Tâm sự của một nhà báo say hồ Gươm như… "người tình"
Trung Hiếu
Thứ ba, ngày 08/10/2024 13:06 PM (GMT+7)
Nhà báo Hà Hồng - Nguyên Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân Dân là một người con của Hà Nội, một người yêu say đắm vẻ đẹp của Hồ Gươm. Ông tâm sự: "Nếu có ai yêu hồ Hoàn Kiếm hơn tôi thì tôi sẽ ghen với người đó".
Một buổi chiều đầu tháng 10, ánh nắng trải dài như tấm lụa vàng lên mặt phố, gió thu khẽ đùa trên từng tán lá rơi chầm chậm. Phóng viên Dân Việt có dịp ghé thăm nhà báo Hà Hồng – người yêu Hồ Gươm và điều này đã trở thành nguồn cảm hứng trong từng tác phẩm. Trong không gian làm việc ngập tràn những tấm ảnh, từ nhỏ tới lớn, rực rỡ sắc màu và đều liên quan tới Hồ Gươm, người đàn ông ấy nở một nụ cười hiền, khiến cho người gặp lần đầu tiên cũng thấy gần gũi, thân tình.
Bên ly trà nóng còn bốc hơi nghi ngút, ông Hồng nói bằng giọng chậm rãi nhưng đầy nhiệt huyết: “24 năm về trước, thời điểm đó công việc của tôi đang rất căng thẳng. Tôi quyết định đi bộ quanh Hồ Gươm để thư giãn. Kỳ lạ thay, cứ đi tới đâu là những câu chuyện, cảnh vật ngày xưa từ hồi tôi còn trẻ con lại ùa về”.
“Tôi mới tự hỏi rằng, tại sao mình không làm một thiên phóng sự, mỗi bước chân mình đi qua sẽ là một bài. 2173 bước chân là con số mà tôi đếm được sau nhiều lần dạo quanh hồ, tôi quyết tâm sẽ viết được từng ấy bài. Quyết định khám phá Hồ Gươm không phải ngày một, ngày hai mà tới hiện tại, tôi đã khám phá nó được 24 năm nay rồi”, nhà báo Hà Hồng cho biết thêm.
Trên tường, nhiều bức ảnh chụp Hồ Gươm trong các mùa được ông Hồng phóng to ra để trưng bày. Mỗi bức ảnh nhà báo Hà Hồng giới thiệu không chỉ là một khoảnh khắc đẹp, mà còn ẩn chứa trong đó cảm xúc của một người đã yêu và gắn bó với Hồ Gươm qua năm tháng. Ông nói: “Những bức ảnh tôi chụp đi theo trường phái là ảnh như hội họa. Đến giờ, tôi đã có hơn 100.000 bức ảnh chụp liên quan tới Hồ Gươm”.
Ông Hồng bày tỏ, với mỗi bức ảnh được chụp ra, ông đều kỳ vọng nó sẽ mang một nhịp thở, một câu chuyện hay một tâm tình của người đứng sau ống kính: “Tôi phải tìm những khoảnh khắc điển hình, có bố cục rõ ràng, mất rất nhiều công sức và tất nhiên, tôi chỉ làm vậy vì sở thích cá nhân mà thôi. Ví dụ, ngay trong buổi sáng trước khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, tôi khoác áo mưa đi bộ quanh Hồ Gươm để chụp lại ảnh đường phố thưa thớt người qua lại, không gian thoáng đạt. Đến sáng hôm sau, tôi lại chụp ảnh ngổn ngang cây cối đổ rạp như một trận địa. Đó là chủ đích của tôi để người xem những bức ảnh có sự so sánh, đối chiếu, đánh giá cơn bão mạnh đến mức độ nào”.
Giờ đây, gia tài của nhà báo Hà Hồng về hồ Gươm không chỉ có những bức ảnh, ông còn sở hữu một trang web với hàng nghìn bài viết tản mạn, phóng sự, ghi nhanh do chính nhà báo thực hiện kể từ năm 2006. Đến năm 2017, ông cho ra mắt cuốn sách “Chuyện kể bên Hồ Gươm” dày tới 400 trang với gần 200 câu chuyện về cuộc sống, con người, thiên nhiên quanh Hồ Gươm.
“Tôi không phải nhà sử học, không phải nhà văn, nhưng tôi là nhà báo. Tôi viết những bài đúng tính chất báo chí, theo đúng hơi thở của cuộc sống”, ông nói, ánh mắt xa xăm, “qua đam mê này, tôi thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều, tôi muốn kể cho mọi người nghe về những con người, sự kiện liên quan tới Hồ Gươm. Tôi đã phải nghiên cứu rất nhiều, từ đó, tôi nhận thấy rằng tài sản lớn nhất của bản thân chính là những kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa người Hà Nội”.
Ký ức không quên của nhà báo Hà Hồng về những dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
Ông Hồng kể tiếp, cách đây 15 năm, vào dịp kỷ niệm ngày 10/10, ông có cơ hội được tới tham gia một cuộc triển lãm về ngày Giải phóng Thủ đô tại địa chỉ số 49 phố Tràng Tiền. “Điểm thú vị ở chỗ, khi tôi tới đó, tôi được gặp rất nhiều nhiếp ảnh gia chụp về ngày Giải phóng Thủ đô. Ví dụ như ông Thúy, trước đây là chủ một hiệu ảnh quốc tế ở phố Hàng Khay, từng khoác máy ảnh trên người và đi khắp phố, chụp được cảnh quân ta tiến vào Giải phóng Thủ đô... và có rất nhiều ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh không còn nữa nhưng tác phẩm của họ cũng được trưng bày tại triển lãm ấy nhân dịp 10/10”.
Nhà báo Hà Hồng ngồi xuống, ngón tay chạm nhẹ lên những tấm ảnh được chính ông chụp vào ngày diễn ra buổi triển lãm hôm ấy, giọng nói chậm rãi nhưng tràn đầy cảm xúc: “Bản thân tôi không được chứng kiến khung cảnh cụ thể của ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng tôi có dịp gặp và nghe những người tham gia chụp ảnh về thời điểm đó kể chuyện khiến tôi cảm thấy rất ý nghĩa. Tôi cũng đã chụp rất nhiều ảnh trong triển lãm ấy để sau này có thời gian, có thể quay lại viết sâu hơn về kỷ niệm này”.
Bật mí với phóng viên Dân Việt về dự định xuất bản một cuốn sách có tên "Kể chuyện rùa Hồ Gươm" trong thời gian tới, ông Hồng hào hứng: “Bài cuối cùng của cuốn sách ấy, tôi sẽ kể câu chuyện về thời điểm 10 giờ 10 phút sáng ngày 10/10/2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đúng thời khắc ấy, tôi có mặt tại Hồ Gươm, đột nhiên có một người hô: "Ô, cụ rùa nổi lên rồi" làm mọi người ùa ra xem. Nhưng trên thực tế, "cụ rùa" không nổi lên mặt hồ vào lúc ấy mà đã nổi lên từ sáng sớm, tôi là nhà báo và tôi không thể thay đổi sự kiện lịch sử đó được”.
“Và cái kết của tôi cho cuốn sách này, tôi muốn kể lại chi tiết có một bác cao tuổi đứng cạnh tôi, dụi mắt và nói rằng: "Thật hạnh phúc cho những người như chúng ta, rất nhiều người khác đã sinh ra, lớn lên, có công bảo vệ đất nước, nhưng thời điểm này họ đã mất...".
Mặt khác, có rất nhiều sinh linh chưa ra đời, nên họ cũng không được chứng kiến khung cảnh này, chỉ có chúng ta đang được tận mắt trông thấy thời khắc lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội tại Hồ Gươm. Do đó, tôi cần có trách nhiệm ghi lại giây phút lịch sử ấy để sau này các bạn trẻ có tư liệu để khảo cứu”, ông nói.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, tại căn phòng làm việc nhỏ của mình, ông Hồng còn giữ một chiếc tủ chứa rất nhiều kỷ vật của những nhân vật trong các bài viết của ông, những người mà ông tình cờ gặp bên Hồ Gươm. “Những hiện vật này có giá trị rất thấp, không phải là vàng bạc, châu báu, cũng không phải là những món đồ cổ quý hiếm, mà chỉ là những vật rất bình thường mà thôi.
Ví dụ như hòn sỏi hay con chữ được gắn trên phông treo ở tượng đài Lý Thái Tổ bằng 3 thứ tiếng Việt - Hán Nôm và tiếng Anh bị dỡ bỏ sau dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Tôi thấy chúng mang trong mình những câu chuyện về văn hóa ở Hồ Gươm nên nhặt về và bảo quản với mong muốn sau này có thể “thổi hồn” vào đó qua những câu chuyện thực tế, gửi tới thế hệ sau”, ông Hồng chia sẻ.
Ông Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam viết trong cuốn sổ lưu bút tại nhà riêng của nhà báo Hà Hồng: “Tôi rất xúc động khi thưởng lãm không gian văn hóa Hồ Gươm của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hồng. Với tình yêu Hà Nội thiết tha, với tâm hồn phong phú, nhạy cảm và đầy chất Hà Nội, với tài năng nhiếp ảnh và sự dụng công đáng khâm phục, Hà Hồng đã dành tặng cho cuộc sống những bức ảnh độc đáo và tuyệt đẹp về Hồ Gươm…”.
Còn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân xúc động chia sẻ: “Là đồng nghiệp trong làng văn, làng báo, nhưng tôi thật sự bất ngờ khi đến thăm không gian văn hóa Hồ Gươm. Từ tò mò, tôi chuyển sang ngạc nhiên, rồi thích thú, khâm phục trước thế giới của sự công phu tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện công trình này. Và cuối cùng, xin được thay mặt những người yêu Hà Nội, yêu Hồ Gươm nói một điều: Cảm ơn Anh - nhà báo Hà Hồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.