Nhà hàng, quán ăn đang “phất lên” nhờ dịch vụ giao đồ ăn thời @

Ngọc Phạm Thứ hai, ngày 27/05/2019 19:35 PM (GMT+7)
Sự bắt tay giữa ứng dụng gọi món và cửa hàng là hợp tác thắng lợi cho cả bốn bên, gồm khách hàng, tài xế, nhà cung cấp nền tảng và nơi chế biến ẩm thực.
Bình luận 0

Khoảng một năm trở lại đây, cảnh tượng một số cửa hàng ăn uống tại Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng có đông nghẹt người xếp hàng mua đồ mang đi đã dần trở nên quen thuộc. Phần lớn trong dòng người rồng rắn này là màu áo xanh đỏ của tài xế các dịch vụ giao nhận thức ăn.

img

Tài xế GrabFood và GoFood đứng chật bên trong một quán trà sữa.

“Phất lên” nhờ công nghệ

Dù đã xuất hiện nhiều năm nhưng dịch vụ giao đồ ăn chỉ mới phát triển mạnh từ năm 2018 nhờ sự tham gia tích cực của nhiều tên tuổi mới như GrabFood, GoFood, bên cạnh Now/Foody hay Vietnammm,… Chính sự xuất hiện của các gương mặt mới, với kinh nghiệm quốc tế dày dặn, tiềm lực tài chính tốt, khả năng tiếp thị hiệu quả, kết hợp với đội ngũ tài xế đông đảo đang khiến thị trường F&B (thực phẩm và dịch vụ ăn uống) được dịp bùng nổ qua kênh trực tuyến.

img

Một số tên tuổi lớn trong thị trường giao đồ ăn hiện nay.

Nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống cho biết, sau khi cửa hàng được “lên sàn” trực tuyến thông qua các ứng dụng, thu nhập trung bình mỗi tháng đã cải thiện đáng kể. Theo đó, hầu hết đơn vị xác nhận mức tăng trưởng hai con số, thậm chí GrabFood từng cho biết có đối tác kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng tới 300% doanh thu, còn bản thân nền tảng này nói chung có mức tăng trưởng tới 250 lần sau 1 năm.

“Chúng tôi không nghĩ sẽ có thể tăng trưởng kinh doanh thêm nữa, bởi lượng khách có đông thì cũng chỉ hạn chế trong phạm vi nhất định chứ người ở xa không biết hoặc không tiện đến. Thế nhưng kể từ khi dùng app (ứng dụng - PV), tôi rất ngạc nhiên khi được khá nhiều khách hàng biết và đến ủng hộ, lượng đơn hàng giao đi cũng tăng lên nhanh”, bà Nguyễn Thị Hồng Thu - chủ một quáncơm gà xối mỡ ở Q.8 chia sẻ trong một sự kiện tại TP.HCM.

Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các nhà hàng, chuỗi ăn uống, sự xuất hiện của các tài xế không chỉ mang lại nguồn doanh thu mới mà còn tăng thêm giá trị vô hình về thương hiệu - vốn là bài toán tốn kém để triển khai trong một thị trường F&B sôi động như Việt Nam. Xét về mặt quảng bá, tâm lý đám đông, sự xuất hiện thường xuyên, thậm chí đông đúc của các tài xế dịch vụ gọi món còn là một dấu chỉ về uy tín và gây tò mò của các khách hàng mới với cửa hàng.

Sẵn sàng chi 30.000 đồng cho ổ bánh mì 20.000 đồng để... giao tận nơi

Theo thống kê từ Dcorp R-Keeper, Việt Nam có hơn 540.000 cửa hàng phục vụ ăn uống trên khắp cả nước. Trong khi đó, Euromonitor dự báo, giai đoạn 2014 - 2019, ngành F&B sẽ tăng trưởng với tốc độ "chóng mặt", từ 18%/năm trở lên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhà hàng, quán ăn hiện không thể chỉ thu hút khách bằng công thức nấu ăn ngon, thực đơn hấp dẫn, mà truyền thông, quảng cáo cũng là một yếu tố bắt buộc. Vấn đề là những quán ăn truyền thống, độc nhất và danh tiếng kiểu gia đình lại không có thế mạnh này, trước khi tiếp cận được với các ứng dụng gọi đồ ăn.

img

Quán cơm gà xối mỡ của bà Nguyễn Thị Hồng Thu (Q.8, TP.HCM) được dịp “phất lên" nhờ hợp tác với ứng dụng giao đồ ăn.

Không chỉ tại Việt Nam, ở nhiều quốc gia khác, thị trường giao đồ ăn trực tuyến cũng đang mở ra mô hình kinh doanh mới và tối ưu hóa triển vọng doanh thu đáng kể trong ngành F&B. Dựa vào các nền tảng gọi món, với hàng triệu người dùng sẵn có, hàng trăm nghìn tài xế…, các quán ăn không cần có vị trí đẹp và tự vận hành các bước tiếp thị, giao hàng - vốn đòi hỏi lớn về tài chính và nhân sự triển khai. Xu hướng này cũng đã định hình rõ nét tại Việt Nam trong một năm qua.

Thật vậy, ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Napas từng bình luận trong một sự kiện gần đây về sự thay đổi thói quen của người dùng, hướng đến nhu cầu tức thì, tiện lợi: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà người ta mua ổ bánh mì 20.000 đồng nhưng sẵn sàng chi 30.000 đồng để được giao tận nơi”.

Theo các chuyên gia về kinh tế, tận dụng sự thay đổi trong nhu cầu và thói quen ăn uống của người Việt, đặc biệt là người đô thị, "cú" bắt tay giữa ứng dụng gọi món và cửa hàng là hợp tác thắng lợi cho cả bốn bên, gồm khách hàng, tài xế, nhà cung cấp nền tảng và nơi chế biến ẩm thực. Theo đó, khách hàng có sự tiện lợi, lựa chọn món ăn đa dạng; tài xế tăng thu nhập; nền tảng tăng người dùng; còn quán ăn tất nhiên hưởng lợi nhất ở doanh thu.

Cụ thể với các quán ăn, nhờ sự hỗ trợ của nền tảng gọi món trong quá trình vận hành, hàng loạt chi phí vốn “đau đầu” có thể cắt giảm đáng kể, hoặc thậm chí bằng 0, có thể kể đến như chi phí quảng cáo và chi phí giao hàng. Nhờ đó mà những nhà hàng, đặc biệt là các hàng ăn nhỏ lẻ có thể tập trung nhiều hơn vào câu chuyện “sản phẩm", mang đến những món ăn ngon cho khách hàng.

Bên cạnh đó, với “cánh tay nối dài” là các tài xế giao hàng, đồng thời được tiếp cận với lượng người dùng đông đảo của các nền tảng công nghệ, quán ăn có thể mở rộng tối đa kênh bán hàng, tiếp cận với cả khách hàng ở xa và những khách hàng chưa biết đến thương hiệu. Cơ sở kinh doanh cũng sẽ có cơ hội kích thích nhu cầu người dùng thông qua các chương trình riêng, chẳng hạn là Món “Độc” Quán Quen đang có trên GrabFood.

Qua đó có thể thấy, những giá trị tăng thêm mà nhà hàng, quán ăn có được từ dịch vụ gọi món đã và đang góp phần quyết định thắng bại trong cuộc cạnh tranh trên thị trường giao thức ăn, bên cạnh yếu tố lợi ích cho người dùng.

“Cuộc chiến” giao thức ăn giữa GrabFood và các đối thủ giờ ra sao?

Không chỉ ở Việt Nam mà GrabFood còn phải “chiến đấu” tại nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem