Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích lý do chính khiến cán bộ, công chức chuyển việc từ khu vực công sang tư

Thành An Thứ tư, ngày 05/10/2022 10:06 AM (GMT+7)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển như hiện nay thì cán bộ, công chức, viên chức chuyển từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân làm cũng hết sức bình thường, nhưng có điều bất bình thường là thời gian qua "ồ ạt" quá.
Bình luận 0

Cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc từ công sang tư "ồ ạt" một cách "bất bình thường" thời gian gần đây nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Nguyên nhân đã được Bộ Nội vụ chỉ ra, nhưng nguyên nhân căn cơ, quan trọng nhất là gì? Để nhìn nhận về vấn đề này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Cán bộ, công chức chuyển từ khu vực công sang tư là…bình thường!

Thưa ông, theo Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc sang khu vực tư, đặc biệt trong chỉ hơn 1 năm qua có đến 9.397 nhân viên y tế nghỉ việc. Là người có kinh nghiệm lâu năm làm công tác quản lý cán bộ, ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?

- Việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư đã diễn ra ở Việt Nam từ lâu. Đặc biệt, những năm vừa qua có nhiều trường hợp chuyển từ công sang tư và cũng có nhiều trường hợp chuyển từ tư sang công.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Cán bộ, công chức nghỉ việc, chuyển việc từ khu vực công sang tư là…bình thường - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển như hiện nay điều này cũng hết sức bình thường, bởi khu vực tư đang phát triển hơn. Tuy nhiên, có điều bất bình thường là vừa rồi diễn ra mạnh mẽ, tạo thành làn sóng ồ ạt sau dịch Covid-19, nhất là 6 tháng đầu năm 2022, gây ra sự đột biến cũng như thiếu hụt lực lượng lao động ở khu vực công, nhất là lao động có năng lực, kinh nghiệm làm việc.

Việc này ảnh hưởng to lớn đến kết quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước cũng như các khu vực cung cấp dịch vụ công, nhất là ngành giáo dục, y tế.

Dù vậy chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ về nguồn nhân lực giữa khu vực công và khu vực tư.

Đồng thời, chứng tỏ khu vực tư của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và tham gia ngày càng có kết quả, hiệu quả hơn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ và tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và có giải pháp về cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng trên.

Về thực trạng này, Bộ Nội vụ đã chỉ ra nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chính theo ông là gì?

- Thực tế có rất nhiều nguyên nhân, Bộ Nội vụ cũng đã nêu ra 5 nguyên nhân. Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân tác động mạnh mẽ và quan trọng nhất của việc này là do thu nhập về lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kể cả trong khu vực hành chính và dịch vụ công đều thấp, không đáp ứng được nhu cầu đời sống cũng như công sức của họ bỏ ra.

Tiếp đó là do áp lực trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, đơn vị không chỉ ở trong lĩnh vực hành chính mà các sở, ngành, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên.

Một vấn đề quan trọng nữa là môi trường làm việc, điều kiện phát triển của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cũng có nhiều hạn chế, chưa hấp dẫn.

Ví dụ như có quá nhiều các quy định, quy chế ràng buộc, gò bó hành chính, việc đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức chưa thật sự khoa học, minh bạch cũng như đánh giá đúng công sức mà người lao động bỏ ra.

Trong khi đó, đãi ngộ động viên người lao động còn thấp, cào bằng và không chính xác nên không khuyến khích được cán bộ, công chức làm việc, kể cả lãnh đạo cũng chưa thực sự phát huy được tính năng động, sáng tạo của nhân viên mà còn nặng về quản lý hành chính.

Cùng với đó, cơ hội phát triển, trong đó có cơ hội thăng tiến của công chức, viên chức còn hạn chế, chưa khách quan, chưa khuyến khích người phấn đấu tốt; nhiều khi còn nặng về mối quan hệ cá nhân.

Tất cả những điều trên đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý có những giải pháp để khắc phục tình trạng dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực tư.

Ai làm sai thì bị xử lý, không vì thế mà e dè việc "làm hay không làm"

Có ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được làm rất tích cực, làm không ngừng nghỉ, trong khi nhiều chính sách, cơ chế trong khu vực công chưa hợp lý, còn chồng chéo dẫn đến việc cán bộ, công chức e ngại "làm sẽ sai" nên họ xin nghỉ, xin chuyển ra làm ở khu vực tư?

- Điều này không phải hoàn toàn đúng. Việc xử lý cũng có nhiều tác động, đặc biệt đối với ngành y tế, tuy nhiên các hoạt động đấu thầu hoặc chỉ định thầu các trang thiết bị và vật tư y tế vừa qua đều có nhiều sai phạm liên quan đến chống dịch Covid-19, đến Công ty Việt Á dẫn đến tâm lý cán bộ công chức cũng có phần nào e dè là chính.

Việc xử lý nghiêm khắc như vậy là xác đáng, cái gì sai thì phải xử lý. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay trong tâm lý của một số bộ phận cán bộ, công chức sợ làm sẽ sai mà sai thì sẽ bị xử lý bởi lẽ hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật nhiều khi còn có những hướng dẫn chưa cụ thể và rõ ràng.

Nhưng, không phải vì việc này mà chúng ta không làm, không dám làm hoặc chạy sang khu vực tư để "thoải mái" tâm lý hơn. Ở khu vực tư cũng có những quy định rất nghiêm khắc, sai vẫn bị xử lý trước quy định và pháp luật. Cho nên theo tôi nguyên nhân chủ yếu vẫn là áp lực công việc và thu nhập còn thấp, chưa tương xứng.

Vậy thưa ông, giải pháp để cán bộ, công chức không muốn làm, làm không sợ sai như hiện nay là gì?

- Chúng ta phải thực hiện đúng theo các quy định, bởi nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua, nhiều người vẫn cố tình làm sai dù quy định đã nêu rất rõ ràng.

Cùng với đó, chúng ta phải rà soát, xem xét những văn bản quy phạm pháp luật chưa hợp lý, có sự chồng chéo, cái nào chưa chưa rõ ràng, chưa hợp lý thì phải hoàn thiện lại cho chặt chẽ và phù hợp.

Sau vụ Việt Á, các bệnh viện đang bị đình trệ bởi thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị vật tư y tế, thiếu người làm… điều này gây ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị bệnh nhân, thậm chí dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, phải làm và làm cho đúng, ai không làm được thì để người khác làm, ai làm sai thì chịu hình phạt xử lý.

Cũng phải nhắc lại, có nhiều vụ nhiều khi do cán bộ cố tình làm sai, còn trong quá trình làm chúng ta nhận thấy những chỗ nào vướng cơ chế, văn bản pháp lý chưa hợp lý thì làm báo cáo để nhận hướng dẫn và tháo gỡ.

Còn vừa qua, phải khẳng định có nhiều vụ việc mình quản lý chưa chặt, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) hay "chuyến bay giải cứu" ở đây rõ ràng hành vi nhận hối lộ, chắc chắc còn xử lý nhiều người nữa nếu phát hiện sai phạm.

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem