Nhà đầu tư bất động sản TP.HCM "khát" vốn nội, trông chờ nguồn vốn FDI

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 27/02/2023 13:52 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh các kênh huy động vốn đều không khả thi, nguồn vốn ngoại được đánh giá là giải pháp hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM giải tỏa "cơn khát" dòng tiền.
Bình luận 0

Nguồn vốn FDI đổ bộ vào bất động sản TP.HCM

Thời gian qua, nguồn vốn ngoại (FDI) đổ bộ vào lĩnh vực bất động sản liên tục tăng trưởng. Số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.

Tính riêng TP.HCM, địa phương thu hút 3,94 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong năm 2022. Số dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư trên địa bàn TP.HCM trong năm 2022 là là 893 dự án, tổng vốn đăng ký hơn  601 triệu USD.

Ngoài ra, có 192 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (gồm các dự án tăng và giảm vốn) với số vốn tăng thêm đạt hơn 1,6 tỷ USD. Trong đó, bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn FDI phân bổ vào TP.HCM.

Nhà đầu tư bất động sản TP.HCM "khát" vốn nội, trông chờ nguồn vốn FDI - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang khan hiếm dòng tiền. Ảnh: H.T

Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, cho biết việc vốn ngoại tăng mạnh vào lĩnh vực bất động sản TP.HCM cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Nhà đầu tư vẫn ưu tiên bất động sản vì mang tính ổn định, thu hút được nguồn vốn lớn so với các ngành khác.

Mặc dù nửa cuối năm 2022 thị trường gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn FDI giảm nhưng vẫn giữ ở mức tốt. Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng lạc quan, vì vậy nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào bất động sản do đây không chỉ là tài sản mà còn là dịch vụ khai thác. Khi kinh tế tốt thì nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào nhà ở, bất động sản thương mại, dịch vụ.

Trong bối cảnh thị trường khan hiếm dòng tiền, giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chia sẻ với PV Dân Việt, Tổng giám đốc một công ty bất động sản trên địa bàn TP.HCM cho biết "Từ đầu năm ngoái, Hội đồng quản trị công ty tôi đã phải họp liên tục để tìm giải pháp dài hạn cho những năm sau. Chúng tôi phải tìm đến các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan... để cùng nhau hợp tác phát triển phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp nhỏ... 

Hiện nay, nguồn vốn trong nước rất khó, đặc biệt các ngân hàng thương mại "siết" khoản vay và tăng lãi suất, điều này làm cho doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc hướng tới hợp tác với các đơn vị nước ngoài để tìm nguồn vốn là điều tất yếu, đây cũng là một trong những bước đi để củng cố lại tiềm lực tài chính của doanh nghiệp".

Các phân khúc bất động sản thu hút đầu tư nước ngoài

Thời gian qua, bất động sản TP.HCM rơi vào tình trạng "đóng băng" khi gặp các vướng mắc pháp lý như tiền sử dụng đất, thủ tục xây dựng… cùng với chính sách thắt chặt dòng tiền. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều trở ngại cả về khách quan và chủ quan như lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ và chi phí xây dựng.

Nhà đầu tư bất động sản TP.HCM "khát" vốn nội, trông chờ nguồn vốn FDI - Ảnh 3.

Nguồn vốn FDI được nhiều doanh nghiệp bất động sản trông chờ. Ảnh: H.T

Hều hết các phân khúc đều "chao đảo" ngoại trừ các phân khúc được rót nguồn vốn đầu tư nước ngoài như bất động sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng. Vì vậy, để thị trường phát triển đồng đều, chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý thì thị trường mới hoàn chỉnh để dòng vốn FDI đổ vào.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng cần sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp, các chính sách phải có tính ổn định, lâu dài. Đồng thời, mỗi địa phương cần có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

"Vốn ngoại cũng sẽ nhìn vào tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường cao tốc quốc gia, hệ thống sân bay quốc tế và nội địa… để tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển thị trường bất động sản" - ông Thịnh nói.

Nhà đầu tư bất động sản TP.HCM "khát" vốn nội, trông chờ nguồn vốn FDI - Ảnh 4.

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý để thu hút đầu tư. Ảnh: H.T

Về phía các doanh nghiệp, theo ông Thịnh cần chuẩn bị các điều kiện về tài chính, quyền sử dụng đất, các chương trình, dự án để đầu tư kinh doanh. Trong các hợp đồng cần rõ ràng, cụ thể, tỉ mỉ, có quy trách nhiệm cụ thể theo các điều luật để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả pháp lý khi kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp cần chọn lựa chủ đầu tư có nguồn lực, kỹ năng trong xây dựng, kinh doanh bất động sản và phải có mục đích thực chất, gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn về dòng vốn, ông Neil MacGregor - Tổng Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Với những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch và năng lực sẵn có của chủ đầu tư, không khó để doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem