Nhà kính tác động thế nào đến cảnh quan, môi trường TP. Đà Lạt?

Phong Lâm Thứ năm, ngày 17/10/2019 14:27 PM (GMT+7)
Bên cạnh những lợi ích trong phát triển nông nghiệp 4.0 thì nhà màng, nhà kính còn có những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) gây tăng nhiệt độ và lũ cục bộ, đẩy lùi mảng xanh.
Bình luận 0

Sáng 17/10, tại TP. Đà Lạt, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Sở NNPTNT và Trường Đại học Đà Lạt tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tác động của việc phát triển nhà màng, nhà kính đối với cảnh quan, môi trường TP. Đà Lạt".

Thông qua hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã trình bày, trao đổi để hiểu đúng hơn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0, làm sao để vừa phát triển nông nghiệp 4.0 nhưng vẫn giữ được nét mộng mơ của TP. Đà Lạt. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận về việc nên chăng việc phát triển nhà màng, nhà kính tại Đà Lạt phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định.

img

Việc phát triển nhà kính phải phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy định.

Đà Lạt là thành phố có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Năm 2018, giá trị thu nhập bình quân 1ha đất canh tác đạt 350 triệu đồng/năm. Trong đó, rau cao cấp đạt 730 triệu đồng/ha, hoa đạt 900 triệu đồng/ha…

Theo TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, công nghệ nhà kính là một trong những giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đến nay địa phương đã có khoảng 4.500ha, trong đó TP. Đà Lạt có khoảng hơn 2.800ha (chiếm 60% diện tích nhà kính toàn tỉnh).

Nhà kính giúp tạo ra năng suất cao trong phát triển kinh tế, giảm chi phí lao động, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo tiểu vùng khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái cây trồng, năng suất cao, chất lượng tốt, chủ động thời vụ…

img

Công nghệ nhà kính đã giúp năng suất cũng như chất lượng các sản phẩm nông nghiệp tăng lên.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh những tác động tích cực thì còn có những hạn chế. Việc phát triển nhà màng, nhà kính không đủ chuẩn, tự phát khiến tích lũy mầm mống sâu bệnh nếu vệ sinh đồng ruộng không tốt. Khả năng thẩm thấu nước kém, dễ thoái hóa đất. Nhà kính cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ngập cục bộ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Hiệu ứng nhà kính làm cho môi trường không khí nóng lên xung quanh khu vực làm thay đổi nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái. Nhiệt độ ở những khu nhà kính tăng trung bình 3-5 độ C so với những khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết”.

img

Ngoài những điểm tích cực, nhà kính, nhà màng ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu, cảnh quan của TP. Đà Lạt.

UBND TP. Đà Lạt cho biết, hiện nay, việc quản lý, cấp phép xây dựng nhà kính chưa có văn bản nào quy định cụ thể, vì vậy thành phố không có cơ sở để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng quy định tạm thời tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức xây dựng nhà kính sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để bà con nông dân áp dụng, thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem