình "Tự hào nông dân Việt Nam" diễn ra dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10), tôi cảm thấy rất vinh dự, xúc động. Thay mặt gia đình, tôi cảm ơn Hội Nông dân các cấp tại Hà Tĩnh đã đồng hành, quan tâm và tạo điều kiện để tôi phát triển tốt trong thời gian qua. Nhờ vậy, tôi có thêm động lực để tiếp tục phát triển trong thời gian tới."
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Mai Thủy- Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, cho biết: "Anh Nguyễn Hữu Thái là hội viên nông dân tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại tổng hợp. Đây là một hội viên nòng cốt trong các phong trào thi đua lao động sản xuất ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cũng là hội viên tiêu biểu của phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội Nông dân Việt Nam nói chung.
Hội viên Nguyễn Hữu Thái có nhiều đóng góp cho địa phương như: hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm cho hội viên nghèo; tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gương mẫu trong việc tham gia các hoạt động của Hội. Hội viên Nguyễn Hữu Thái nhiều năm liền được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và xứng đáng được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022".
"Tôi mong muốn hội viên nông dân trong toàn tỉnh nói chung và nông dân muốn vươn mình khởi nghiệp bằng những loại cây trồng truyền thống của quê hương nói riêng. Trước hết, cần thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất nông nghiệp; mạnh dạn đầu tư, tận dụng tốt lợi thế về đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên để xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình", bà Nguyễn Thị Mai Thủy- Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, cho hay.
"Hội viên Nguyễn Hữu Thái là một hội viên cần cù, chịu khó, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén trong nắm bắt, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để sản xuất theo nhu cầu của thị trường chứ không phải sản xuất theo những gì mình đang có. Đây là hội viên tiêu biểu cho hình mẫu người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương", bà Nguyễn Thị Mai Thủy- Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.