Những chân dung người lính đảo vẫn chất đầy ký ức của tôi, khi trở về đời sống thường ngày bận rộn của một nhà báo. Tôi có cảm tưởng như mình "mắc nợ" họ, những người lính đang bám trụ ở những hải đảo xa xôi, nơi khởi thủy của bình minh đầu ngày của Tổ quốc, nơi những tranh chấp chủ quyền quốc tế vẫn làm nóng những trang báo ở đất liền.
|
Tác giả Etcetera Nguyễn và chiến sỹ hải quân cùng bức ký hoạ trên đảo Trường Sa Lớn |
Chuyến đi thăm các chiến sĩ ở các vùng biển đảo Trường Sa đã để lại một ấn tượng mãi mãi không phai nhòa trong lòng những người có mặt trên con tàu HQ 571 trong chuyến đi 9 ngày đến các vùng đảo Gạc Ma, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Đá Lát, Sinh Tồn Đông và các khu nhà Giàn DK-11 và DK-14.
Chuyến đi lịch sử do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao phối hợp với Quân chủng Hải quân và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, lần đầu tiên đã đưa đoàn Việt kiều từ trên 20 quốc gia ra thăm đảo và các chiến sĩ. Chuyến đi kéo dài 9 ngày từ 18-26.4.2012. Tôi tham gia đoàn với tư cách nhà báo hải ngoại về đưa tin về biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong cuộc đời mỗi người, nếu phải kể lại những điều mình tha thiết, mong mỏi nhất, có lẽ không nhiều dịp. Tôi có thể cam đoan rằng, từ đây cho đến khi mình rời khỏi thế giới này, điều tôi vẫn tâm đắc nhất là đã có dịp ra tới tận những vùng đảo xa xôi, nóng bỏng thời sự và mang về đất liền nhiều cảm xúc, nhiều tâm sự và cũng không cách gì trang trải hết được.
Dành nhiều thời gian vẽ ký họa những bức chân dung cho lính đảo |
Có lẽ một phần do bản năng nghề nghiệp báo chí, tôi luôn luôn ghi nhận, phân tích, quan sát đủ mọi thứ, đủ mọi góc cạnh như chiếc máy quay phim, máy chụp ảnh tham lam làm quá mức độ cần thiết của nó. Và, một mặt khác, sở thích vẽ chân dung con người đã khiến tôi dành ra nhiều thời gian để vẽ ký họa những bức chân dung tại chỗ cho những anh lính đảo.
Không có gì lý thú hơn là ngồi bên các cậu lính trẻ lòng đầy niềm tin yêu vào nhiệm vụ, vào đời sống và lý tưởng, để đưa họ lên trang giấy vẽ. Ở mỗi đảo đi qua, tôi dành tối đa 70% thời lượng để vẽ chân dung các anh lính. Từ sĩ quan tới lính trơn, ai đến trước vẽ trước, ai đến sau vẽ sau. Họ bu quanh tôi như xem một trò vui, lạ, ít khi xảy ra.
Những bức vẽ khổ nhỏ bằng bàn tay không thỏa mãn một số anh lính, thế là họ chạy đi tìm khổ giấy A4 để "xem cho đã!". Mỗi bức vẽ trong vòng 5-10 phút chỉ kịp ghi lại đôi nét chân phương từng con người. Tôi thấy như chưa "đã tay".
Trong tiếng đàn guitar bập bùng của đoàn văn công Quân khu 7 giúp vui cho lính, có tiếng cười, chọc ghẹo lẫn nhau khi mỗi bức vẽ nhanh của tôi hoàn thành. Tôi vẽ như lên đồng trong cái nắng say gắt của tháng Tư ở đảo.
Cái nắng chói chang làm mồ hôi vón cục thành từng vệt trắng trên những vạt áo xanh của anh lính thủy thủ. Và những nụ cười mới rạng rỡ làm sao. Họ đa số còn rất trẻ. Tuổi trên dưới 20 mà đã dạn dày nắng gió. Những câu chuyện tâm tình trong họ cứ bật ra như những làn gió mặn mà của vùng biển Đông.
Tôi vừa vẽ vừa hỏi chuyện từng người. Họ kể cho tôi nghe về những kỷ niệm thời đi học. Kể về hoàn cảnh gia đình. Về ước mơ sau khi trở về đất liền. Cả những câu chuyện tình lãng mạn của những chàng trai đôi mươi mới biết yêu lần đầu.
Những bức chân dung được gởi lại làm quà, thấp thoáng đâu đó được dán ở đầu giường mỗi chiến sĩ như một kỷ niệm của "chú nhà báo họa sĩ" luôn luôn được quý mến. Và, có nơi tôi còn được họ mời thử món rượu gạo nhắm với những con cá biển tươi rói, béo ngậy. Nhậu tới say bí tỉ, hai anh lính phải kè tôi lên tàu để đi qua đảo khác. Cứ thế, những bức vẽ chân dung, ký họa như khắc sâu những vùng biển đảo trong lòng tôi không hề phai nhòa.
Niềm vui khi vừa hoàn tất bức ký hoạ chân dung |
Giữ làm kỳ niệm |
Trở về Hoa Kỳ, tôi đã thực hiện một cuộc triển lãm ảnh "mini" mang tên "Trường Sa trong mắt chúng tôi" để mang đến cho độc giả, những người dân ở vùng Little Saigon (Nam California) hiểu thế nào là đời sống, công cuộc chiến đấu gian khổ của những người lính hải quân Việt Nam đang hy sinh một phần tuổi trẻ của họ để bảo vệ lãnh hải Việt Nam.
Cuộc triển lãm đã mang lại những giá trị thông tin thật sống động, mới mẻ và chưa từng có ở một nơi mà nhiều nguồn thông tin khách quan, trung thực về chủ quyền đất nước còn thiếu thốn, chưa hề có xảy ra. Cuộc triển lãm với những hình ảnh hoạt động của đoàn với đại diện chức sắc 6 tôn giáo lớn (Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin Lành, Hòa hảo, Hồi giáo) và nhiều đại diện các đoàn thể, văn nghệ sĩ, nhà báo…đã dàn trải nhiều kinh nghiệm quý báu cho những người tham gia.
Riêng tôi, trong lòng vẫn canh cánh những băn khoăn ray rứt như có một điều gì đó chưa làm đầy đủ, trọn vẹn. Và, tôi đã dàn trải "món nợ" trong lòng khi được đài VTV4 đến tòa soạn Việt Weekly để thu hình, phỏng vấn về chuyến đi Trường Sa chiếu trong dịp Xuân 2013 này. Cô phóng viên hỏi tôi có ước mơ gì sau chuyến đi lịch sử này? Tôi đáp không nghĩ ngợi nhiều: "Tôi muốn có cơ hội được trở lại các đảo Trường Sa. Để sống ở đó một thời gian dài, để vẽ đầy đủ phong cảnh, chân dung tất cả các anh lính đảo. Để mang về đất liền những hình ảnh, đời sống, chân dung những người con Việt Nam quả cảm, dạn dày nắng gió biển. Đó là ước mơ của tôi".
Khi nói ra ước mơ này, cũng có nghĩa là tôi đã xác định được "món nợ" của tôi với các anh lính và biển đảo chủ quyền đất nước. Thế là tôi bắt tay vào vẽ lại chân dung các anh lính được ghi qua hình ảnh. Mỗi bức chân dung hiển lộ, tôi như thấy các anh đang cười rất tươi, những bàn tay vẫy chào mà ánh mắt rưng rưng mời gọi những lần trở lại… Tôi muốn có dịp mang tranh chân dung vẽ khổ lớn ra tận các đảo tặng cho từng người.
Biết đến bao giờ, các anh? Xin cho tôi gửi tới các anh tất cả lòng ngưỡng mộ và lời chúc an lành trong một năm mới đang đến…
Trên đảo Đá Tây |
Bút ký của Etcetera Nguyễn
(Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly-Hoa Kỳ)
Theo Quê hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.