Nhà báo Nguyễn Triều ra mắt truyện ngắn “Không phải ngụ ngôn”

PV Thứ năm, ngày 26/06/2014 15:39 PM (GMT+7)
Bình luận 0

Nguyễn Triều là một nhà báo cầm bút lâu năm, ông sinh năm 1953 tại Nghệ An và là một cây bút xuất sắc của báo Hà Nội Mới. Mới đây Ông đã ra mắt truyện ngắn“Không phải ngụ ngôn” nhưng thực ra lại chính là “Ngụ ngôn thời hiện đại”. Ông đã dùng ngòi bút sắc bén của mình để cảm nghiệm bằng triết lý sống qua cảnh vật thiên nhiên, dùng những cảnh sinh hoạt của loài vật để nhân cách hoá câu chuyện, đưa những câu chuyện ngụ ngôn không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà còn có tính giáo dục cao.

img 

 

Với lối viết nhẹ nhàng, tự nhiên, sinh động. Tác giả Nguyễn Triều đã đem hết những điều tâm huyết, những chắt lọc, trăn trở trong chuyên môn nghề nghiệp trong suốt mấy chục năm cầm bút. Không một chút đao to, búa lớn, cũng không hề thấy sự rắc rối phức tạp của những suy đoán, luận lý, tác giả đã đưa những điều đó vào những câu chuyện mang tính dung dị đầy cuốn hút.

Đọc “Không phải ngụ ngôn” để thấy những câu châm ngôn dí dỏm, kiểu như: Thành đổ đã có chúa xây/ Can chi gái góa lo ngày lo đêm/ Đợi chúa váy đụp chẳng còn!...(Gái góa); Đàn ông nông cạn giếng thơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu/ Giếng thơi chết được ai đâu/ Anh hùng, vua chúa cơi trầu khó qua (Cơi trầu);

Hoặc là những mẩu truyện ngắn ngắn nhưng tầng lớp ý nghĩa như:

Con người bảo cái bóng:

- Sao mày cứ dính chặt lấy tao thế, không cho tao lấy một chút riêng tư. Đi vệ sinh, ngủ với vợ cũng bị mày trông chừng là sao?

Cái bóng nói:

- Hỏi hay thật. Ông sinh ra tôi mà không biết sinh ra cái gì hay sao mà hỏi thế? Ông hỏi tôi, tôi biết hỏi ai? Hay để tôi hỏi người sinh ra ông…

(Cái bóng)

Hay:

Người nói:

- Có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Hai đứa chúng mày, một đứa đen, một đứa rạng, gần nhau thì ra cái gì?

Mực và đèn nói:

Chúng tao không biết chúng tao gần nhau thì ra cái gì, nhưng chúng tao biết, nếu chúng tao không gần nhau thì sẽ không có ánh sáng, không có chữ viết và đến nay con người vẫn ăn lông ở lỗ…

(Mực đèn)

img 

 

Và rồi cũng chính từ những câu chuyện đó, người đọc hình dung và cảm thấy nghề làm báo thật hấp dẫn nhưng chẳng dễ chút nào, thật thú vị nhưng cũng không ít dằn vặt, suy tư, trăn trở, đọc xong rồi thấy yêu hơn, tự hào hơn về cái nghề đó... Những đề tài như “báo lá cải” từng là đề tài được bàn tán khá sôi nổi trên diễn đàn báo chí. Dưới con mắt của tác giả trong “Không phải là ngụ ngôn” có cái nhìn rất hài hước và lý thú: “Báo Lá Cải,với đội ngũ PV hùng hậu thường xuyên túc trực ở khu vực Vòng 1 Vòng 3 nóng bỏng và nhạy cảm nhất, ra  đời như  vậy!”

Mỗi câu chuyện ngụ ngôn trong “Không phải ngụ ngôn” được tác giả sáng tác trong tập sách này đều chứa đựng những thông điệp về bài học làm người, về luân thường đạo lý, về kinh nghiệm sống…qua đây giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về thế giới, về mọi người xung quanh và nhìn rõ hơn về chính con người chúng ta.

img 

 

Những thông điệp đó rất dễ thẩm thấu qua giọng văn nhẹ nhàng, ý nhị và hài hước  của cây bút phóng sự điều tra báo Hà Nội Mới một thuở được các học trò, đồng nghiệp yêu mến, thán phục. Đây thực sự là cuốn sách đáng đọc không chỉ để giải trí, trong đó còn chứa đựng những lý lẽ rất đời thường, rất người mà ai trong chúng ta cũng gặp ở cuộc sống hàng ngày.
“Không phải là ngụ ngôn” không chỉ là những câu chuyện mà có thể dùng gợi ý cho bài giảng, dạy giáo lý hoặc dùng để suy tư, suy ngẫm cũng rất có ích cho mọi người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem