Đó là lời khẳng định của ông Trần Quốc Quân ở thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đang sở hữu gần 4 ha cam Vinh, Đà Lạt.
Con đường lên núi Ba Vua trước đây chỉ vừa cái bàn chân thì nay ô tô lên được là nhờ công sức của ông Quân cả. Ông Quân đã bỏ ra 40 triệu đồng thuê máy xúc mở 1,2 km đường rừng, bà con thôn Hòn Vang chung tay làm thêm 500 m nữa mở con đường đến đỉnh Ba Vua chinh phục đất khó trồng cam. Những giọt mồ hôi mặn mòi đổ vào đất làm nên những mùa quả ngọt, xua tan đói nghèo...
“Người nông dân phải như nhà khoa học”
“Tôi nói thế nếu người không biết hẳn bảo tôi là thằng chém gió. Nhưng đó là sự thật, làm nông nghiệp mà chỉ dựa vào kinh nghiệm không thôi thì chưa đủ. Người nông dân phải như nhà khoa học” - Ông Trần Quốc Quân ở thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đang sở hữu gần 4 ha cam Vinh, Đà Lạt khẳng định như vậy.
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh thăm vườn cam của gia đìnhông Trần Quốc Quân, thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn).
Ông dẫn giải: Cũng trên diện tích đất này, ông từng trồng keo. Tưởng rằng, cây keo là giống sống khỏe, nào ngờ cây to bằng cổ chân, thọ hơn thì bằng cái phích Rạng Đông là “lăn quay” ra chết. Cây keo chết khi lá vẫn xanh, bới gốc ra thì đã mục ruỗng. Bởi thế này: Đất ở Ba Vua toàn đá, bề mặt đá nhỏ, dưới nữa là đá to, rễ keo thuộc loại rễ cọc lao xuống gặp đá, sau một thời gian “chiến đấu” giành giật sự sống bị đá khuất phục, thối rễ, cây chết. Cả đồi keo nhìn xanh tốt, ấy thế mà rễ đã mục rồi, gặp gió bão là đổ gục. Đau lắm - ông Quân chua xót. Cả 200 triệu bạc tích cóp được đầu tư vào rừng tan biến. Mọi người bảo rằng, do keo bị mối xông rễ nên sinh bệnh. Nhưng núi đá thì mối ở đâu ra, nguyên nhân là tại... đá.Ông đi dự các cuộc hội thảo ở xã, huyện, tỉnh đưa vấn đề này ra, các nhà khoa học, chuyên gia đều thấy điều đó là rất đúng. Thế mới ngộ ra một điều, làm ăn mà không có kiến thức thì sẽ đổ bể. Mà chuyện trồng keo của gia đình ông là bài học đắt giá.
Tiếc công, tiếc của càng khiến ông quyết tâm nuôi chí làm giàu. Chợt ông lóe lên trong đầu một ý định táo bạo: Đưa cây cam lên đất này. Nhưng lần này thì không thể làm bừa, không thể bỏ tiền của ra mà đánh cược với sự ngu dốt - Ông cười như chế giễu mình. Làm ăn mà cứ cái kiểu thích gì làm đó, mất công mất của thì chả ngu thì sao? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn theo ông vào giấc ngủ, những lúc chặt rừng keo chết như ngả rạ.
Ông nhờ người cháu làm nghề lái xe mang mẫu đất xét nghiệm tại một đơn vị hóa nghiệm ở Hà Nội để biết chất đất ở núi Ba Vua có hợp với cây cam không. Niềm vui như vỡ òa khi ông nhận kết quả xét nghiệm: “Chất đất phù hợp trồng loại cây có múi”. Ông lặn lội về xuôi, vào miền Trung tìm giống cam Vinh về trồng. Rồi trồng thử nghiệm giống cam Đà Lạt. Hóa ra núi đá lại rất phù hợp với cây cam, bởi cây cam ưa độ dốc, đất ẩm, chứ bị úng lụt hay khô hạn là không sống được. Cái “ông đá” này hữu ích lắm, giữ nhiệt độ cho đất, mùa hạ tỏa ra hơi nước, tạo độ ẩm cho cam. Còn mùa đông, đá ôm gốc giữ ấm cho rễ cam, cam có sức khỏe tốt.
Cam là loại cây trồng kỹ tính, vậy nên địa thế đất phải có phong thủy tốt thì cam mới cho quả đều, ngọt. Phong thủy là một ngành khoa học đã được ông Quân ứng dụng vào trồng cam. Nghe có vẻ kỳ dị nhưng lại rất đúng. Ông chọn đất trồng cam hướng đông-nam, chính đông là tốt nhất, bởi mặt trời mọc buổi sáng vườn cam sẽ đón những tia cực tím từ ánh nắng ban mai chống lại các loại dịch bệnh, nhất là nấm, rầy, nhện. Buổi chiều, mặt trời chuyển sang hướng tây, nắng rất gay gắt, trồng cam hướng này là hỏng, dẫu cam có sống đấy nhưng “cơ thể” không khỏe mạnh, mà khi cơ thể cam ốm yếu thì sao có trái ngọt. Nắng hướng tây làm cây xém lá, cháy thân, cam cho quả rất kém. Gần 4 ha cam của gia đình ông đều nhằm hướng đông, vụ nào vụ nấy đều trĩu quả. Ấy là kinh nghiệm và cũng là lời khuyên chí tình của ông Quân đối với người trồng cam, nếu mảnh đất nhằm hướng tây thì nên lựa chọn cây trồng khác phù hợp hơn.
“Ông cam này lúc đơm hoa nhìn như người phụ nữ khoe sắc. Cái đẹp thì lắm kẻ rình rập...” - Ông Quân cười hóm hỉnh. Cam sợ nhất là loài nhện, nhện bu vào lá, vào hoa và quả gây tổn hại ghê gớm. Nhện là loại côn trùng lây bệnh kinh khủng nhất, nước tiểu nhện bám vào lá, lá khô; bám vào quả, quả đang màu xanh thành màu chì, cằn cọc, không to nổi nữa. Diệt loài nhện gây bệnh này phải có dầu bám dính để con nhện bám vào sẽ chết, chứ còn nguyên thuốc bảo vệ thực vật khó có thể diệt được tận gốc. Khi diệt nhện phải nhằm lúc lộc cam vào già hoặc lúc hoa đã đậu quả, chứ phun vào lúc cam ra lộc non, trổ hoa là hỏng ăn, cam sẽ xém lá, rụng hết hoa...
Đá nở hoa
Chiếc ô tô bò lên con dốc dựng đứng khiến tôi có cảm giác con đường như đi lên trời. Xe ô tô hai cầu, mà cứ ì ạch, thở khò khè mới đến được đại bản doanh của ông Trần Quốc Quân. Bước chân ra khỏi ô tô là gặp đá, đá trèo vào sân, đá ôm gốc cam gốc bưởi.
Ông Trần Quốc Quân, thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn)chăm sóc vườn cam của gia đình.
Nhưng giờ thì đá đã “nở hoa”. Đôi mắt của người nông dân Trần Quốc Quân ánh lên sự lãng mạn. Mùa xuân đến, cam trổ hoa sắc trắng, vùng núi này như tiên cảnh, đầy ắp hương cam. Ông chặn những mạch nước ngầm đùn ra từ đá chảy ra lòng núi làm ao nuôi cá, tích nước tưới cho cam. Hai sào ao được ông nuôi các loại cá trắm, chép, tạo nguồn thực phẩm cho 10 lao động giúp gia đình ông chăm sóc, thu hoạch cam. Ngoài số tiền cứng 2 trăm nghìn đồng trả cho mỗi người một ngày làm công, người lao động còn được ông Quân nuôi ăn 2 bữa thịnh soạn với cá, gà, rau sạch...
Ông Quân tâm sự, ông thực sự hạnh phúc bởi luôn được cán bộ quan tâm, chia sẻ. Trong suốt hành trình chinh phục sỏi đá trồng cam, lãnh đạo xã, huyện và tỉnh thăm hỏi, động viên như anh em thân thích. Năm 2007, ông khởi nghiệp trồng cam, một lãnh đạo xã hỏi ông: “Đất này có nên không? Tôi e...”. Sự quyết tâm của ông đã xua tan bao nghi ngờ. Lãnh đạo xã cử ông đi học các lớp tập huấn ở tỉnh, huyện; tạo điều kiện cho vay vốn và hầu như tuần nào cũng lặn lội trèo núi Ba Vua đến thăm vườn cam của gia đình. Và mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã đến thăm vườn cam của gia đình ông Quân, tình cảm và sự quan tâm chu đáo của người đứng đầu tỉnh như tiếp cho ông thêm niềm tin và khát khao làm giàu cho quê hương mình. Những điều đồng chí Bí thư Tỉnh ủy căn dặn ông giúp đỡ người nghèo được ông khắc cốt ghi tâm. Ông thấy điều đó là bổn phận, bởi tình người không có gì đong đếm được.
Vườn cam của gia đình ông Trần Quốc Quân, thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn).
Ông không nhớ đã giúp đỡ bao người hoàn cảnh khó khăn về vốn làm ăn, tiền chữa bệnh, hỗ trợ cây giống phát triển vườn cam. Thôn Hòn Vang có 26 hộ thì có đến 14 hộ trồng cam được ông Quân giúp đỡ cây giống. Tất cả các hộ trồng cam đều đã thoát nghèo, cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Xuân Kiêu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hòn Vang khẳng định, những đóng góp của ông Quân được bà con thôn xóm ghi nhận. Những gia đình khó khăn về vốn, cây giống đều được ông Quân giúp đỡ, không so đo lãi lời, nhiều hộ đến giờ vì khó khăn quá vẫn chưa trả được nợ nhưng ông ấy vẫn vui vẻ...
Giá trị của cây cam đã được khẳng định, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Sơn đã giàu lên từ trồng cam. Ông Nguyễn Hữu Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, trên địa bàn huyện hiện có 21 trong tổng số 31 xã, thị trấn tổ chức trồng cam với tổng diện tích trên 200 ha. Các hộ chủ yếu trồng giống cam Vinh hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, giá bán ổn định. Gia đình ông Trần Quốc Quân ở thôn Hòn Vang là điển hình trong sáng tạo, tìm tòi cách làm mới, hiệu quả.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành hội thảo khoa học về trồng cam, hỗ trợ người trồng cam về vốn, giải quyết thỏa đáng các thủ tục về cấp quyền sử dụng đất sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nông dân làm giàu từ trồng cam.
Thành Công (Báo Tuyên Quang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.