Nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường đi xe lăn đến ra mắt sách nhạc của chính mình

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 12/04/2021 13:08 PM (GMT+7)
Cuối tuần qua, PGS.TS, Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã đi xe lăn đến trụ sở của Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm, Hà Nội) để ra mắt cuốn sách “Nhật ký trên khoá Sol”.
Bình luận 0

Cuốn sách đã dành phần trang trọng tới 178 trang trong số 351 trang in khổ lớn để giới thiệu 62 tác phẩm do nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường sáng tác và phối âm cho hợp xướng. Con số 62 tác phẩm được in cũng trùng với "tuổi nhạc" của ông, từ ca khúc đầu tiên "Tiếng hát bản Mường" được viết từ năm 1959 khi ông mới 19 tuổi.

Người thân trong gia đình đến chúc mừng nhạc sĩ Lân Cường trong buổi ra mắt sách.

Người thân trong gia đình đến chúc mừng nhạc sĩ Lân Cường trong buổi ra mắt sách.

Cuốn sách chứa đựng những tác phẩm, những kỷ niệm, những tâm sự, những tình cảm của bạn bè với nhà khoa học - nhạc sĩ say mê nghiên cứu, sáng tác và chỉ huy biểu diễn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: "Tôi vui mừng và vinh hạnh được đọc tập bản thảo của nhạc sĩ Lân Cường với hơn 60 bài từ ca khúc người lớn, ca khúc thiếu nhi và các bản hợp xướng, trong đó có hai tác phẩm kinh điển là "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi và "Lời ru trên nương" của Trần Hoàn (lời thơ: Nguyễn Khoa Điềm) được chính anh chuyển soạn cho hợp xướng 4 bè.

Trước tiên phải nói, Lân Cường là một nhà khoa học – khảo cổ học – cổ nhân học đã gắn cuộc đời mình với âm nhạc. Tính khoa học là mối tơ duyên đã gắn kết hai thế giới tinh thần trong anh: nghiên cứu – sưu tầm và sáng tạo. Tình yêu khát vọng vô bờ bến đã tiếp năng lượng, soi sáng con đường sáng tạo của anh tới những thành công như hôm nay. Đây là hiện tượng hiếm có (nếu không nói là duy nhất) trong giới âm nhạc".

Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chất nhạc trong các sáng tác của nhạc sĩ Lân Cường toát lên tính trẻ, yêu đời, lạc quan… Đối với các cháu thiếu nhi là những bài ca giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, có ý nghĩa giáo dục. Ông đã sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca các dân tộc và bao trùm lên tất cả là âm hưởng của nền âm nhạc mới mà ông đã tiếp thu được từ các thế hệ đi trước như: Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Văn Ký, Trần Hoàn, Phạm Tuyên…

NSƯT Xuân Bắc đến chúc mừng "thầy" Lân Cường. PGS Lân Cường bị tai nạn cách buổi ra mắt sách 10 hôm khi nhảy xuống một hố khai quật khảo cổ. Cú tai nạn khiến chân của ông bị thương nặng và phải di chuyển bằng xe lăn.

NSƯT Xuân Bắc đến chúc mừng "thầy" Lân Cường. PGS Lân Cường bị tai nạn cách buổi ra mắt sách 10 hôm khi nhảy xuống một hố khai quật khảo cổ. Cú tai nạn khiến chân của ông bị thương nặng và phải di chuyển bằng xe lăn.

Công chúng biết đến PGS.TS Nguyễn Lân Cường với tư cách một nhà cổ nhân học nổi tiếng với nhiều hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực khảo cổ học -  nhân học. Dù làm khoa học nhưng ông luôn có một niềm say mê với âm nhạc. Ông đến với nghệ thuật từ khi còn rất trẻ và những sáng tác của ông ra đời từ sớm. 

Cùng với những chuyên đi tới khắp mọi nẻo đường của tổ quốc như "đạp núi rừng thác lũ"… "như những cánh chim chờn vờn quanh Tổ quốc", ông đã đi cùng năm tháng, cùng thời gian và cảm xúc trong ông cứ tuôn chảy thành những giai điệu ngọt ngào. Đó là những giai điệu mang hơi thở cuộc sống, hăng say, tươi mới, đầy nhiệt huyết và đẹp đẽ như chính tâm hồn của ông vậy.

Từ năm 1998, ông đã dự cảm và viết ca khúc Việt Nam chiến thắng để 10 năm sau được kịp thời cùng lúc phát ở bốn địa điểm khi đội tuyển Việt Nam giơ cao cúp vô địch AFF năm 2008. Bài hát này được gọi thân mật là "Hâm mộ ca" của các fan bóng đá nước nhà.

Nhạc sĩ Lân Cường ký tặng sách cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp...

Nhạc sĩ Lân Cường ký tặng sách cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp...

Trong cơn lốc đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, ca khúc "Chiều nay nếu anh không về", phổ nhạc thơ Vũ Tuấn, được phát trên sóng truyền hình Hà Nội ngày 12/4/2020, ca ngợi các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã gây được nhiều xúc động trong lòng khán - thính giả.

Nhạc sĩ - nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường khiêm tốn chia sẻ rằng ông nghĩ mình "chỉ là một viên đá cuội nhỏ nhoi" trong ngọn núi tác phẩm âm nhạc đồ sộ của nước nhà. Ông còn dự định hoàn thành bản giao hưởng về đề tài lịch sử "Nguyễn Trãi" trong những năm "hậu 80" của mình…

Tại buổi ra mắt sách, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân gửi lời chúc nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường: "Trong âm nhạc có bảy nốt: đô - rê - mi - pha - sol - la - si và nốt thứ tám lại quay lại nốt "đô" nhưng đã cao hơn một bát độ. Tôi liên tưởng tới sự nghiệp âm nhạc của anh Lân Cường, từng bước, bước sau cao hơn bước trước và khi bước tới nốt thứ 8 là lúc anh đã đạt tới cung bậc mới trong tiến trình sáng tạo tuổi 80 của mình".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem