Tài sản chứng khoán của hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Thị Phương Thảo lần lượt giảm 723,97 tỷ đồng và 1.275,74 tỷ đồng (Ảnh: I.T)
HPG ngược dòng giúp tỷ phú Trần Đình Long “kiếm” 228 tỷ đồng
Phiên giao dịch ngày 2.5 đã kết thúc theo cách không mấy tích cực khi áp lực bán tăng vọt kéo theo sắc đỏ bao trùm toàn thị trường.
Sau khi sắc xanh hiện diện trên 3 sàn HSX, HNX và UpCom trong những phút giao dịch đầu phiên, tới 10h sáng, áp lực bán tăng vọt khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều chìm sâu trong sắc đỏ.
Trong nhóm VN30, Cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup có thời điểm bị bán mạnh trong phiên giao dịch sáng 2.5 và giảm 4.600 đồng/cổ phiếu (3,7%) xuống 121.400 đồng/cổ phiếu.
GAS tiếp tục giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp và rơi vào tình trạng trắng bên mua. NVL sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp đã xuất hiện lực cầu bắt đáy, giúp cổ phiếu này không còn giảm sàn trong phiên giao dịch sáng 2.5.
Cổ phiếu VIC, VJC đứng đầu danh sách bị bán ròng, trong khi HPG đứng đầu danh sách mua ròng trên sàn HSX (Ảnh: I.T)
Tới phiên giao dịch buổi chiều, diễn biến thị trường càng trở nên kém tích cực với áp lực bán tăng vọt. Trên HSX, khối ngoại tiếp tục có phiên bán ròng khá mạnh với 4,63 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 359,16 tỷ đồng.
Theo thống kê, VIC đứng đầu danh sách bán ròng với 367,22 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là VJC: 110,23 tỷ đồng, VRE: 108 tỷ đồng, BID: 13,66 tỷ đồng, KDH: 10,93 tỷ đồng. Trong đó, BID có giao dịch kém tích cực nhất khi giảm sàn trắng bên mua xuống 33.600 đồng/cổ phiếu.
Tại thời điểm 14h15, chỉ số VnIndex giảm 23,53 điểm (2,24%).
Tuy nhiên, đà giảm của VN-Index sau đó đã được hãm lại nhờ VIC và VRE hồi lại, trong đó VIC chỉ còn giảm nhẹ 0,79%, xuống 125.000 đồng/cổ phiếu với 5,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, VRE đứng ở tham chiếu 46.300 đồng với 5,34 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Trong khi đó, VNM giảm 0,27%, xuống 184.500 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 3,96%, xuống 179.600 đồng/cổ phiếu.
VnIndex đóng cửa phiên giao dịch giảm 21,18 điểm (2,02%) xuống 1.029,08 điểm; Hnx-Index giảm 1,67 điểm (1,36%) xuống 120,97 điểm và Upcom-Index giảm 0,64 điểm (1,14%) xuống 55,92 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch phiên ngày 2.5 trên cả 3 sàn đạt 183,26 triệu cổ phiếu, giá trị 5.746,9 tỷ đồng, giảm 4,35% về khối lượng và giảm 2,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,55 triệu đơn vị, giá trị 1.301,47 tỷ đồng.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát bất ngờ “ngược dòng” giúp tỷ phú Trần Đình Long “kiếm” 228,93 tỷ đồng (Ảnh: I.T)
Trong số các tỷ phú USD Việt Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát có lẽ là người hưởng lợi nhiều nhất khi cổ phiếu HPG của Hòa Phát bất ngờ “ngược dòng”, tăng trưởng trở lại sau khi giảm xuống 53.300 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch buổi sáng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2.5, giá trị giao dịch cổ phiếu HPG tăng 600 đồng/cổ phiếu (1,1%) lên 54.400 đồng/cổ phiếu. Tài sản chứng khoán của tỷ phú USD Trần Đình Long sau phiên giao dịch ngày 2.5 cũng tăng thêm 228,93 tỷ đồng lên 20.756,71 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản của hai tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo lần lượt giảm 723,97 tỷ đồng và 1.275,74 tỷ đồng do giá trị giao dịch của hai cổ phiếu VIC và VJC đều giảm.
HAG nằm sàn, tài sản bầu Đức hụt 120 tỷ đồng
Sau khi bị HSX đưa vào diện cảnh báo do công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, cổ phiếu HAG đã giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 2.5. Điều này khiến tài sản chứng khoán của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giảm hơn 120 tỷ đồng còn 1.601,09 tỷ đồng.
Đàn bò không mang lại doanh thu cho bầu Đức trong quý I.2018 (Ảnh minh họa)
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2018 mới được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố, Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.027 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 56,6 tỷ đồng, tăng 245% so với mức 16,38 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ mảng trái cây.
Theo giải trình của Hoàng Anh Gia Lai, nguyên nhân doanh thu tăng là do doanh thu bán trái cây tăng 333 tỷ đồng nhờ kỳ này diện tích thu hoạch các loại cây ăn trái tăng lên so với cùng kỳ và thêm phần diện tích trái cây thu hoạch từ công ty Nông nghiệp Đại Thắng. Ngoài ra, doanh thu bán ớt kỳ này phát sinh 93 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chưa có. Doanh thu cho thuê và cung cấp dịch vụ khác tăng 10 tỷ đồng nhờ tăng dịch vụ cho thuê dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai-Myanmar. Doanh thu căn hộ tăng 2 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng do bán căn hộ Hoàng Anh Đắk Lắk.
Chiều giảm doanh thu, đáng chú ý là doanh thu bán bò không phát sinh trong quý I.2018 trong khi cùng kỳ đạt 196 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai cho biết nguyên nhân sụt giảm là do công ty không ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho ngành bò mà tập trung dành cho mảng cây ăn trái, chỉ duy trì đàn bò ở mức cung cấp phân hữu cơ cho mảng trồng trọt.
Đáng chú ý, Hoàng Anh Gia Lai có 265 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 119 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ công ty có 202 tỷ đồng lãi cho vay, tăng 62 tỷ đồng, lãi thanh lý khoản đầu tư 46 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không phát sinh…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.