Phát biểu ý kiến tại Hội thảo khoa học "Phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống của Nghệ An thành hàng hóa", nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, để sản phẩm "sống" được trên thị trường, Nghệ An cần thiết kế bộ nhận diện thương hiệu.
Không cần thiết phục hồi sản phẩm như: khoai xéo, bánh ngào
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng tình với việc Nghệ An công bố 14 sản phẩm đặc sản của tỉnh và lựa chọn 35 sản phẩm đặc trưng phục vụ cho du lịch. Theo ông Hồ Xuân Hùng, hoạt động này sẽ giúp người tiêu dùng (khách du lịch) định hướng được sự lựa chọn của mình khi đến Nghệ An.
Nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Lê
"Rà soát lại danh mục 14 sản phẩm đặc sản của tỉnh đã công bố, tôi thấy thực sự có những sản phẩm dù là đặc sản nhưng khó phục hồi (và cũng không cần thiết phục hồi) nhất là khi hướng tới phát triển kinh tế, ví dụ như: khoai xéo, bánh ngào mà nên bổ sung một số sản phẩm từ danh mục đặc trưng phục vụ du lịch như: nước mắm, cá thu Nghệ An, chè Anh Sơn, rượu men lá,… Không nên quá nhiều nhưng khoảng 15-20 sản phẩm là hợp lý"- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng cho rằng, hiện nay ở Nghệ An, số nhãn hiệu đã xây dựng, đăng ký bảo hộ quá ít trong tổng số hàng hóa. Nhiều người biết đến thương hiệu "cháo lươn Vinh" nhưng món ăn này không chỉ có ở Nghệ An mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng chế biến.
Trong khi đó, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cháo lươn Vinh dù nổi danh nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu nhận diện.
Cháo lươn Nghệ An. Ảnh: Trung tâm XTDL tỉnh
Cần các chính sách ưu tiên cho sản phẩm đặc sản có lợi thế cạnh tranh
"Để sản phẩm đặc sản của tỉnh "sống" được trên thị trường, theo tôi tỉnh nên ưu tiên đặc sản có lợi thế cạnh tranh, uy tín nhiều năm, có khả năng phát triển tốt để đầu tư. Trước mắt, là xây dựng thương hiệu và tập trung quáng bá sản phẩm. Trong chương trình quảng bá trước hết là xây dựng lòng tin, tạo hứng thú tiêu dùng đối với nhân dân trong tỉnh và con em Nghệ An ở mọi miền đất nước, quốc tế" - ông Hồ Xuân Hùng nêu giải pháp.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm, sản phẩm đặc sản của huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thanh Lê
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp những sản phẩm đặc sản theo hướng sản xuất, chế biến bảo quản sạch, có ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư kinh doanh vào chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Gắn kết sản xuất với du lịch mua sắm.
"Tỉnh cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chí sản phẩm đặc sản của tỉnh. Từ đó xác lập cấp độ sản phẩm và lựa chọn hướng ưu tiên hỗ trợ từ việc xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương quyền và quảng bá sản phẩm cũng như chú trọng đến chất lượng sản phẩm" - ông Hồ Xuân Hùng nói thêm.
Phương Thuý - Thanh Lê (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.